Ảnh Internet

Ảnh Internet

Thị trường hàng hóa tuần từ 02/03 – 06/03/2020: Nắm giữ vị thế nào khi thị trường bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

(ĐTCK) Tuần vừa rồi, 02/03/2020 – 06/03/2020, tiến triển của dịch Covid-19 vẫn tiếp tục là tâm điểm khi dịch bệnh này vẫn tiếp tục lan rộng và không có dấu hiệu chậm lại. Các ngân hàng Trung ương thế giới đã liên tiếp phải cắt giảm các mức lãi suất cơ bản để hỗ trợ nền kinh tế thế giới nhưng tâm lý của các nhà đầu tư vẫn rất thận trọng.

Theo đó, sau khi dữ liệu ngày thứ Bảy cho thấy sự thu hẹp kỷ lục trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc do sự bùng phát của coronavirus, các nhà đầu tư đã tiến hành theo dõi chặt chẽ các ý kiến từ các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang trong tuần này, với triển vọng cắt giảm lãi suất vào tháng 3.

Theo đánh giá của các nhà đầu tư, các khảo sát về hoạt động sản xuất của Hoa Kỳ từ Markit và Viện Quản lý cung ứng vào thứ Hai vừa qua sẽ cho các nhà đầu tư cơ hội đánh giá rõ ràng hơn tác động kinh tế của Coronavirus. Báo cáo bảng lương phi nông nghiệp Hoa Kỳ trong tháng Hai sẽ được theo dõi cho các dấu hiệu về sức mạnh của thị trường lao động trước khi coronavirus lan rộng hơn.

Trong nhóm hàng nông sản, Ngô đóng cửa tuần tăng giá 2,10% nhờ phản ứng tích cực của thị trường trước thông tin Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất cơ bản cùng sản lượng sản xuất Ethanol của Mỹ tăng thêm 25,000 thùng/ngày so với tuần trước, theo báo cáo của EIA. Đậu tương giảm 0,17% do tốc độ thu hoạch Đậu tương của Brazil tăng nhanh cùng với việc số liệu xuất khẩu Đậu tương Mỹ kém khả quan. Trong khi đó, Lúa mỳ cũng giảm 1,76% sau khi Bộ Nông nghiệp và quản lý Tài nguyên Australia đưa ra dự báo sản lượng lúa mỳ niên vụ 2020/21 của nước này sẽ tăng hơn 40% so với niên vụ này.

Thị trường hàng hóa tuần từ 02/03 – 06/03/2020: Nắm giữ vị thế nào khi thị trường bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ảnh 1

Trong nhóm hàng công nghiệp nhẹ, cà phê Arabica và cà phê Robusta đồng loạt giảm mạnh 3,55% và 2,96% do đồng Real suy yếu so với đồng USD, giảm xuống mức thấp kỷ lục mới khiến cho nông dân Brazil đẩy mạnh bán hàng ra, gây sức ép lên giá. Giá Ca cao có một tuần giảm giá liên tục và đóng cửa với mức giảm 4,15% do những sức ép từ việc nguồn cung ca cao tại Bờ Biển Ngà, quốc gia sản xuất ca cao lớn nhất thế giới, tăng mạnh so với năm ngoái.

 Tổ chức Ca cao thế giới cũng thu hẹp dự báo thâm hụt nguồn cung ca cao từ 107.000 tấn niên vụ 2018/19 xuống chỉ còn 85.000 tấn trong niên vụ 2019/20. Đồng Real suy yếu cũng là yếu tố khiến giá Đường giảm mạnh 7,92% trong tuần vừa rồi. Thêm vào đó, Bộ Thương mại Brazil báo cáo sản lượng xuất khẩu đường của nước này trong tháng Hai tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái cũng là yếu tố gây áp lực lên giá. Ngược lại, giá Bông sợi lại tăng 2,11% nhờ thông tin sản lượng xuất khẩu tháng Một của Bông sợi Mỹ đạt 1,699 triệu kiện, mức cao nhất trong 9 năm của tháng này.

Sức ép từ sụt giảm nguồn cầu do dịch Covid-19 khiến giá Cao su RSS3 giảm 0,24% nhưng yếu tố này cũng đã giúp giá Bạc tăng 4,90% trong tuần vừa rồi do tâm lý tìm kiếm tài sản trú ẩn của nhà đầu tư. Giá Đồng cũng đóng cửa tăng 0,81% chủ yếu là do phản ứng của thị trường trước thông tin FED hạ lãi suất trong phiến đầu tuần.

Sang tuần, diễn biến dịch Covid-19 cùng sức khỏe của nền kinh tế thế giới sẽ là tâm điểm tác động tới diễn biến của thị trường hàng hóa.

Tin bài liên quan