Thị trường mới nổi: Những rủi ro phải đối mặt năm 2019

Thị trường mới nổi: Những rủi ro phải đối mặt năm 2019

(ĐTCK) Các thị trường mới nổi đã nỗ lực từng bước hồi phục sau “cơn lốc” cuốn bay khoảng 5.000 tỷ USD giá trị cổ phiếu kể từ tháng 1/2018. Tuy nhiên, bước sang năm 2019, vẫn còn đó các mối lo thường trực.

Fed và USD

Giới đầu tư toàn cầu sẽ theo sát mọi động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell bất ngờ tỏ thái độ mềm mỏng hơn với việc đẩy mạnh quá trình nâng lãi suất.

Đáng chú ý, sau lần nâng lãi suất lần thứ tư năm 2018 tại phiên họp ngày 19/12 vừa qua, có thông tin cho rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tiếp nhắc tới việc sa thải Chủ tịch Fed, nhưng Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin ngăn cản. 

Những biến động này sẽ ảnh hưởng mạnh tới các thị trường toàn cầu, nhất là khu vực thị trường mới nổi do biến động của dòng vốn đầu tư và sức mạnh của đồng USD. 

Chiến tranh thương mại và Trung Quốc

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình duy trì thái độ đầy thách thức trong cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung, nhất là khi khẳng định Bắc Kinh sẽ không nhường nửa bước. Bất kỳ căng thẳng gia tăng nào giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đều có thể tác động mạnh tới các thị trường tài chính tại khu vực mới nổi nói chung và châu Á nói riêng.

Thực tế, thị trường chứng khoán Trung Quốc đang trải qua năm tồi tệ nhất kể từ năm 2008, trong khi chứng khoán tại Hàn Quốc và Đài Loan cũng lao dốc. Các thị trường mới nổi chứng kiến chứng khoán bốc hơi hơn 5.000 tỷ USD từ tháng 1/2018.

Chủ nghĩa dân túy

 Các thị trường mới nổi chứng kiến chứng khoán bốc hơi hơn 5 nghìn tỷ USD từ tháng 1/2018.

Brazil và Mexico sẽ bắt đầu năm mới 2019 với Tổng thống mới theo chủ nghĩa dân túy. Thị trường chứng khoán Brazil đã tăng lên mức kỷ lục sau khi tân Tổng thống Jair Bolsonaro cho biết, ông sẽ bán cổ phần tại hàng tá công ty nhà nước. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo mới sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn trong việc cải tổ bộ máy cũng như phong cách chi tiêu hiện tại của quốc gia này.

Trong khi đó, tại Mexico, các mối lo ngại xuất hiện khi nhà đầu tư cho rằng, Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador khó lòng duy trì được thặng dư ngân sách hiện tại, khi chi tiêu mạnh tay hơn vào các chương trình xã hội.

Việc chủ nghĩa dân túy nở rộ không khỏi khiến giới đầu tư lo lắng, bởi những biến động về chính sách, chính trị là khó tránh khỏi và nó sẽ tác động mạnh tới môi trường đầu tư tại các thị trường mới nổi. 

Phiền muộn vì giá dầu

Việc giá dầu giảm xuống dưới 55 USD/thùng kể từ đầu tháng 10/2018 là tin buồn đối với đa số nền kinh tế đang phát triển. Trong đó, với Ả Rập Xê út, quốc gia này cần giá dầu ở mức 95 USD/thùng để cân bằng ngân sách 2019, theo Bloomberg Economics. Với diễn biến này của giá dầu, thị trường chứng khoán tại các quốc gia Trung Đông đang trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư, ngay cả khi MSCI quyết định thêm các cổ phiếu của Ả Rập Xê út vào chỉ số thị trường mới nổi kể từ năm 2019. 

Các cuộc bầu cử

Có rất nhiều cuộc bầu cử sắp diễn ra, khiến giới đầu tư luôn ở lằn ranh của biến động lên – xuống mạnh mẽ của thị trường chứng khoán. Theo đó, cử tri Ấn Độ sẽ tham gia vào cuộc bầu cử toàn dân vào tháng 4 hoặc tháng 5/2019. Đáng chú ý, các chuyên gia tại Credit Suisse Group AG nhận định, giá cổ phiếu tại thời điểm hiện tại chưa phản ánh hết các rủi ro của việc liên minh chính quyền nổi lên, nhiều khả năng làm chệch hướng chiến lược cải cách của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Trong khi đó, Thái Lan dự kiến tổ chức bầu cử vào tháng 2/2019 và nhà đầu tư lo lắng về những bất ổn xã hội, nhất là khi trước đó đã xảy ra biến động năm 2014. Còn vào tháng 4/2019, Indonesia sẽ chứng kiến “cuộc chiến” giữa Tổng thống Joko Widodo và đối thủ Prabowo Subianto.

Tại Argentina, Tổng thống Mauricio Macri, người có thái độ thân thiện với các nhà đầu tư nước ngoài, sẽ đối diện cuộc bầu cử vào tháng 10. Với việc kinh tế rơi vào khủng hoảng, lạm phát gần 50%, nhà đầu tư lo ngại cử tri quốc gia này sẽ ủng hộ ứng cử viên theo chủ nghĩa dân túy Cristina Fernandez de Kirchner.

Tin bài liên quan