Thị trường hàng hóa tuần từ 11-18/6: Dầu và nông sản tăng cao, kim loại và nguyên liệu công nghiệp giảm mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Thị trường hàng hóa thế giới tuần qua (11-18/6) tiếp tục chứng kiến sự đi lên của giá dầu và các mặt hàng nông sản do hạn chế nguồn cung, ngược lại là sự giảm sụt giảm mạnh của giá kim loại quý và nguyên liệu công nghiệp trước sức ép tăng giá của USD.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Năng lượng: Dầu tăng tuần thứ 4 liên tục, giá khí và than giảm

Phiên cuối tuần qua 18/6, giá dầu đảo chiều tăng trở lại để kết thúc một tuần đi lên. Cụ thể, giá dầu Brent giao tháng 8/2021 tăng 43 US cent (+0,6%) lên 73,51 USD/thùng, dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kỳ hạn tháng 7/2021 tăng 60 US cent (+0,8%) lên 71,64 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá 2 loại dầu cùng tăng khoảng 1% - cũng là tuần tăng giá thứ 4 liên tiếp.

Nhà phân tích thị trường Phil Flynn tại The Price Futures Group cho rằng, thị trường dầu đang nỗ lực thích ứng với khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm tăng lãi suất, nhưng trong ngắn hạn, điều đó không làm thay đổi thực tế là dự trữ dầu mỏ của toàn cầu sẽ bị thắt chặt đáng kể trong những tuần tới.

Trong khi đó, cuộc bầu cử Tổng thống tại Iran đã diễn ra vào ngày 18/6. Theo chuyên gia The Price Futures Group, việc ứng cử viên dành chiến thắng có thể sẽ là một người có quan điểm “cứng rắn”, từ đó làm giảm khả năng dầu mỏ của Iran sớm quay lại thị trường.

Bên cạnh đó, giá dầu tăng cao đã thúc đẩy các công ty năng lượng Mỹ mở rộng số lượng giếng khoan. Số lượng giàn khoan dầu tăng tuần thứ 8 liên tiếp trong tuần qua lên 373 giàn - cao nhất kể từ tháng 4/2020, Công ty Dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co cho biết.

Tuần này, các nhà giao dịch sẽ hướng sự chú ý tới vịnh Mexico - nơi cơn bão Claudette đổ bộ. Theo nhà phân tích Phil Flynn, cơn bão này có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và làm chậm hoạt động xuất, nhập khẩu.

Trong bối cảnh giá dầu tiếp tục đi lên, giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 1 tuần do dự báo nhu cầu trong tuần giảm so với dự báo trước đó trước ảnh hưởng thời tiết nắng nóng tại California và Texas.

Cụ thể, giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn New York đóng của phiên 18/6 giảm 3,8 US cent (-1,2%) xuống 3,215 USD/mmBTU - thấp nhất kể từ ngày 10/6/2021 và cả tuần giảm hơn 2% sau khi tăng hơn 13% trong 3 tuần trước đó.

Tương tự, giá than luyện cốc tại Trung Quốc tuần qua cũng giảm tuần đầu tiên trong 4 tuần gần nhânts do Trung Quốc thông báo sẽ xử lý những ai đầu cơ đẩy giá than tăng lên.

Theo đó, giá than luyện cốc kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Đại Liên giảm 1,4% xuống 1.955 CNY (303,48 USD)/tấn trong phiên 18/6, trong phiên có thời điểm tăng 4,3%. Tính chung cả tuần, giá than luyện cốc giảm 1,4%; giá than cốc giảm 0,9% xuống 2.694 CNY/tấn.

Kim loại: Vàng, đồng và quặng giảm giá mạnh, giá thép tăng cao

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng thế giới giảm trong tất cả các phiên giao dịch tuần qua và có tuần giảm giá mạnh nhất kể từ tháng 3/2020.

Cụ thể, phiên cuối tuần 18/6, giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.770,96 USD/ounce, tính chung cả tuần giảm 5,7%; vàng kỳ hạn tháng 8/2021 giảm 0,3% xuống 1.769 USD/ounce.

Giá palladium cũng ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020 với mức giảm 1,8% xuống 2.451,68 USD/ounce, trong khi giá bạc giảm tới hơn 7% về mức 25,86 USD/ounce (phiên 18/6 giảm 0,2%) và giá bạch kim giảm 1,7% xuống 1.040,66 USD/ounce.

Kim loại quý bị giảm sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư do USD mạnh lên sau thông báo của Fed về khả năng tăng lãi suất sớm hơn so với dự kiến.

Theo nhà phân tích thị trường Edward Moya của Oanda, sau khi đi lên, giá vàng dự báo quay trở lại các mức thấp trước công bố của James Bullard, chủ tịch Chi nhánh Fed tại St. Louis rằng, ngân hàng này sẽ nâng lãi suất trong năm 2022.

Chintan Karnani, giám đốc phụ trách nghiên cứu Insignia Consultants cho biết, thông báo của Fed đã khiến giá vàng giảm xuống dưới mức trung bình trong 100 ngày và 200 ngày. Theo vị này, vào cuối mỗi quý, giá vàng thường có xu hướng tăng hoặc giảm mạnh và trong 2 tuần cuối tháng Ba vừa qua, giá kim loại này lao dốc, sau đó đã phục hồi.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá đồng tuần này giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020 do Fed cho biết sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ và Trung Quốc sẽ bán kho dự trữ nhà nước để kiềm chế giá.

Theo đó, giá đồng trên sàn London phiên 18/6 giảm 1,7% xuống 9.159 USD/tấn và cả tuần giảm 8,5% - mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020.

Lượng đồng lưu kho tại sàn London tuần qua tăng 24.925 tấn lên 168.675 tấn - cao nhất kể từ tháng 4/2021. Tuy nhiên, lượng lưu ở sàn Thượng Hải giảm 8.440 tấn xuống 172.527 tấn tính đến ngày 18/6/2021.

Trên sàn Đại Liên, phiên 18/6, giá quặng sắt giảm 0,2% xuống 1.203 CNY/tấn. Trên sàn Thượng Hải, giá thép thanh vằn kỳ hạn tháng 10/2021 tăng 0,2% lên 5.061 CNY/tấn. Giá thép cuộn cán nóng tăng 0,7% lên 5.347 CNY/tấn. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 7/2021 tăng 0,4% lên 16.155 CNY/tấn.

Nông sản: Trung Quốc gom hàng, giá ngô, lúa mỳ và đậu tương cùng bật tăng

Giá các mặt hàng nông sản trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) của Mỹ đều tăng mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần 18/6, dẫn đầu là mặt hàng ngô, do Trung Quốc bắt đầu chương trình thu mua nông sản trong mùa vụ mới từ khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương.

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2021 tăng 33,75 US cent (+6,34%) lên 5,6625 USD/bushel; lúa mỳ giao tháng 9/2021 tăng 22,75 US cent (+3,54%) lên 6,6575 USD/bushel, trong khi đậu tương giao tháng 11/2021 tăng 60,25 US cent (+4,81%) lên 13,13 USD/bushel.

Theo AgResource, Trung Quốc đã đặt mua 6-8 chuyến hàng đậu tương của Mỹ, cũng là lần đầu tiên Trung Quốc mua đậu tương của Mỹ trong những tuần gần đây và có khả năng bắt đầu một đợt thu mua kéo dài.

Nguyên liệu công nghiệp: Đồng loạt giảm mạnh

Trong phiên 18/6, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn ICE tăng 0,35 US cent (+0,2%) lên 1,5195 USD/lb, nhưng cả tuần vẫn giảm 4%. Trong khi đó, giá cà phê Robusta kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn London giảm 18 USD (-1,1%) xuống 1.616 USD/tấn và cả tuần giảm 4,79%.

Giá cao su tại Nhật Bản chạm mức thấp nhất gần 2 tháng ở phiên 18/6 do lo ngại sản lượng tại các quốc gia Đông Nam Á tăng và các nhà đầu tư lưỡng lự mua vào sau khi Trung Quốc nỗ lực bình ổn giá hàng hóa.

Theo đó, giá cao su kỳ hạn tháng 11/2021 trên sàn Osaka giảm 1 JPY (-0,4%) xuống 234,5 JPY (2,1 USD)/kg. Trong đầu phiên giao dịch, giá cao su chạm mức 230,2 JPY/kg - thấp nhất kể từ ngày 26/4/2021. Tính chung cả tuần, giá cao su giảm 1,5% và là tuần giảm thứ 3 liên tiếp.

Trong khi đó, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Thượng Hải tăng 20 CNY lên 12.795 CNY (1.988 USD)/tấn.

Giá đường thô giảm xuống mức thấp nhất 2 tháng trong phiên 18/6 do USD tăng mạnh và điều kiện cây trồng tại một số nước trồng lớn được cải thiện.

Cụ thể, giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn ICE giảm 0,12 US cent (-0,7%) xuống 16,43 US cent/lb, trong phiên có lúc chạm mức 16,32 US cent/lb - thấp nhất kể từ ngày 19/4/2021. Tính chung cả tuần, giá đường thô giảm 6,1%. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn London phiên này giảm 1,6 USD (-0,4%) xuống 423,4 USD/tấn.

Giá dầu cọ tại Malaysia tăng theo xu hướng giá dầu đậu tương trên sàn Chicago tăng. Cụ thể, giá dầu cọ kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Bursa Malaysia tăng 38 ringgit (+1,1%) lên 3.415 ringgit (825,48 USD)/tấn, sau khi giảm 3% xuống 3.251 ringgit/tấn trong đầu phiên giao dịch.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg) (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn)

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg)

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn)
Tin bài liên quan