Thị trường đi lên trong ngờ vực

Thị trường đi lên trong ngờ vực

(ĐTCK) Thị trường lúc này khó có cơ sở để có một nhịp giảm mạnh, ngoại trừ xuất hiện thông tin thực sự tiêu cực.
Phiên giao dịch cuối tuần qua khép lại với mức tăng nhẹ của cả hai chỉ số. Tâm lý thận trọng của NĐT tiếp tục được duy trì, khiến cả hai chỉ số không thể bật mạnh. Hầu hết các lệnh bán ra chỉ chọn giá cao, nên vẫn là thách thức với bên mua và chỉ những cổ phiếu tăng giá mạnh mới tạo ra mức thanh khoản cao. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc thị trường lúc này khó có cơ sở để có một nhịp giảm mạnh, ngoại trừ xuất hiện thông tin thực sự tiêu cực.

Có ý kiến cho rằng, giai đoạn này, TTCK tiềm ẩn rủi ro khi thanh khoản vẫn chậm và điều đó sẽ khiến cho thị trường chưa thể có sóng. Tuy nhiên, thực tế, việc dòng tiền luân chuyển nhanh, NĐT cũng không bán giá thấp đang cho thấy áp lực lên thị trường không nhiều. Trong khi đó, chỉ số cũng như giá của cổ phiếu vẫn nhích nhẹ từng bước khiến nhiều người đang đứng ngoài thị trường sốt ruột. Có lẽ chiến lược của nhiều NĐT lúc này là thận trọng giải ngân, từng bước thăm dò thị trường, vừa không bỏ qua cơ hội nếu có, nhưng cũng có thể hạn chế tối đa thiệt hại nếu như thị trường đảo chiều.

Với một chút tích cực mà thị trường đang tạo ra có thể sẽ giúp cho tâm lý NĐT tốt hơn. Nếu những nhịp giảm nhẹ xuất hiện, lực cầu sẽ xuất hiện tranh thủ mua vào với mức giá hợp lý, giúp cho thị trường trở nên vững hơn. Vì thế, có thể tuần giao dịch này, 16 - 20/5, khi các quỹ ETF giao dịch mạnh hơn sẽ giúp cho thanh khoản cải thiện và điều đó thúc đẩy các giao dịch từ NĐT nội mạnh hơn. Chúng tôi nghiêng về kịch bản thị trường sẽ tăng nhẹ và tiến dần tới các ngưỡng kháng cự trong sự nghi ngờ của các NĐT.

Chỉ số VN-Index

VN-Index đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua tại ngưỡng 574,48 điểm và tiếp tục dịch chuyển nhẹ đến ngưỡng kháng cự 580 điểm. Để tạo cú break-out qua vùng này, cần một dòng tiền thực sự lớn, cao hơn ít nhất 30 - 50% so với mức trung bình tuần vừa qua, nghĩa là phải đạt khoảng 110 – 120 triệu đơn vị/phiên. Chỉ khi có một dòng tiền mạnh nhảy vào và sẵn sàng hấp thụ hết lực bán với bất cứ giá nào, một nhịp tăng mới được coi như đã hình thành.

Nhưng ngược lại, nếu như chỉ số tiếp cận vùng này vẫn với giao dịch hiện tại mà chưa cho thấy khả năng bứt phá sẽ khiến NĐT cảm thấy bất an. Có thể vì thế sẽ khuyến khích lệnh bán giá thấp hơn xuất hiện và tạo áp lực cụ thể lên chỉ số.

Chỉ số HNX-Index

Chỉ số này đang đi ngang trong biên độ từ 74 - 78 điểm trong vòng 3 tuần trở lại đây. Biên độ giao dịch này ngày càng hẹp hơn, trong khi thanh khoản của thị trường cũng rất chậm. Nó có thể coi như một sự tích lũy của chỉ số này, ngay cả những cổ phiếu có tính dẫn dắt đối với chỉ số như: VND, KLS, VCG, SHB... cũng chưa thực sự tạo ra động lực, mà lực bán ra chỉ chọn lựa vùng giá cao.

Với mức thanh khoản đang ở ngưỡng 52 triệu đơn vị/phiên, mức khá thấp và tương đồng với chỉ số HNX-Index khi ở những vùng đáy, sàn HNX chưa thể tạo ra động lực, bởi dòng tiền vẫn đang

luân chuyển mạnh trên sàn HOSE, trong khi dòng tiền bên ngoài chưa tham gia.

Do đó, nếu như có cú break-out trên HOSE thì các cổ phiếu trên sàn HNX sẽ tạo nhịp tăng.

Các cổ phiếu vẫn đang luân chuyển nhịp tăng khá đồng đều và mức điều chỉnh sau tăng là không đáng kể. Khi rơi vào nhịp điều chỉnh, hầu như thanh khoản của những cổ phiếu này co hẹp lại

rất nhanh, cho thấy NĐT đang nắm giữ cổ phiếu vẫn chưa muốn bán ra. Chỉ những cổ phiếu tăng giá mạnh, lực bán mới xuất hiện, thể hiện rõ qua khối lượng giao dịch của những cổ phiếu này và chính điều đó lại là thách thức với lực mua vào.

NĐT thận trọng có thể chờ thị trường tạo ra cú break-out qua mốc kháng cự mạnh này và kỳ vọng nhịp tăng sẽ kéo thị trường tới mốc kháng cự tiếp theo. Nhưng với những NĐT khác, có thể tận dụng những nhịp dừng - nghỉ của từng cổ phiếu để gia nhập với mức thận trọng nhất định.

Tin bài liên quan