Thị trường IPO châu Á đột ngột bùng nổ khi Trung Quốc siết chặt quy định niêm yết

Thị trường IPO châu Á đột ngột bùng nổ khi Trung Quốc siết chặt quy định niêm yết

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc Trung Quốc siết chặt quản lý đối với nhiều lĩnh vực đang thúc đẩy giới đầu tư toàn cầu tìm kiếm cơ hội mới ở các thị trường châu Á khác, góp phần vào sự bùng nổ IPO ở các thị trường này.

Các công ty công nghệ từ Ấn Độ, Hàn Quốc và Đông Nam Á đã huy động được 8 tỷ USD thông qua các thương vụ IPO trong năm nay, mức cao nhất trong hơn 10 năm qua.

Các thương vụ niêm yết lớn khác đang được lên kế hoạch gồm công ty tài chính khổng lồ Paytm của Ấn Độ và Tập đoàn GoTo của Indonesia, cả hai đều có thể phá vỡ kỷ lục về số tiền huy động được tại khu vực địa phương.

Khi các chính sách hạn chế của Bắc Kinh đã gây cản trở cho việc niêm yết và triển vọng tăng trưởng tại thị trường IPO nóng nhất từ lâu nay, điều này lại mang đến triển vọng cho các thị trường châu Á khác.

Đây có thể là sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới cho hoạt động IPO của các công ty công nghệ ở châu Á. Các nhà đầu tư đã gia tăng sự quan tâm với các thị trường bên ngoài Trung Quốc với một số đợt IPO từ các quốc gia như Ấn Độ và Indonesia.

Số tiền huy động thành công của các thương vụ IPO ở Ấn Độ, Hàn Quốc và Đông Nam Á

Số tiền huy động thành công của các thương vụ IPO ở Ấn Độ, Hàn Quốc và Đông Nam Á

Việc siết chặt quy định của Trung Quốc hiện đã ở tháng thứ 10 kể từ khi xảy ra thương vụ IPO gây sốc của Ant Group bị đình chỉ vào phút chót.

Điều này cũng đã buộc nhiều công ty khởi nghiệp phải tạm dừng kế hoạch IPO sau khi các cơ quan quản lý công bố một quy trình kiểm tra chặt chẽ hơn cho các đợt chào bán cổ phiếu ra nước ngoài.

Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) chiếm khoảng 60% các thương vụ IPO công nghệ châu Á kể từ cuối tháng 6 tới nay, giảm so với mức 83% trong quý II. Trong khi đó, khoảng 3/4 các công ty Trung Quốc niêm yết ở nước ngoài trong năm nay hiện đang giao dịch dưới mức giá IPO của họ.

Mặt khác, các giao dịch ở các thị trường nhỏ hơn đang thu hút nhu cầu quá lớn khi các nhà đầu tư đặt cược vào dân số ngày càng hiểu biết về internet, chi tiêu của người tiêu dùng ngày càng tăng và một lớp doanh nhân công nghệ mới.

PT Bukalapak.com, một công ty thương mại điện tử Indonesia đã huy động được 1,5 tỷ USD vào khoảng cuối tháng 7 trong đợt IPO lớn nhất từ ​​trước đến nay ở Indonesia.

KakaoBank, ngân hàng số đầu tiên của Hàn Quốc đã huy động thành công 2,2 tỷ USD vào tháng trước trong đợt IPO và giá cổ phiếu đã tăng hơn 70% trong ngày giao dịch đầu tiên.

Vikas Pershad, giám đốc danh mục đầu tư tại M&G Investments (Singapore) cho biết, rào cản phân bổ vốn cho các công ty công nghệ ở Trung Quốc “hiện đã cao hơn nhiều so với cách đây một tháng. Tỷ lệ tiếp xúc ròng với công nghệ Trung Quốc thấp hơn và tỷ lệ tiếp xúc ròng với các mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ bên ngoài Trung Quốc đang cao hơn”.

Làn sóng IPO công nghệ ở Đông Nam Á và Ấn Độ đang sẵn sàng để định hình lại các thị trường mà các chỉ số chứng khoán trước đây chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực “kinh tế cũ” như năng lượng và tài chính.

Pauline Ng, nhà quản lý danh mục đầu tư tại JPMorgan Asset Management cho biết: “Nhân khẩu học thuận lợi và tăng trưởng tiêu dùng nội địa ở Đông Nam Á không ảnh hưởng đầy đủ đến kết quả hoạt động của thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây vì một số doanh nghiệp phát triển nhanh nhất đã không được niêm yết. Sự xuất hiện ngày càng nhiều của các công ty “nền kinh tế mới” có nghĩa là những thị trường này không thể bị bỏ qua nữa”.

Tin bài liên quan