Thị trường M&A Việt Nam: Châu Á đang lấn át Âu - Mỹ

Thị trường M&A Việt Nam: Châu Á đang lấn át Âu - Mỹ

(ĐTCK) Với sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài, thị trường M&A Việt Nam thời gian qua diễn ra thực sự sôi động. Tuy nhiên, dẫn dắt thị trường là các nhà đầu tư đến từ châu Á, trong khi khu vực Âu - Mỹ tỏ ra yếu thế.

Doanh nghiệp châu Á tích cực

Thực tế thị trường M&A tại Việt Nam cho thấy, các thương vụ có nhà đầu tư ngoại chiếm 77% về tổng giá trị M&A, phần lớn đến từ Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong đó, Thái Lan thường tập trung vào mảng bán lẻ và sản xuất; Nhật Bản đầu tư chiến lược vào các công ty hàng không, xăng dầu, dược phẩm; Singapore nổi lên với những thương vụ bất động sản thương mại; Hàn Quốc tập trung vào lĩnh vực thực phẩm và tài chính ngân hàng.

Đơn cử, trong lĩnh vực bán lẻ, các doanh nghiệp Thái Lan là Central Group mua lại Big C và Singha trở thành nhà đầu tư chiến lược của Masan. Trước đó, Tập đoàn TCC cũng đã mua lại hệ thống Metro tại Việt Nam. Tập đoàn CJ đến từ Hàn Quốc mua cổ phần của Cầu Tre và Deasang mua Công ty Thực phẩm Đức Việt (giá 33 triệu USD). Quỹ đầu tư của Nhật Bản là ACA Investments rót 20% vốn vào Bibo Mart…

Trong lĩnh vực tài chính, Ngân hàng Sumitomo Bank của Nhật rót vốn vào BIDV Leasing để nắm tỷ lệ 49% vốn công ty này. Singhan Bank đến từ Hàn Quốc với thương vụ mua lại mảng bán lẻ của Ngân hàng ANZ Việt Nam…

Trong lĩnh vực bất động sản, 2 nhà đầu tư Nhật bản là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad rót vốn 8.000 tỷ đồng vào Dự án Mizuki Park rộng 26 ha của CTCP Đầu tư Nam Long. Hay trong ngành vật liệu xây dựng, Tập đoàn Siam City Cement (Thái Lan) mua lại các nhà máy xi măng, trong đó có Nhà máy xi măng Holcim của Tập đoàn LafargeHolcim...

Ông Trần Thanh Tâm, Giám đốc Khối Thị trường-Marketing, Công ty TNHH KPMG cho rằng, sở dĩ nhà đầu tư đến từ châu Á chiếm ưu thế trong các thương vụ M&A tại Việt Nam là bởi tác động trực tiếp của làn sóng FTA.

“Trong 2 - 3 năm trở lại đây, Việt Nam tham gia khá nhiều các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các quốc gia và khu vực. Cuối năm 2015, Việt Nam tham gia Cộng đồng AEC. Đây là những yếu tố thúc đẩy hoạt động M&A của các nước châu Á tại Việt Nam phát triển mạnh”, ông Tâm nói.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, M&A tại Việt Nam hấp dẫn với các nước châu Á bởi đây cũng là cách đầu tư khác của khối doanh nghiệp FDI, vốn được hưởng một số ưu đãi về đầu tư, thuê mặt bằng, thuế…

“Các doanh nghiệp Top đầu khối FDI cũng nằm trong Top đầu các thương vụ M&A tại Việt Nam”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Nhìn vào tương lai của thị trường M&A Việt Nam, ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Công ty Deloitte Việt Nam cho rằng, hoạt động M&A trong nước sẽ phụ thuộc nhiều vào quyết định đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian qua, lượng vốn của các nhà đầu tư Singapore, Thái Lan chiếm tỷ lệ lớn trong các thương vụ M&A tại Việt Nam và đây cũng là xu hướng diễn ra tại Việt Nam trong thời gian tới.

Âu - Mỹ yếu thế, vì đâu?

Ông Nguyễn Quý Lâm, Giám đốc Khởi tạo, Khối Dịch vụ ngân hàng đầu tư, CTCK Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) cho biết, thực tế, doanh nghiệp đến từ châu Âu, Mỹ không thờ ơ với thị trường M&A Việt Nam, mà trái lại, họ rất quan tâm, nhưng ít thành công.

Theo ông Lâm, có 3 nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư Âu - Mỹ thất bại khi tham gia các thương vụ M&A tại Việt Nam. Thứ nhất, quy mô thị trường Việt Nam còn nhỏ so với mong muốn đầu tư của họ (hiện tại, các giao dịch quy mô nhỏ (từ 3 - 4 triệu USD) chiếm 64,16% về giá trị và trên 90% về số lượng thương vụ).

Thứ hai, các nhà đầu tư đến từ khu vực này đòi hỏi tính minh bạch rất cao, trong khi nhiều doanh nghiệp Việt không đáp ứng được vấn đề này. Thứ ba, đó là lợi thế về tương đồng văn hóa giữa doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp cùng khu vực.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Thanh Tâm cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam quan tâm nhiều đến “nguồn hàng”, nên thị trường Việt Nam cần có thêm những nguồn hàng tốt hơn, các doanh nghiệp Việt cần minh bạch hơn về thông tin doanh nghiệp và thông tin tài chính để thu hút dòng vốn ngoại.

“Bên cạnh đó, hệ thống pháp lý liên quan đến đầu tư và M&A cần được hoàn thiện, tháo gỡ các rào cản về thuế, quy hoạch, cũng như các vấn đề về giới hạn tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài…”, ông Tâm khuyến nghị.

Thị trường M&A Việt Nam: Châu Á đang lấn át Âu - Mỹ ảnh 3

Thị trường M&A Việt: Cần tăng quy mô, nâng cao sức hấp dẫn

Quy mô và sức hấp dẫn của thị trường liên quan trực tiếp đến việc hút dòng vốn ngoại. So với các nước trong khu vực, quy mô của thị trường M&A Việt Nam còn khá khiêm tốn.

Theo thống kê của IMAA, tổng giá trị M&A tại Việt Nam năm 2016 đạt 5,8 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và tăng trưởng 11,92% so với năm 2015. Tuy nhiên, chỉ bằng 86,22% so với thị trường Phillippines có tổng giá trị M&A 2016 đạt 6,75 tỷ USD và kém rất xa so với mức 62,3 tỷ USD của Singapore.

Đó là chưa kể, các thương vụ lớn tập trung chủ yếu vào giai đoạn nửa đầu năm 2016, trong khi từ cuối năm 2016 đến nay, thị trường M&A Việt bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Tổng giá trị M&A tại Việt Nam quý I/2017, theo IMAA, mới đạt 1,1 tỷ USD (bằng 75,6% mức bình quân quý I/2016).

“Để thị trường M&A Việt Nam hấp dẫn hơn cần có quy mô thị trường lớn. Điều này đòi hỏi những bước phát triển đột phá, các cú huých từ các thương vụ M&A lớn. Hiện nay, các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, đang rất quan tâm đến tiến trình thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Petrolimex, Sabeco, Habeco, MobiFone…”, ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc Công ty AVM Việt Nam, đơn vị đồng tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam 2017 nhấn mạnh.

Theo ông Minh, trong năm 2017 - 2018, các thương vụ M&A tiếp tục tập trung vào lĩnh vực bán lẻ và bất động sản. Ngoài ra, các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng được kỳ vọng sẽ xuất hiện những thương vụ lớn, đóng góp giá trị đáng kể cho hoạt động M&A tại Việt Nam trong tương lai.

Điều này cũng được ông Phạm Văn Thinh nhấn mạnh, để kích thích và tạo đà phát triển cho M&A Việt Nam, cần đẩy nhanh các quy trình thoái vốn. Thị trường mong chờ 2 thương vụ lớn là Sabeco, Habeco, nếu diễn ra sẽ làm tăng giá trị thương vụ M&A năm 2017.

Theo báo cáo của Chính phủ, số doanh nghiệp cổ phần hóa đạt 96,3%, nhưng phần vốn Nhà nước bán ra rất thấp, chỉ đạt 8%. Nếu đẩy nhanh tiến trình thoái vốn, quy mô thị trường mở rộng, quy mô thương vụ đủ lớn, nhà đầu tư ngoại sẽ tập trung nhiều hơn đến thị trường Việt Nam, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ khu vực Âu, Mỹ.

Diễn đàn M&A Việt Nam 2017 do Báo Đầu tư và AVM Vietnam phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM) ngày 10/8/2017, với chủ đề “Tìm bước đột phá”.

Đây là sự kiện thường niên lớn nhất về hoạt động M&A doanh nghiệp và kết nối đầu tư tại Việt Nam, quy tụ 500 khách tham dự là các nhà làm chính sách, các chuyên gia uy tín, lãnh đạo các doanh nghiệp. 

Bên cạnh Hội thảo chuyên sâu về hoạt động M&A tại Việt Nam với chủ đề “Tìm bước đột phá”, Gala Dinner và vinh danh các thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu năm 2016- 2017, Diễn đàn sẽ Phát hành Đặc san “Toàn cảnh thị trường M&A doanh nghiệp Việt Nam năm 2017” và tổ chức khóa đào tạo cao cấp về chiến lược M&A.

Tin bài liên quan