Không giới hạn
Thị trường FinTech Việt Nam đạt giá trị 4,4 tỷ USD năm 2017 và sẽ chạm mức 7,8 tỷ USD năm 2020, theo nghiên cứu của Solidiance. Trong báo cáo gần đây mang tên “Mở khóa tiềm năng tăng trưởng FinTech Việt Nam”, hãng nghiên cứu này đánh giá, những lợi thế lớn của môi trường FinTech Việt là tỷ lệ tiếp cận Internet và sở hữu điện thoại thông minh (smartphone) ở mức rất cao tại khu vực đô thị, mức thu nhập và tiêu dùng của người dân gia tăng, lĩnh vực thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ.
Đáng chú ý, động lực lớn thúc đẩy sự phát triển của FinTech là động thái gia tăng hỗ trợ từ nhà quản lý, thông qua việc thành lập Ban chỉ đạo FinTech, cùng nhiều chính sách thân thiện với hoạt động của các tổ chức công nghệ - tài chính này.
“Đây là động thái quan trọng của nhà quản lý, đồng thời thể hiện hướng tiếp cận nghiêm túc của Chính phủ Việt Nam nhằm phát triển hệ thống FinTech, vốn có khả năng định hướng ngành công nghiệp tài chính - ngân hàng trong tương lai”, Michael Sieburg, chuyên gia liên kết với Solidiance cho biết.
Nếu giới chức Việt Nam thành công trong kế hoạch nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng lên mức ít nhất 70% vào cuối năm 2020, đây sẽ là lực đẩy mạnh cho thị trường FinTech phát triển, trong bối cảnh các công ty khởi nghiệp lĩnh vực này đã tạo ra các giải pháp dịch vụ ngân hàng, ví điện tử, dịch vụ thanh toán điện tử ngày càng trở nên phổ biến.
Động lực từ công nghệ
Hiện tại, dịch vụ thanh toán điện tử chiếm tỷ trọng 89% tại thị trường FinTech Việt Nam, theo Solidiance. Tuy nhiên, trong thời gian tới, lĩnh vực tài chính cá nhân và doanh nghiệp sẽ tăng trưởng lần lượt lên mức 31,2% và 35,9% cho tới năm 2025. Đà tăng trưởng này được hỗ trợ từ chính sách dần chuyển hướng khỏi giao dịch tiền mặt của Chính phủ.
Trong năm 2017, các nhà quản lý tại Việt Nam đã thông báo kế hoạch giảm lượng giao dịch tiền mặt tại các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích và nhà phân phối xuống còn chưa tới 10% cho tới năm 2020.
Tuy nhiên, để làm được điều này, thị trường tài chính Việt Nam cần phát triển hơn. Cho tới năm 2014, mới chỉ có 31% người trưởng thành tại Việt Nam sở hữu tài khoản ngân hàng, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.
Smartphone là chất xúc tác
Quá trình tăng trưởng của thị trường FinTech Việt nhận được sự hỗ trợ lớn từ tỷ lệ sở hữu smartphone ở mức cao của người dân. Tính tới năm 2017, 80% số lượng người sử dụng điện thoại di động tại Việt Nam sở hữu điện thoại thông minh.
Với công cụ này, các ứng dụng thanh toán điện tử có thể lôi kéo thêm nhiều khách hàng truyền thống chưa tiếp cận với hệ thống ngân hàng.
“Thanh toán điện tử không chỉ biến đổi thị trường bán lẻ và thanh toán truyền thống, mà còn là giải pháp để thanh toán dịch vụ công khi mà nhiều người vẫn gặp các trở ngại khi tiếp cận với dịch vụ ngân hàng truyền thống”, Sieburg cho biết.
Rõ ràng, vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm để Việt Nam có thể hoàn thành tham vọng của mình tại thị trường
FinTech. Tuy nhiên, Solidiance và nhiều tổ chức nghiên cứu khác đánh giá: “Trong thập kỷ tới, Việt Nam sẽ vươn lên trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực trong việc phát triển các giải pháp, sáng kiến FinTech. Với nguồn năng lượng rất lớn tới từ dân số trẻ, có khát vọng tiếp cận công nghệ, sở hữu nhiều thiết bị di động thông minh, tương lai của thị trường FinTech Việt là rất hứa hẹn”.