“Ông lớn” cũng thận trọng
Mùa đại hội cổ đông năm nay diễn ra muộn nên đa số doanh nghiệp, trong đó có các công ty chứng khoán, gần đây mới bắt đầu công bố tài liệu đại hội. Tính tới ngày 8/6, khối chứng khoán đều đặt kế hoạch kinh doanh năm 2020 giảm so với năm 2019, ngay cả các công ty lớn, thuộc tốp đầu.
Cụ thể, Công ty Chứng khoán SSI (SSI) vừa công bố tài liệu đại hội cổ đông với mục tiêu năm nay đạt doanh thu 2.750 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 868 tỷ đồng, lần lượt giảm 15% và 21,5% so với thực hiện năm 2019. Trong quý I/2020, Công ty ghi nhận doanh thu 945 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 8 tỷ đồng, tương đương 34% và 1% kế hoạch năm.
Tương tự, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCI) công bố kế hoạch năm 2020 với chỉ tiêu doanh thu 1.390 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 550 tỷ đồng, lần lượt giảm 9,8% và 35,7% so với thực hiện năm 2019. Được biết, trong quý I/2020, VCI ghi nhận doanh thu 379 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 90 tỷ đồng, lần lượt bằng 27% và 16% kế hoạch năm.
Công ty Chứng khoán MB (MBS) lên kế hoạch năm nay với doanh thu 720 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 200 tỷ đồng, lần lượt giảm 24,8% và 30,7% so với thực hiện năm 2019. Trong quý I, Công ty đạt doanh thu 224 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 33 tỷ đồng, lần lượt bằng 31% và 17% kế hoạch năm.
Kế hoạch kinh doanh suy giảm của các công ty chứng khoán nhìn chung dựa trên kịch bản nền kinh tế tiếp tục trải qua giai đoạn khó khăn và chưa thể hồi phục ngay lập tức, đặc biệt là xu hướng dòng tiền đang chuyển dịch vào các tài sản an toàn hơn.
Chẳng hạn, trong tài liệu đại hội cổ đông, VCI dựa trên tình hình hiện tại của thị trường chứng khoán Việt Nam và dự đoán VN-Index cuối năm 2020 sẽ dao động quanh 800 điểm.
Bên cạnh đó, tác động của dịch bệnh Covid-19 trong quý I/2020 khiến vốn hoá thị trường giảm 970.000 tỷ đồng. Chính vì vậy, VCI đặt kế hoạch kinh doanh năm nay suy giảm.
Đối với MBS, công ty này dự kiến kết quả kinh doanh năm 2020 thấp hơn năm 2019 do diễn biến của dịch Covid-19 khiến nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng và cần thời gian để phục hồi.
Thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều khả năng biến động mạnh và khó lường do chịu tác động khó dự báo của tình hình kinh tế - chính trị thế giới.
Trong đó, dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán nhìn chung không bền do nhà đầu tư có xu hướng rút khỏi các tài sản rủi ro như cổ phiếu để tìm các kênh đầu tư an toàn như trái phiếu, vàng.
… Dù thị trường bùng nổ trong quý II
Sau diễn biến lao dốc trong quý I/2020, nhất là tháng 3, thị trường chứng khoán từ đầu quý II đến nay có diễn biến hồi phục, tăng mạnh cả về điểm số và thanh khoản. Thống kê khối lượng khớp lệnh 2 tháng đầu quý II/2020 trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cho thấy, thanh khoản cao hơn 106% so với 2 tháng đầu quý II/2019.
Về điểm số, VN-Index đã lấy lại gần hết mức điểm đã mất trong đại dịch. Thanh khoản và điểm số tăng kỳ vọng sẽ giúp kết quả kinh doanh của khối công ty chứng khoán khởi sắc trong quý II, cải thiện mạnh mẽ so với cùng kỳ năm ngoái cũng như quý liền trước.
Diễn biến hồi phục theo hình chữ V của chỉ số VN-Index.
Quý I/2020, vốn hoá thị trường chứng khoán “bay” 970.000 tỷ đồng đã tác động tiêu cực tới báo cáo kết quả kinh doanh của khối công ty chứng khoán, đặc biệt là dư nợ cho vay giảm mạnh.
Tại SSI, tính tới 31/3/2020, Công ty có 6.478 tỷ đồng tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL), chủ yếu là các cổ phiếu tự doanh, tăng so với mức 4.315,2 tỷ đồng cuối năm 2019.
Trong khi đó, các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) ghi nhận 301,6 tỷ đồng, giảm so với đầu kỳ là 760 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dư nợ cho vay giảm từ 5.359,3 tỷ đồng về 4.009 tỷ đồng.
Tại VCI, tính tới 31/3/2020, các tài sản chính ghi nhận thông qua lãi lỗ ghi nhận 689,3 tỷ đồng, giảm so với đầu kỳ là 794,9 tỷ đồng. Dư nợ cho vay giảm từ 3.032,3 tỷ đồng về 2.827,9 tỷ đồng. Các tài sản tài chính sẵn sàng để bán giảm từ 1.731 tỷ đồng về 1.692 tỷ đồng.
Tại Công ty Chứng khoán TP.HCM (HCM), tính tới 31/3/2020, các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ giảm từ 1.286,6 tỷ đồng về 974,6 tỷ đồng. Dư nợ cho vay giảm từ 4.696,7 tỷ đồng về 3.553,8 tỷ đồng.
Tại Công ty Chứng khoán VNDIRECT (VND), tính tới 31/3/2020 các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ giảm từ 1.494,9 tỷ đồng về 1.341 tỷ đồng. Các tài sản tài chính sẵn sàng để bán tăng từ 682,4 tỷ đồng lên 875,2 tỷ đồng. Dư nợ cho vay giảm từ 2.887,5 tỷ đồng về 2.193,9 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bước sang quý II/2020, gió đã đổi chiều với nhóm chứng khoán, kỳ vọng báo cáo tài chính quý II có các chỉ số tích cực, nhất là nghiệp vụ môi giới và tự doanh.
Thứ nhất, thị trường tăng điểm, vốn hoá thị trường tăng, thanh khoản cao, nhà đầu tư giao dịch nhiều hơn, giúp các công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn tăng doanh thu từ phí giao dịch, cũng như lãi vay giao dịch ký quỹ (margin).
Thứ hai, hoạt động tự doanh sẽ cải thiện đáng kể khi hầu hết các cổ phiếu trên thị trường đều tăng giá, điều này giúp giá trị tổng tài sản tự doanh tăng.
Mặc dù vậy, thị trường chứng khoán nói chung, khối công ty chứng khoán nói riêng được nhìn nhận vẫn có không ít thách thức trong trung và dài hạn.
Hiện tại, thị trường chứng khoán thế giới, bao gồm Việt Nam, đang “tách rời” nền kinh tế. Thị trường tiếp tục lạc quan, giới đầu tư phớt lờ các thông tin xấu như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, làn sóng vỡ nợ và đặc biệt là xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng (các quốc gia đều muốn kích cầu hậu dịch Covid-19 bằng cách khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu để tiêu thụ hàng nội địa)...
Nhiều ý kiến cho rằng, trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán có thể tách rời nền kinh tế, nhưng về trung và dài hạn sẽ phản ánh triển vọng của nền kinh tế. Mặc dù vậy, triển vọng kinh tế có thể không xấu như nhiều người nghĩ.