Tâm lý lo ngại bao trùm
Tháng 2/2019 là quãng thời gian tương đối bận rộn đối với thị trường ngoại hối toàn cầu khi các đồng tiền chủ chốt đồng loạt biến động mạnh, tạo ra những mức đỉnh và đáy mới.
Tình hình lây lan nhanh của dịch cúm Covid-19 đã làm gia tăng tâm lý lo ngại, khiến giới đầu tư toàn cầu đổ xô tích trữ các tài sản có tính an toàn cao như vàng hay USD.
Giá vàng đã tăng 11% kể từ đầu năm, lên mức cao nhất trong 7 năm qua, trong khi chỉ số Dollar Index tiệm cận sát với mốc 100 - mức cao nhất kể từ tháng 11/2017. Ở chiều ngược lại, EUR và JPY đã giảm mạnh, tạo ra các mức đáy mới so với năm 2019.
Biến động của một số đồng tiền chính từ năm 2019 tới nay.
USD trở thành nơi trú ẩn mới
Bên cạnh tài sản an toàn truyền thống là vàng, USD đã xóa ngôi EUR hay JPY để trở thành điểm trú ẩn mới của nhà đầu tư toàn cầu trong bối cảnh kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng ổn định, còn khu vực EU hay Nhật Bản đang phải chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh.
Bất chấp thương chiến kéo dài 2 năm qua với Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Trump vẫn khá thành công trong việc duy trì đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ.
Các chỉ số kinh tế quan trọng trong tháng 1 duy trì ở mức lạc quan so với kỳ vọng. Chỉ số PMI sản xuất và tăng trưởng việc làm phi nông nghiệp đều cao hơn so với dự kiến, lần lượt đạt 50.900 và 225.000 lao động.
Ngoài ra, tăng trưởng doanh thu bán lẻ đạt mức kỳ vọng 0,3%. Trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế lớn khác là tương đối kém lạc quan thì sự ổn định của kinh tế Mỹ đã thu hút sự chú ý của thị trường vào đồng USD.
Tình hình lạc quan cũng khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thận trọng hơn trong nới lỏng chính sách tiền tệ. Nhiều khả năng Fed sẽ chỉ cắt giảm lãi suất điều hành thêm 1 lần trong năm nay, sau khi đã 3 lần cắt giảm liên tiếp trong năm 2019.
Ở một diễn biến ngược lại, các đồng tiền mạnh khác như EUR hay JPY đang trở nên kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư do triển vọng tăng trưởng kinh tế trong nước kém tích cực và tác động từ dịch bệnh tại Trung Quốc.
Những bất ổn về chính trị trong nội bộ EU, cũng như tình hình tăng trưởng kém tích cực của các nền kinh tế đầu tàu như Đức, Pháp hay Ý khiến EUR từ lâu không còn được coi là nơi trú ẩn lý tưởng.
Nhật Bản hiện cũng là một trong những điểm nóng về dịch bệnh, nên JPY không thể “miễn nhiễm” với rủi ro hiện tại.
Căng thẳng chưa dứt
Sau những biến động nhanh và mạnh vừa qua, thị trường ngoại hối có xu hướng đi ngang tích lũy khi tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn.
Tuy nhiên, tình hình nhìn chung vẫn chưa hết căng thẳng khi dịch Covid-19 đang lan rộng hơn ra bên ngoài Trung Quốc và chưa có dấu hiệu sẽ được kiểm soát trong thời gian ngắn.
Trong bối cảnh đó, vàng và USD được đánh giá tiếp tục hưởng lợi so với các đồng tiền cũng như tài sản khác.
Ngoài ra, yếu tố cần quan sát thêm là các dữ liệu kinh tế của Mỹ và EU trong thời gian tới. Kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu kém tích cực hơn khi chỉ số PMI hay niềm tin tiêu dùng trong tháng 2 đều thấp hơn so với kỳ vọng.
Trong khi đó, chỉ số PMI sản xuất của EU và môi trường kinh doanh của Đức cùng thời điểm bất ngờ tốt hơn dự báo.
Diễn biến nay dù chưa đủ tác động để đảo chiều xu hướng hiện tại, nhưng có thể sẽ làm chậm lại đà giảm của tỷ giá EUR-USD và khiến chỉ số Dollar Index chưa thể phá mốc 100 trong thời gian tới.