Ông Lâm Minh Chánh

Ông Lâm Minh Chánh

Thị trường sẽ tự giữ “nhiệt” cho mình

TTCK Việt Nam đã có đợt tăng điểm khá dài từ cuối tháng 7 đến nay do những tác động thuận lợi của kinh tế vĩ mô. Xu hướng tiếp theo của thị trường sẽ diễn biến như thế nào là chủ đề cuộc trao đổi của phóng viên Báo ĐTCK với ông Lâm Minh Chánh, Tổng giám đốc CTCK Đại Việt (DVSC).

Ông nhận định như thế nào về xu hướng thị trường sắp tới?

Trước hết, phải nói rằng, mọi nhận định về xu hướng thị trường đều có tính tương đối, nhất là đối với TTCK Việt Nam vốn phụ thuộc khá nhiều vào tâm lý đám đông. Tuy vậy, nếu phải đưa ra dự đoán thì tôi có thể nói, thị trường trong ngắn hạn vẫn có xu hướng đi lên và xen kẽ có những phiên điều chỉnh. Trong dịp bàn tròn trực tuyến với tinnhanhchungkhoan.vn vào ngày 24/7 tôi đã dự đoán: 55% thị trường sẽ đạt 500 - 600 điểm vào cuối năm, 30% cho kịch bản tốt hơn và 15% cho kịch bản xấu hơn. Khi đó nhiều người đã nhận định, dự đoán của tôi quá lạc quan, vì chỉ số VN-Index khi đó dưới 450 điểm. Thế nhưng, những diễn biến vừa xảy ra trong mấy tuần qua cho thấy có nhiều khả năng thị trường sẽ lạc quan hơn dự đoán trên. Còn trong dài hạn, tôi tin tưởng mạnh mẽ vào sự tăng trưởng của TTCK Việt Nam .

 

Giá trị giao dịch trong những phiên gần đây tăng rất mạnh, theo ông, đâu là nguyên nhân?

Trong thời gian gần đây, TTCK khởi sắc, trong khi các kênh đầu tư khác không khả quan lắm, do đó nguồn tiền đã đổ vào chứng khoán. Nguồn tiền này từ những NĐT trước đây nay quay trở lại thị trường, nguồn tiền bổ sung của những NĐT hiện tại và từ các NĐT mới. Nguồn cung cũng không kém. Nguồn cung đến từ chính những NĐT lướt sóng (mua rồi thì phải bán ra), đến từ những NĐT lớn muốn cơ cấu lại danh mục, hoặc cắt lỗ lấy tiền mặt. Chỉ những dịp thị trường lạc quan và giao dịch lớn thì họ mới có thể thực hiện được việc này.

 

Theo ông, cần có những biện pháp nào để "giữ nhiệt" cho thị trường?

Nói một cách ví von, thị trường nóng ở mức độ vừa phải thì sẽ tự giữ nhiệt cho mình. Còn nếu nóng quá thì có ngày sẽ "mất lửa". Thông tin tốt tạo ra sự lạc quan, nhưng mức tăng 3 - 7%/ngày là quá nóng. Ở các thị trường phát triển khác, mặc dù biên độ tự do hay nới lỏng, nhưng thị trường dao động rất ít, trên 2% đã là lớn lắm rồi. Còn ở Việt Nam , có khi thị trường tăng gần bằng với biên độ và xảy ra liên tục nhiều phiên. Mức tăng của một ngày tạo ra lợi nhuận còn cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 1 tháng… Và cứ nếu như thế thì thị trường sẽ tăng trưởng không bền vững, rủi ro cao.

Để có thể tạo ra sự tăng trưởng bền vững, NĐT cần phải được bổ sung kiến thức và thông tin, phải có bản lĩnh, độc lập hơn, ít phụ thuộc vào tâm lý đám đông trong việc đưa ra quyết định của mình. Bên cạnh đó, thị trường cần phải có nhiều công cụ, chẳng hạn như bán khống, chứng khoán phái sinh… để phục vụ cho những suy nghĩ khác nhau về xu hướng thị trường của các NĐT. Khi đó, thị trường sẽ có những lực đan chéo nhau, chứ không chỉ có lực một chiều kéo thị trường lên hoặc xuống.

 

Hiện nay, có nhiều ý kiến đề nghị Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất cơ bản. Nếu xảy ra, việc này sẽ tác động như thế nào đến TTCK?

Lãi suất ngân hàng có tác động kép đến giá trị doanh nghiệp. Lãi suất cao sẽ làm cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp kém hiệu quả vì đồng vốn cao. Lãi suất cao cũng sẽ làm tăng tỷ suất lợi nhuận của NĐT vốn, vì thế tăng hệ số chiết khấu và làm giảm giá trị hiện tại của dòng tiền. Nói một cách khác, lãi suất ngân hàng thường tỷ lệ nghịch với giá trị doanh nghiệp. Khi lãi suất tăng, TTCK sẽ giảm và ngược lại, khi lãi suất giảm TTCK sẽ phản ứng tích cực.

 

Ông có lời khuyên gì đối với NĐT trong thời điểm hiện nay?

Thời điểm nào cũng vậy, NĐT, tùy vào số tiền, thời gian đầu tư, độ rủi ro có thể chấp nhận, mục đích đầu tư riêng biệt của mình, nên chọn cho mình một chiến lược đầu tư rõ ràng. Nếu không, có khi họ phải trả rủi ro cao cho một mức lợi nhuận thấp. Những NĐT mới tham gia nên nhờ sự tư vấn của NĐT lâu năm, hoặc các chuyên viên môi giới có kinh nghiệm và kiến thức.