Ảnh Internet

Ảnh Internet

Thị trường hàng hóa tuần từ 24/9-1/10: Giá năng lượng tăng cao kỷ lục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Kết thúc tuần giao dịch từ 24/9-1/10, giá thị trường hàng hóa tiếp tục chứng kiến nhiều biến động, trong đó đáng chú ý nhất vẫn là sự leo thang của giá các mặt hàng năng lượng như dầu mỏ, khí đốt và than.

Năng lượng: Giá dầu áp sát mức cao kỷ lục 3 năm, khí LNG và than tăng mạnh do nguồn cung hạn chế

Thị trường dầu mỏ thế giới tuần qua biến động mạnh theo xu hướng tăng trong bối cảnh lo ngại nguồn cung bị thắt chặt do nhu cầu mạnh lên khi các nền kinh tế dần nới lỏng biện pháp chống Covid-19 cùng giá dầu và than đá tăng mạnh.

Chốt phiên 1/10, giá dầu Brent tăng 97 cent (+1,2%) lên 79,28 USD/thùng, đánh dấu tuần tăng thứ 4 liên tiếp. Như vậy, dầu Brent đã tăng tới 50% kể từ đầu năm 2021 tới nay và đang áp sát mức cao kỷ lục 3 năm là 80,75 USD/thùng xác lập vào ngày 28/9/2018.

Còn dầu Tây Texas Mỹ (WTI) phiên này tăng 85 US cent lên 75,88 USD trong/tuần và có tuần tăng tuần thứ 6 liên tiếp.

Commerzbank Research (Đức) Carsten Fritsch nhận định, thị trường dầu mỏ bị thắt chặt do nhu cầu tăng và nguồn cung hạn chế. Điều này có thể sẽ tiếp tục đẩy giá dầu lên. Một nguyên nhân quan trọng khiến nguồn cung dầu bị thắt chặt là tình trạng dừng hoạt động khai thác trên Vịnh Mexico vẫn tiếp tục.

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh, được gọi là OPEC + sẽ nhóm họp vào hôm nay thứ Hai (4/10). Một số nguồn tin cho biết, nhóm này đang xem xét việc thúc đẩy sản xuất và có khả năng sẽ tuân thủ thỏa thuận tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 11/2021 trước sức ép cần thêm nguồn cung từ người tiêu dùng.

Ngoài ra, các nhà phân tích cho biết, thị trường nhà ở suy yếu và tình trạng mất điện ngày càng gia tăng của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến tâm lý của nhà giao dịch giữa lúc bất kỳ sự sụt giảm nào đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đều có thể ảnh hưởng đến nhu cầu dầu. Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới và là nước tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch lớn thứ hai sau Mỹ.

Giá dầu cũng đang được hỗ trợ khi giá khí tự nhiên tăng vọt trên toàn cầu khiến các nhà sản xuất điện năng chuyển hướng khỏi khí đốt. Các nhà máy phát điện ở Pakistan, Bangladesh và Trung Đông đã bắt đầu quá trình chuyển đổi nhiên liệu.

Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên thị trường châu Á tuần qua tăng lên mức cao kỷ lục do nhu cầu của Trung Quốc duy trì ở mức cao trong bối cảnh thiếu điện và giá khí đốt ở châu Âu cũng cao trong khi mùa Đông bắt đầu tới.

Giá LNG trung bình kỳ hạn giao tháng 11/2021 tại Đông Bắc Á hiện khoảng 32 USD/mmBtu, tăng gần 20% so với tuần trước. Dữ liệu của S&P Global Platts cho thấy, giá khí JKM (Japan Korea Marker) - được sử dụng rộng rãi làm giá tham chiếu cho các hợp đồng LNG giao ngay - đã tăng lên 34,47 USD/mmBtu.

Các nguồn tin thương mại cho biết, các khách hàng Trung Quốc đang tìm kiếm nhiều hàng hơn và đặt giá cao hơn giá thị trường, bất chấp mức giá thị trường đã cao kỷ lục vì mùa Đông đang đến gần, trong khi lượng khí dự trữ của nước này không còn nhiều.

Giá than luyện cốc trên sàn Đại Liên phiên 1/10 tăng mạnh 9%, trước khi Trung Quốc bước vào kỳ nghỉ lễ, trong khi than cốc tăng 4,4% do nguồn cung suy giảm.

Ấn Độ là nước nhập khẩu than lớn thứ hai thế giới, mặc dù có trữ lượng lớn thứ tư. Ngành dịch vụ tiện ích chiếm khoảng 3/4 tổng lượng tiêu thụ, trong đó Than Ấn Độ chiếm hơn 80% sản lượng của cả nước.

Ấn Độ đang cạnh tranh với những khách hàng mua như Trung Quốc, nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới, đang chịu áp lực tăng cường nhập khẩu trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. Tồn kho than tại các nhà máy nhiệt điện Ấn Độ dự báo sẽ chỉ được cải thiện dần từ tháng 3/2022.

Giá than từ các nhà xuất khẩu lớn gần đây đã tăng lên mức cao, trong đó giá than của Úc tăng khoảng 50% và giá xuất khẩu của Indonesia tăng 30% trong 3 tháng qua.

Kim loại: Biến động mạnh

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng tăng trong phiên 1/10 do USD yếu đi và lo ngại về lạm phát và những rủi ro gia tăng.

Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.759,13 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 12/2021 tăng 0,1% lên 1.758,4 USD. Tính chung cả tuần, giá vàng tăng tuần đầu tiên kể từ ngày 3/9/2021, với mức tăng khoảng 0,5%, chủ yếu nhờ USD giảm khoảng 2% trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9.

Một số nhà phân tích cho rằng, kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục giảm hỗ trợ kinh tế và nâng lãi suất trong năm 2021 sẽ gây áp lực lên vàng. Điều này là do những động thái trên có xu hướng đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ đi lên, làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng vốn là một tài sản không sinh lời.

Tuần này, thị trường sẽ dành nhiều chú ý vào các số liệu kinh tế Mỹ. Dự kiến các báo cáo về doanh số hàng hóa lâu bền, chỉ số Nhà quản lý mua hàng của lĩnh vực phi chế tạo, cùng báo cáo việc làm tư nhân và phi nông nghiệp tại Mỹ sẽ được công bố.

Về những kim loại quý khác, giá bạc phiên 1/10 tăng 1,5% lên 22,53 USD/ounce và cả tuần tăng 0,5%; bạch kim tăng 1,1% lên 974,41 USD/ounce và palladium tăng 0,8% lên 1.924,18 USD, nhưng cả 2 kim loại quý này đều giảm trong tuần.

Ngoài việc nguồn cung chất bán dẫn bị thắt chặt làm ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ô tô, trong bối cảnh thanh khoản thấp, sự sụt giảm của palladium còn do sự suy yếu chung đối với các kim loại công nghiệp bởi tình trạng giảm sản xuất do thiếu điện ở Trung Quốc.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá đồng tăng trở lại trong phiên 1/10, nhưng cả tuần vẫn giảm. Các nhà giao dịch cảnh báo có nhiều khả năng giá đồng sẽ còn giảm tiếp do lo ngại về giá năng lượng và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Cụ thể, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) kết thúc phiên này tăng 2,1% lên 9.099 USD/tấn. Phiên liền trước giá hợp đồng này giảm 2,4%. Tính chung cả tuần, giá đồng giảm 2,2%.

Tình hình sản xuất ở nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới - Trung Quốc - trở nên đáng lo ngại, với hoạt động của nhà máy lần đầu tiên cho thấy sự suy giảm kể từ tháng 2/2020 cùng lúc với cuộc khủng hoảng nợ có nguy cơ không thể cứu vãn của Tập đoàn Bất động sản khổng lồ China Evergrande Group.

Về những kim loại công nghiệp khác, giá nhôm giảm 0,2% xuống 2.853 USD/tấn, kẽm tăng 0,1% lên 2.991 USD/tấn và chì tăng 2,4% lên 2.142 USD/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 26/4/2021 trong phiên trước là 2.060 USD/tấn; giá nickel tăng 0,4% lên 18.000 USD/tấn và thiếc tăng 0,2% lên 33.975 USD/tấn.

Giá quặng sắt cũng duy trì được đà tăng bởi đang ở mức thấp hơn 50% so với mức đỉnh hồi tháng 5/2021 khiến nhiều nhà đầu tư tham gia đầu cơ để bắt đáy. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ thép được dự đoán sẽ phục hồi trở lại sau dịch, nên giá quặng sắt vẫn giữ được ở mức trên 100 USD/tấn.

Giá thép cây trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 1,2% so với mức 5.657 CNY (874,86 USD)/tấn của phiên liền trước, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 0,4% từ mức 5.697 CNY/tấn của phiên liền trước, riêng thép không gỉ giảm 2,4% từ mức 19.690 CNY (3.045,06 USD)/tấn của phiên liền trước.

Nông sản: Giá ngô và lúa mì tăng, đậu tương giảm

Kết thúc phiên 1/10, giá lúa mì kỳ hạn của Mỹ đạt mức cao nhất trong 6 tuần qua, là phiên tăng thứ 2 liên tiếp, sau khi các dữ liệu cho thấy dự trữ và sản lượng của Mỹ thấp hơn dự kiến.

Trên sàn Chicago, lúa mì kỳ hạn tháng 12/2021 tăng 29-3/4 cent lên 7,55-1/4 USD/bushel vào cuối phiên, sau khi có lúc đạt 7,58-1/2 USD, cao nhất kể từ ngày 17/8/2021.

Giá ngô cũng tăng theo lúa mì, trong khi đậu tương giảm xuống thấp nhất trong nhiều tháng khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông báo dự trữ đậu tương của nước này cao hơn dự kiến.

Theo đó, giá ngô giao tháng 12/2021 tăng 4-3/4 cent lên 5,41-1/2 USD/bushel, trong khi đậu tương giao tháng 11/2021 giảm 9-1/2 cent xuống 12,46-1/2 USD/bushel, có lúc giảm xuống 12,42 USD, thấp nhất kể từ ngày 22/12/2020.

Giá dầu đậu tương tăng nhẹ do tác động trái chiều với khô đậu tương khi mặt hàng này trải qua mức giảm rất mạnh và phá vỡ các hỗ trợ quan trọng. Bên cạnh đó, đà tăng của dầu thô và dầu cọ cũng yếu tố tác động “bullish” tới giá dầu đậu tương trong tuần qua.

Nguyên liệu công nghiệp: Giá đường và cao su giảm, cà phê tăng

Giá đường thô giảm do lo ngại về lạm phát thúc đẩy USD tăng gần đây, ảnh hưởng đến tâm lý trên thị trường hàng hóa và chứng khoán toàn cầu.

Cụ thể, đường thô giao tháng 3/2022 trong phiên 1/10 giảm 22 cent/lb (-0,1%) xuống 20,06 cent/lb. Đường trắng giao tháng 12/2021 phiên này cũng giảm 1,90 USD/tấn (-0,37%) xuống 510,90 USD/tấn.

Giá cà phê kỳ hạn tăng lên khi nguồn cung trên thị trường vật chất trở nên thiếu hụt do thiếu hụt do sản lượng giảm. Cụ thể, cà phê arabica giao tháng 12/2021 tăng 10,05 cent (+5,2%) lên 2,0405 USD/lb và tính cả tuần tăng 4,75%; cà phê robusta giao tháng 11/2021 tăng 42 USD (+2%) lên mức 2.168 USD/tấn.

Giá cà phê tăng trở lại sau 5 phiên liên tiếp giảm cho thấy nguồn cung đang trở nên khan hiếm. Xuất khẩu cà phê robusta của tỉnh sản xuất cà phê chính của Indonesia là Lampung giảm gần 70% trong tháng 9/2021.

Giá cao su kỳ hạn tại Nhật Bản giảm trong phiên 1/10 do các cuộc khảo sát cho thấy hoạt động công nghiệp ở châu Á tháng 9/2021 chậm lại, ảnh hưởng đến nhu cầu đối với các mặt hàng như cao su. Theo đó, cao su kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn Osaka kết thúc phiên giảm 1,1 JPY (-0,5%) xuống 210,7 yên/kg.

Hoạt động sản xuất của châu Á trong tháng 9/2021 “mờ nhạt” do các dấu hiệu tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại và các nhà máy ngừng hoạt động do đại dịch Covid-19 gây ra đã đè nặng lên các nền kinh tế của khu vực.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

Tin bài liên quan