Việc thực hiện EVFTA cần được xem như một chiến lược dài hạn nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tham gia sâu chuỗi giá trị khu vực, nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu và cạnh tranh.
Kỳ 2: Bài toán với từng ngành hàng
Với việc cắt giảm thuế nhập khẩu vào EU, hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam sẽ rẻ đi tương đối, nhưng có bán được hay không lại là chuyện khác.
Dệt may - khó quy tắc từ vải
Khi EVFTA có hiệu lực, hàng dệt may Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn hàng của Trung Quốc, cạnh tranh ngang về giá với hàng Campuchia, Bangladesh... đang được hưởng thuế 0%. Nhưng Việt Nam có lợi thế hơn các nước này về tay nghề cao, chất lượng bảo đảm.
Cụ thể, khi xuất khẩu vào EU, Bangladesh và Campuchia được hưởng chế độ miễn thuế nhập khẩu theo chương trình EBA (miễn thuế tất cả các mặt hàng trừ vũ khí); Pakistan được miễn thuế nhập khẩu theo chương trình ưu đãi thuế quan đặc biệt GSP+.
Việt Nam cũng được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập GSP, nhưng chỉ là “GSP tiêu chuẩn - Standard GSP” ở mức 9,6%. Việc áp dụng các chế độ ưu đãi thuế quan GSP+ và EBA giúp các quốc gia trên có lợi thế cạnh tranh lớn về giá so với Việt Nam.
Theo cam kết trong EVFTA, hàng dệt may vào EU sẽ được giảm ngay về 0% khoảng 42,5% số dòng thuế, còn lại sẽ giảm dần về 0% trong 5-7 năm.
Hàng dệt may đang được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập GSP sẽ tiếp tục được hưởng hết 2 năm sau khi EVFTA có hiệu lực. Do vậy, trong thời gian này, doanh nghiệp có thể lựa chọn chương trình nào có mức thuế ưu đãi hơn để áp dụng.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may muốn gia tăng hiệu quả khi xuất khẩu sang EU thông qua việc giảm thuế theo EVFTA sẽ phải thực hiện quy tắc xuất xứ tương đối chặt với yêu cầu “từ vải trở đi”, tức là vải nguyên liệu được dùng để may quần áo phải được dệt tại Việt Nam hoặc các nước thành viên EU. Đồng thời, sản phẩm dệt may cần đáp ứng tiêu chí công đoạn gia công chế biến cụ thể quy định tại Hiệp định.
Đây là thách thức không nhỏ do doanh nghiệp Việt Nam hiện chủ yếu dựa vào nhập khẩu vải và nguyên phụ liệu do chưa chủ động nguồn cung trong nước, trong khi các đơn hàng chủ yếu làm gia công và việc sử dụng vải và nguyên liệu theo chỉ định của khách hàng nước ngoài.
Điểm tựa lớn để giải bài toán thiếu hụt vải và hưởng ưu đãi là sử dụng vải nhập khẩu tại Hàn Quốc (cũng có FTA với EU) để cắt may tại Việt Nam. Tuy vậy, tỷ lệ nhập khẩu vải từ Hàn Quốc chưa cao, doanh nghiệp đang ưu tiên nhập vải từ Trung Quốc do giá thấp hơn, lại có lợi thế hơn về địa lý và mẫu mã phong phú, đa dạng.
Thực tế, việc không chào đón các dự án dệt nhuộm của các địa phương là rào cản lớn trong phát triển công nghiệp hỗ trợ của ngành dệt may, khiến ngành này khó có thể tự chủ được nguyên liệu để đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ và hưởng lợi ích về thuế suất.
Da giày - nguyên liệu ngoài không ưu đãi
Ngay khi áp dụng EVFTA, 37% các dòng thuế về da giày sẽ hưởng thuế nhập khẩu về 0%, còn lại sẽ giảm dần về 0% theo lộ trình từ 3-7 năm tùy từng mặt hàng. Các mặt hàng có mức thuế 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực tập trung vào giày thể thao, giày vải và giày cao su - các mặt hàng thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.
Sản phẩm giày dép được sử dụng nguyên liệu không xuất xứ từ bên ngoài Hiệp định, ngoại trừ mũ giày đã gắn với đế lót trong hoặc với bộ phận đế khác. Tiêu chí xuất xứ này được xem là chặt hơn so với một số FTA khác, nhưng không phải là tiêu chí mới đối với ngành da giày, do trước đó doanh nghiệp da giày đã xuất khẩu sang EU với tiêu chí tương tự trong GSP.
Tuy nhiên, tiêu chuẩn kỹ thuật và rào cản thương mại đối với da giày của thị trường EU rất cao và đây là thách thức không nhỏ với hàng hóa của Việt Nam khi thâm nhập thị trường EU. Nhiều tiêu chuẩn áp dụng tại EU liên quan đến mức độ an toàn cao cho sức khỏe người tiêu dùng, mức độ thân thiện với môi trường, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cách thức ghi nhãn sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa…
Thủy sản - những rào cản phi thuế quan
Với EVFTA, thuế nhập khẩu giảm làm tăng thêm khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt Nam. Chẳng hạn, mặt hàng tôm sẽ có lợi thế rõ rệt với tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh, bởi tôm sú được giảm từ mức thuế GSP 4,2% về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực; tôm chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm (trong khi Thái Lan không được hưởng GSP, không có FTA, nên có mức thuế cơ bản 12%; Ấn Độ không có FTA, chịu thuế GSP 4,2%; Indonesia chịu thuế GSP 4,2%; Ecuador chịu mức thuế cơ bản 12%).
EU cũng xóa bỏ thuế quan cho các sản phẩm cá ngừ tươi sống/đông lạnh ngay khi EVFTA có hiệu lực (trừ thăn/ phi-lê cá ngừ đông lạnh mã HS 030487 theo lộ trình 3 năm); các sản phẩm thăn/phi-lê cá ngừ hấp (nguyên liệu để sản xuất cá ngừ đóng hộp) được xóa bỏ thuế quan theo lộ trình 7 năm, từ mức thuế cơ bản 24%. Riêng các sản phẩm cá ngừ chế biến đóng hộp, EU sẽ miễn thuế trong mức hạn ngạch 11.500 tấn/năm.
Với cá tra, mức thuế EU dành cho Việt Nam trong EVFTA sẽ được giảm từ 5,5% hiện nay về 0% vào năm thứ 3 sau khi Hiệp định có hiệu lực.
Một số sản phẩm chế biến đang có mức thuế cơ bản khá cao (20%) như hàu, điệp, mực, bạch tuộc, sò, bào ngư... có thể tăng xuất khẩu do được giảm thuế về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực. Việt Nam có cơ hội đáng kể với các sản phẩm mực, bạch tuộc đông lạnh (từ 6-8% giảm ngay về 0%), chả cá surimi (từ 14,2% về 0%), cá biển khác ướp lạnh/đông lạnh (từ 7,5% về 0%).
Tuy nhiên, để được hưởng các ưu đãi, thì tiêu chí xuất xứ với thủy sản nguyên liệu và thủy sản chế biến trong EVFTA là xuất xứ thuần túy: thủy sản phải được sinh ra hoặc lớn lên tại một nước thành viên Hiệp định. Tiêu chí này được xem là linh hoạt hơn so với GSP (thủy sản được coi là có xuất xứ thuần túy khi đồng thời sinh ra và lớn lên tại EU hoặc nước được hưởng GSP). Việt Nam cũng được phép dùng mực, bạch tuộc nguyên liệu từ các nước ASEAN (quy tắc cộng gộp) để chế biến mực, bạch tuộc, xuất khẩu sang EU.
Mặc dù có lợi thế biển và ngành hải sản phát triển, nhưng việc bị áp dụng “thẻ vàng” với hải sản khai thác của Việt Nam từ năm 2018 đã tác động bất lợi đến hoạt động xuất khẩu.
Như vậy, nếu không tiếp tục nỗ lực, quyết liệt triển khai các biện pháp, giải pháp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, từ cơ quan nhà nước đến doanh nghiệp và ngư dân, kết quả kiểm tra tiếp theo của EC có khả năng sẽ gây bất lợi đến xuất khẩu hải sản nói riêng và thủy sản nói chung của Việt Nam sang thị trường tiềm năng này, dẫn đến “vô hiệu hóa” các lợi thế có được từ EVFTA.
Ngoài ra, các quy định chặt chẽ về lao động, môi trường trong EVFTA cũng đã và đang gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu. Các rào cản phi thuế quan SPS, TBT được sử dụng nhiều hơn khi thuế quan đã được cắt giảm trong EVFTA.
Gỗ và sản phẩm gỗ - cơ hội tiếp cận thị trường tăng
Hiện thuế nhập khẩu mặt hàng này thấp (0-6%), song việc xóa bỏ thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực vẫn tạo điều kiện hơn cho hàng Việt Nam tiếp cận thị trường EU.
Với EVFTA, tiêu chí xuất xứ không quá chặt. Cụ thể, với gỗ nguyên liệu nói chung và đồ nội thất làm từ gỗ, tiêu chí xuất xứ là chuyển đổi mã số hàng hóa ở cấp độ 4 số hoặc hàm lượng giá trị nguyên liệu không xuất xứ tham gia quá trình sản xuất không vượt quá 70%. Tuy nhiên, một số mặt hàng gỗ như gỗ tấm để làm lớp mặt hoặc làm gỗ dán, ván gỗ tạo gần và gờ dạng chuối hạt, hòm, hộp thùng hình… có tiêu chí xuất xứ là công đoạn gia công chế biến cụ thể.
Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA/FLEGT) được Việt Nam và EU phê chuẩn, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2019. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam có quyền tiếp cận trực tiếp thị trường EU, mà không phải trải qua quá trình kiểm tra tính hợp pháp rườm rà. Đây được xem là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam với các nước không có một hiệp định VPA đầy đủ.
Thách thức là ở chỗ, người tiêu dùng EU đòi hỏi khắt khe về nguồn gốc gỗ nhằm đảm bảo thực thi các chính sách về môi trường. 100% gỗ xuất khẩu vào EU phải là gỗ hợp pháp. Dù doanh nghiệp dùng gỗ nguyên liệu trong nước hay nhập khẩu, thì vẫn phải đảm bảo đầy đủ hồ sơ, giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của gỗ. Như vậy, doanh nghiệp phải thực hiện nhiều công đoạn để đảm bảo truy xuất nguồn gốc gỗ rõ ràng, khiến gia tăng chi phí. Trước mắt, đây là thách thức đối với nhiều doanh nghiệp gỗ Việt Nam khi phải duy trì thực hiện nghiêm túc VPA/FLEGT.
Rau quả - lợi thế giá
EU cam kết mở cửa rất mạnh cho rau quả Việt Nam trong EVFTA, cụ thể là xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực 94% trong 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam.
Phần lớn các dòng thuế EU cam kết xóa bỏ ngay đều đang có mức thuế MFN trung bình trên 10%, cá biệt có các sản phẩm rau quả đang chịu thuế trên 20%. Do đó, mức cam kết của EU được đánh giá là sẽ tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau quả Việt Nam (đặc biệt trong cạnh tranh với các nước có thế mạnh về rau quả chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc...).
Tuy nhiên, công nghệ bảo quản sau thu hoạch với các loại rau quả tươi tại Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu vận chuyển xa và xuất khẩu. Sản xuất phân tán, tỷ lệ hao hụt lớn, giá thành cao; công nghệ sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản còn hạn ch,ế nên chất lượng không đồng đều, khó kiểm soát, dễ bị cảnh báo.
Hàng dệt may Việt Nam mới chiếm khoảng 2% lượng nhập khẩu mặt hàng này từ ngoài khối vào EU. Năm 2019, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU đạt 4,3 tỷ USD, tăng 3,8% so với năm trước.
Xuất khẩu sang EU năm 2019 đạt 965 triệu USD với mặt hàng túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù và 5,03 tỷ USD với mặt hàng giày dép.
EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của thủy sản Việt Nam, sau Hoa Kỳ và Nhật Bản. Năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 1,25 tỷ USD, chiếm khoảng 15% xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Năm 2019, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang EU đạt 847 triệu USD, tăng 8,7% so với năm 2018, mới chiếm khoảng 1% nhu cầu của EU.
Xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang EU năm 2019 đạt 148 triệu USD, tăng 28,5% so với năm 2018, nhưng chỉ chiếm khoảng 0,08% lượng nhập khẩu của EU.