Thị trường đứng giữa hai làn sóng

Thị trường đứng giữa hai làn sóng

(ĐTCK) NĐT đang thực sự phân vân về xu hướng của thị trường. Phiên phục hồi mạnh đầu tuần chỉ là phục hồi kỹ thuật hay thị trường đang tạo đáy chữ V?

Nghi ngờ thị trường chỉ phục hồi kỹ thuật chủ yếu là do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu đã khiến TTCK Mỹ đã có 1 tháng giảm giá rất mạnh trong thời gian TTCK Việt Nam tăng giá. Cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu lên cao trào tạo phản ứng dây chuyền khiến các NĐT nước ngoài thoái vốn khỏi thị trường nhiều rủi ro là chứng khoán.

Đối lập với nghi ngờ này là lòng tin của rất nhiều NĐT trong nước vào triển vọng lợi nhuận của DN khi kỳ vọng  môi trường kinh doanh sẽ tốt dần lên trong các tháng tới. Rất nhiều DN lập luận rằng, năm ngoái, với tình hình kinh tế vĩ mô xấu như vậy mà họ vẫn có lãi thì năm nay, trong bối cảnh tỷ giá ổn định và lãi suất giảm, lợi nhuận mà các DN thu được chắc chắn phải tăng lên. Đó là chưa kể các chính sách hỗ trợ tăng trưởng sẽ được thực hiện trong thời gian tới.

CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) là DN khá điển hình về việc gia tăng lợi nhuận nhờ giảm chi phí từ ổn định tỷ giá và hạ lãi suất, vì công ty này sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, trong đó có vay ngoại tệ. Năm 2012, HSG đặt kế hoạch lợi nhuận trung bình 20 tỷ đồng/tháng, nhưng tháng 4 vừa qua, khi lãi suất  giảm thực chất thì lợi nhuận HSG đạt tới 47 tỷ đồng và phong độ này nhiều khả năng vẫn được giữ trong tháng 5. Mặc dù mức tiêu thụ sản phẩm tôn thép còn thấp so với mọi năm, nhưng HSG vẫn tăng được doanh thu và thị phần. Hàng loạt công ty khác cũng có tỷ suất lợi nhuận quý I cao hơn  quý trước đó nhờ giảm được chi phí.

Dù phải thừa nhận rằng mặt bằng lãi suất giảm chậm hơn so với lạm phát và với kỳ vọng của DN, nhưng NĐT vẫn chú trọng đến phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài chính trong Chương trình “Dân hỏi Bộ trường trả lời” tuần qua là vốn sẽ được đưa vào nền kinh tế nhanh hơn nhiều so với quý I và TTCK được phát triển để trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho DN.

Thông điệp phát triển TTCK được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây với một nhận thức đổi mới toàn diện. Đó là TTCK được đặt trong lợi ích của toàn bộ nền kinh tế, trong quá trình tái cơ cấu, chứ không phải vì lợi ích của một bộ phận người đầu tư chứng khoán như trước kia.

Sau khi VCB niêm yết bổ sung cổ phiếu, GAS chào sàn, BIDV cũng chính thức thông báo chốt danh sách cổ đông để lưu ký chứng khoán, chuẩn bị giao dịch tại sàn TP. HCM. Có khả năng BIDV sẽ thực hiện đúng lộ trình niêm yết như đã cam kết khi IPO. Các DN lớn này niêm yết sẽ tạo tiền đề tăng quy mô, giá trị giao dịch trên TTCK Việt Nam và thu hút các quỹ đầu tư nước ngoài lớn chưa vào Việt Nam vì cho rằng quy mô thị trường còn nhỏ, thiếu DN đủ lớn để đầu tư.

TTCK lúc này là kênh huy động vốn tốt nhất đối với DN khi tăng trưởng tín dụng, đầu tư công bị hạn chế. Trong khi đó, NĐT hiện cũng không có lựa chọn tốt hơn kênh đầu tư chứng khoán khi đầu tư vàng nhiều rủi ro và bất động sản không tăng giá trong trung hạn.

Tình hình kinh tế vĩ mô trong nước và nước ngoài đang chia rẽ NĐT về hai hướng nhận định khác nhau về xu hướng của thị trường và mỗi nhận định đều có những lý lẽ riêng. Tuy nhiên, giới đầu tư có vẻ đang thống nhất ở một điểm là, dù đã trải qua một đợt tăng dài và điều chỉnh nhưng giá nhiều cổ phiếu ở thời điểm này vẫn ở mức tương đối rẻ, xét tỷ lệ P/E dự kiến hoặc/và giá trị tài sản thực tế. Đặc biệt là những DN đầu ngành, được hưởng lợi về thị phần, quy mô phát triển trong bối cảnh tái cơ cấu, sàng lọc những DN yếu hiện nay. Liệu “nội lực” có thắng được “ngoại lực” để dẫn dắt TTCK đi lên, tạo đáy chữ V?