Thị trường hàng hóa tuần từ 25 – 29/11: Nhà đầu tư tiếp tục chờ đợi thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung

(ĐTCK) Theo Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam, thị trường hàng hóa thế giới tuần qua chịu nhiều tác động của thời tiết và các yếu tố vĩ mô.
Thị trường hàng hóa tuần từ 25 – 29/11: Nhà đầu tư tiếp tục chờ đợi thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung

Sự không chắc chắn kéo dài về triển vọng của một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung có vẻ sẽ khiến các nhà đầu tư không thể có được trạng thái định hướng lớn nào trước kỳ nghỉ lễ Tạ ơn vào thứ Năm.

Trong tuần này, lịch kinh tế của Mỹ chỉ ra rằng cả sản xuất và tiêu dùng sẽ được chú ý. Các nhà đầu tư sẽ theo dõi dữ liệu PMI sản xuất khu vực và dữ liệu niềm tin của người tiêu dùng vào thứ Ba để có thêm thông tin về thị trường. Cả hai sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về sức mạnh của chi tiêu của người tiêu dùng. Các đơn đặt hàng lâu bền và bản cập nhật thứ hai về GDP quý ba của Mỹ cũng sẽ được theo dõi chặt chẽ và trong khu vực đồng Euro, dữ liệu lạm phát sơ bộ vào thứ Sáu sẽ đứng đầu danh sách được chú ý.

Thị trường hàng hóa tuần từ 25 – 29/11: Nhà đầu tư tiếp tục chờ đợi thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung ảnh 1

Nhóm hàng nông sản trong tuần vừa rồi có những biến động trái chiều khi Ngô tăng giá 0,73% trong tuần nhờ sự hỗ trợ của thông tin xuất khẩu khả quan và lo ngại tình hình thời tiết xấu sẽ làm chậm quá trình thu hoạch Ngô Mỹ. Giá Lúa mỳ cũng tăng mạnh 4,43% do thị trường lo ngại về nguồn cung lúa mỳ thế giới bị dự báo giảm tại nhiều khu vực gieo trồng lúa mỳ chính như Nga, Mỹ và châu Âu.

Ngược lại, giá Đậu tương đã giảm liên tục 2,26% do đồng Real của Brazil liên tục giảm giá so với đồng USD, khuyến khích nông dân Brazil bán ra mạnh, gây áp lực lên giá. Yếu tố cung cầu sẽ tiếp tục đóng vai trò tác động lên giá Nông sản trong tuần tới.

Trong nhóm hàng công nghiệp nhẹ, giá cà phê Arabica tăng 2,94% trong khi giá cà phê Robusta giảm nhẹ 0,99%. Giá cà phê tăng trở lại trong phiên thứ 6 do những lo lắng về nguồn cung sau khi giảm mạnh trong tuần khi đồng Real của Brazil giảm giá so với đồng USD gây áp lực lên giá cà phê. Giá Ca cao thế giới giảm mạnh 1,87% do áp lực từ nguồn cung ca cao nguyên liệu dồi dào từ Bờ Biển Ngà với lượng ca cao đến cảng tại nước này tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá Đường tiếp tục tăng 0,86% do nguồn cung đường thế giới tiếp tục bị thu hẹp khi sản lượng Đường tại Ấn Độ bị dự báo giảm. Giá Bông sợi cũng tăng 0,79% sau khi tăng mạnh vào đầu tuần do số liệu chế biến bông sợi tăng mạnh.

Thị trường hàng hóa tuần từ 25 – 29/11: Nhà đầu tư tiếp tục chờ đợi thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung ảnh 2

Tình hình đàm phán thương mại Mỹ - Trung tích cực với những phát biểu của lãnh đạo hai bên cho biết đã tiến đến rất gần một thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Sự chuyển biến này đã khiến nhà đầu tư từ bỏ các mặt hàng kim loại quý, khiến giá Bạc giảm 0,24% trong tuần trong khi lại làm tăng hy vọng vào nhu cầu đồng thế giới, giúp giá Đồng tăng 0,09%.

Mặt hàng nguyên liệu công nghiệp nặng Cao su RSS3 giảm mạnh trong tuần vừa rồi sau khi tăng liên tục trong tuần trước đó do những số liệu kinh tế tiêu cực từ Trung Quốc và Nhật Bản gây áp lực lên giá cao su tự nhiên. Tâm lý chốt lời của nhà đầu tư sau khi giá tăng mạnh cũng là một yếu tố đẩy giá xuống.

Giá các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp và kim loại sẽ tiếp tục chịu tác động từ các yếu tố cung cầu và yếu tố kinh tế vĩ mô của thế giới trong tuần sau.

Tin bài liên quan