Ảnh Internet

Ảnh Internet

Thị trường hàng hóa tuần từ 27/11-4/12: Kim loại vững đà tăng

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Sắc xanh phủ kín bảng giá các mặt hàng kim loại trong tuần giao dịch từ 27/11-4/12 khi USD vẫn trong xu hướng suy yếu. Ngược lại, các mặt hàng nông sản, nguyên liệu công nghiệp đồng loạt giảm mạnh sau thời gian khá dài tăng giá trước đó.

Kim loại: Vàng lấy lại mốc 1.800 USD/ounce, đồng tăng cao nhất gần 8 năm

Ở nhóm kim loại quý, vàng thế giới ghi nhận tuần tăng giá đầu tiên trong 4 tuần gần nhất. Theo đó, giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.834,92 USD/ounce và tính chung cả tuần, tăng khoảng 2,6%. Giá vàng kỳ hạn tháng 2/2021 trên sàn NewYork chốt phiên cuối tuần qua giảm 0,15% về 1.837,6 USD/ounce, nhưng cả tuần vẫn tăng 2,85%.

Với bạc, mức độ tăng còn ấn tượng hơn khi phiên cuối tuần qua giá bạc tháng 3 trên sàn COMEX tiếp tục tăng 0,45% lên 24,17 USD/ounce, nâng mức tăng cả tuần lên 24,68%.

Tương tự, giá bạch kim kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn NYMEX đóng cửa tăng 2,94% trong phiên 4/12 lên 1.059,7 USD/ounce, cả tuần tăng tổng cộng gần 11,12%.

Các nhà đầu tư trên toàn thế giới đang theo dõi sát sao những chuyển động của USD như là một yếu tố “bullish” đối với giá kim loại quý nói riêng và hàng hóa nói chung. Lý do bởi hầu hết các loại hàng hóa trên thị trường toàn cầu đều được niêm yết bằng USD, nếu đồng tiền này giảm giá thi các loại hàng hóa trở nên rẻ hơn khi được mua bằng các loại ngoại tệ khác.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá đồng trên sàn giao dịch kim loại London kỳ hạn tháng 3/2021 kết phiên 4/12 tăng 1,44% lên 7.749,5 USD/tấn, tính cả tuần tăng gần 3,7% và là tuần tăng thứ 5 liên tiếp, cũng là mức cao nhất kể từ tháng 3/2013.

Giá đồng đang từng bước tiến gần hơn với mức kỷ lục hồi tháng 1/2011 khi nhận được làn sóng đầu tư khổng lồ, điều mà thị trường chưa được chứng kiến trong vòng một thập kỷ qua. Lạm phát gia tăng, các gói cứu trợ liên tục được bơm tiền là những nguyên nhân chính hỗ trợ giá đồng thời gian qua cũng như thời gian tới.

Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên ngày 4/12 đạt đỉnh kỷ lục và đang trên đà tăng tuần thứ năm liên tiếp do nhu cầu tiêu dùng của người dân Trung Quốc tăng, bên cạnh lo ngại về nguồn cung giảm. Theo đó, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2021 tăng 3,2% lên 962 CNY (146,94 USD)/tấn, tính cả tuần tăng gần 10%.

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Singapore tăng 1,7% lên 134,77 USD/ tấn cũng là phiên tăng thứ chín liên tiếp. Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay ở mức 136 USD/ tấn.

Cuộc biểu tình đã đẩy giá quặng sắt đường biển và ở cảng của Trung Quốc lên mức cao nhất trong 7 năm qua. Các kho dự trữ quặng sắt tại cảng của Trung Quốc trước khi tăng giá phiên thứ 5 đã giảm sản lượng trong hai tuần liên tiếp xuống còn 130,3 triệu tấn do lượng hàng từ Úc, Brazil giảm và nhu cầu sử dụng quặng sắt của các nhà máy tại Trung Quốc tăng.

Giá thanh cốt thép trên sàn Thượng Hải giảm 0,3%, thép cuộn cán nóng tăng 0,1%, thép không gỉ giảm 0,8%.

Trên sàn Đại Liên giá than luyện cốc giảm 0,4%, nhưng giá than cốc lại tăng 0,5%.

Năng lượng: Dầu tăng 5 tuần liên tục, khí tự nhiên giảm mạnh

Kết thúc phiên 4/12, dầu Brent tăng 54 US cent lên 49,25 USD/thùng, trước đó đã đạt mức cao nhất kể từ đầu tháng 3 tại mức 49,92 USD/thùng. Dầu WTI tăng 62 US cent lên 46,26 USD/thùng sau khi chạm mức cao 46,68 USD/thùng. Cả 2 hợp đồng này đều có tuần tăng giá thứ 5 liên tiếp.

Giá dầu thế giới tăng sau khi các nhà sản xuất lớn đồng ý tiếp tục hạn chế sản lượng để đối phó với nhu cầu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể, sau nhiều ngày thảo luận, OPEC+ đã nhất trí tăng dần sản lượng lên 500.000 thùng/ngày bắt đầu từ tháng 1/2021. Có nghĩa là, sẽ đưa tổng sản lượng cắt giảm lên 7,2 triệu thùng/ngày, tương đương 7% nhu cầu toàn cầu từ tháng 1/2021. Trong khi, kế hoạch trước đó, OPEC+ dự kiến sẽ kéo dài mức cắt giảm sản lượng hiện tại là 7,7 triệu thùng/ngày cho đến hết tháng 3/2021.

Về khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), giá nhiên liệu này tại Mỹ giảm gần 10% xuống mức thấp nhất trong 8 tuần vào ngày cuối tuần qua do dự báo thời tiết ôn hòa hơn vào giữa tháng 12/2020. Diễn biến này diễn ra trong bối cảnh xuất khẩu LNG đạt mức cao kỷ lục.

Giá khí tự nhiên giao tháng 1/2021 giảm 27,3 US cent, tương đương giảm 9,8%, xuống 2,507 USD/mmBTU - mức thấp nhất kể từ ngày 2/10/2020.

Refinitiv cho biết, sản lượng tại 48 tiểu bang của Mỹ đạt trung bình 91,0 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) cho đến nay trong tháng 12. Refinitiv dự báo nhu cầu, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ tăng từ 113,4 bcfd trong tuần này lên 117,3 bcfd vào tuần tới do thời tiết hạ nhiệt theo mùa. Lượng khí đốt đến các nhà máy xuất khẩu LNG của Mỹ đã tăng lên mức trung bình 10,4 bcfd cho đến thời điểm này trong tháng 12, cao nhất là kỷ lục 9,8 bcfd của tháng 11/2020.

Nông sản: Đồng loạt giảm giá

Giá lúa mì tại Mỹ giảm hơn 5% trong tuần qua do lượng dự trữ toàn cầu dồi dào, đóng cửa phiên cuối tuần ở mức giảm 0,3% về 5,82-1/2 USD. Phiên trước đó đã giảm 0,7%. Đây là tuần giảm đầu tiên sau 3 tuần tăng giá và là mức giảm lớn nhất kể từ cuối tháng 10/2020.

Tương tự, giá đậu tương kỳ hạn tháng 1/202 trên sàn Chicago giảm 0,2% xuống 11,65-1 USD/bushel.

Giá ngô kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn Chicago giảm 0,1% xuống 4,22 USD/bushel.

Các nhà phân tích cho biết, giá ngũ cốc giảm do kỳ vọng về nguồn cung toàn cầu bội thu và được hỗ trợ bởi lo ngại về thời tiết khô hạn tại khu vực Biển Đen. Công ty tư vấn Celeres hôm thứ 5 đã hạ dự báo sản lượng đậu tương của Brazil xuống 129,5 triệu tấn thay mức 133,95 triệu tấn và những lo ngại về cây trồng ở nước này đã giảm bớt trong những ngày gần đây. Giá ngô được hỗ trợ bởi thời tiết bất lợi tại Nam Mỹ, khô hạn ảnh hưởng đến vụ thu hoạch tại Ukraine và nhu cầu Trung Quốc tăng mạnh.

Nông dân Canada sản xuất vụ cải dầu thấp nhất trong 5 năm, nhưng sản lượng lúa mì lớn nhất kể từ năm 2013

Sản lượng hạt cải dầu đạt 18,7 triệu tấn, giảm 4,5% so với năm 2019 và thấp hơn kỳ vọng. Giá hạt cải dầu trong những tuần gần đây đã ghi nhận mức cao nhất trong 7 năm, một phần của đợt tăng giá phản ánh những lo ngại về cây đậu tương Nam Mỹ và nhu cầu Trung Quốc tăng mạnh.

Giá dầu hạt cải kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn ICE tăng 1,4% sau báo cáo. Canada là nhà sản xuất và xuất khẩu hạt cải dầu lớn nhất toàn cầu, một loại hạt cải dầu được sử dụng phần lớn để sản xuất dầu thực vật.

Nguyên liệu công nghiệp: Cao su diễn biến trái chiều, đường và cà phê mất giá

Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), trong khi giá cao su ngày 4/12 vẫn duy trì sắc xanh cho dù đà tăng đã suy yếu, thì giá cao su trên sàn Thượng Hải quay đầu giảm. Một trong những nguyên nhân gây áp lực lên giá là diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, giá cao su kỳ hạn tháng 4/2021 trên sàn Osaka giảm 10,3 JPY tương đương 3,9% xuống 255,7 JPY (2,5 USD)/kg. Nhưng tính chung cả tuần, giá vẫn tăng 4%.

Giá cao su trên sàn Thượng Hải giảm 770 CNY xuống 14.900 CNY (2.277 USD)/tấn.

Tương tự, cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2021 đóng cửa giảm 2,5 US cent hay 2,08% xuống 1.1755 USD/lb. Cà phê robusta kỳ hạn tháng 3/2021 giảm 16 USD hay 1,2% xuống 1.355 USD/tấn. Tính chung cả tuần, cả 2 loại cà phê cùng ghi nhận mức giảm hơn 5%.

Xuất khẩu cà phê của Brazil trong tháng 11/2020 đạt 4,6 triệu bao, tăng 39,5% so với cùng tháng năm trước, mức cao kỷ lục của tháng 11 do được mùa. Theo số liệu của Viện Cà phê quốc gia ICAFE, xuất khẩu cà phê của Costa Rica trong tháng 11/2020 đạt 29.147 bao (loại 60kg), tăng gần gấp đôi so với 15.796 bao được vận chuyển trong cùng tháng năm trước do thời tiết thuận lợi.

Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn ICE phiên cuối tuần tăng 0,17 US cent, tương đương tăng 1,15%, lên mức 14,94 US cent/lb. Đồng thời, giá đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 1,2 USD, tương đương 0,3% lên 405,3 USD/tấn. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá đường vẫn giảm gần 2,6%.

Tin bài liên quan