Ông Nguyễn Hoàng Minh

Ông Nguyễn Hoàng Minh

“Thị trường ngoại tệ sẽ sớm ổn định”

(ĐTCK) Trả lời Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho rằng, tỷ giá tăng nhẹ trong những ngày qua chủ yếu do nhu cầu cân bằng trạng thái của các ngân hàng, tuy nhiên, việc khôi phục trạng thái đã sớm được thực hiện. Vì thế, tỷ giá tăng chỉ là nhất thời.

> Tỷ giá biến động, có nên can thiệp?

Trong những ngày đầu tuần này, tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng. Nguyên nhân là gì, theo ông?

Tỷ giá tăng thời gian gần đây là các ngân hàng âm trạng thái ngoại tệ mua vào USD. Tuy nhiên, nhu cầu cân bằng trạng thái của các NHTM không lớn. Đồng thời, NHNN sẵn sàng bán ngoại tệ cho các NHTM để khôi phục trạng thái. Vì thế, theo tôi, tỷ giá cũng chỉ có thể tăng lên chút ít đến hết tuần này và sau đó sẽ sớm ổn định trở lại. Tỷ giá chỉ biến động nhất thời, không phải là “sóng” ngoại tệ mà chủ yếu là do tâm lý của người dân đã đẩy giá USD lên.

 

Nhưng USD tự do đang “ăn theo” tỷ giá ngân hàng, gây sức ép lên tỷ giá?

Chúng tôi cũng đã phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, công an TP. HCM để tiếp tục kiểm tra, chấn chỉnh thị trường ngoại tệ tự do tại khu vực TP. HCM. Trường hợp đơn vị nào vi phạm trong việc mua - bán ngoại tệ trái phép sẽ bị xử lý theo Nghị định 95. Từ đầu năm đến nay, NHNN TP. HCM đã xử lý 12 trường hợp, với mức tiền phạt khoảng 50 - 70 triệu đồng/trường hợp. Tuy nhiên, các vụ việc này chỉ mang tính nhỏ, lẻ…, không tác động gây xáo trộn thị trường. Mặt khác, do chênh lệch giữa tỷ giá trong và ngoài ngân hàng thời gian qua không nhiều nên ngoại tệ giao dịch trên thị trường tự do cũng phần nào đi vào trật tự hơn so với trước đây.

 

Nhu cầu vốn ngoại tệ của doanh nghiệp hiện nay có tăng và tiền gửi USD có giảm tiếp?

Nhu cầu vay ngoại tệ của các doanh nghiệp gần đây cũng có tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, tiến độ giảm tiền gửi ngoại tệ bắt đầu chậm lại. Chẳng hạn như trong tháng 4/2013, tăng trưởng đối với tiền gửi ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn là âm 8%, nhưng tiến độ giảm bắt đầu chậm lại trong tháng 5 và 6. Lý do là chênh lệch giữa lãi suất ngoại tệ và tiền đồng không còn quá lớn như trước đây. Trong khi đó, nếu giữ ngoại tệ thì tâm lý của một số người sẽ thấy yên tâm hơn trước bối cảnh lạm phát.

 

Trong lúc này, nếu có tiền nhàn rỗi, ông sẽ gửi tiết kiệm bằng USD hay VND?

Nếu có tiền nhàn rỗi lúc này, tôi vẫn chọn gửi tiền đồng và theo tôi, gửi tiết kiệm VND vẫn tốt hơn, nhất là với kỳ hạn tiền gửi dài. Bởi xu hướng lãi suất còn giảm trong thời gian tới khi lạm phát được kiểm soát ngày một tốt hơn. So với lạm phát kỳ vọng của năm nay thì lãi suất tiết kiệm tiền đồng vẫn đảm bảo thực dương. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi ngoại tệ hiện vẫn được khống chế ở mức trần 2%/năm. Như vậy, nếu cộng với biến động tỷ giá (cao nhất cũng chỉ tăng 2%, theo chủ trương điều hành của NHNN đưa ra từ đầu năm) thì người gửi tiền cũng chỉ được hưởng mức lợi tức 4%/năm khi gửi tiết kiệm bằng USD. Trong khi đó, nếu gửi bằng tiền đồng, lãi suất thấp nhất hiện nay cũng ở mức 7,5%/năm.

 

Ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, đối với việc tất toán trạng thái vàng, NHNN vừa có chỉ đạo các NHTM phải thực hiện đúng thời hạn quy định 30/6. Hiện ngoài SCB, còn 6 ngân hàng trên địa bàn TP. HCM có số dư huy động vàng. Tuy nhiên, so với đầu năm 2013, số dư huy động vàng của các ngân hàng đã giảm đáng kể và sẽ tất toán thuận lợi. Còn với SCB sẽ có cơ chế riêng, vì ngân hàng này đang trong giai đoạn tái cơ cấu theo yêu cầu của NHNN.

Các ngân hàng đang tích cực thuyết phục khách hàng chuyển tiền gửi bằng vàng trước đây sang tiền đồng để có thể tất toán đúng thời hạn quy định của NHNN. Nhưng không phải khách hàng nào cũng đồng ý, do đó, khả năng việc tất toán sẽ khó đúng thời điểm 30/6. Một số ngân hàng cũng đã có kiến nghị lên NHNN cho phép kéo dài thời hạn tất toán trạng thái vàng đến 31/12/2013. Trước mắt, phía NHNN chưa trả lời.