Chính sách của ông Joe Biden có thể sẽ là chất xúc tác làm tăng giá dầu. Ảnh: Shutterstock.

Chính sách của ông Joe Biden có thể sẽ là chất xúc tác làm tăng giá dầu. Ảnh: Shutterstock.

Thị trường dầu mỏ sẽ rất khác

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ gần như đã có kết quả và các hãng truyền thông lớn của nước này xướng tên người chiến thắng là ông Joe Biden. Chính sách năng lượng là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Biden nên thị trường dầu mỏ dự kiến sẽ có sự thay đổi lớn.

Kế hoạch xanh hoá ngành năng lượng

Chính sách năng lượng và khí hậu sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Joe Biden sau khi bước vào Nhà Trắng.

Ông Biden có kế hoạch phân bổ 2.000 tỷ USD để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và chuyển đổi dần sang sử dụng năng lượng này cho đến năm 2035. Ông cũng từng tuyên bố sẽ cấm các hợp đồng thuê dầu khí mới trên đất liên bang và có một kế hoạch năng lượng sạch để thúc đẩy vai trò của năng lượng tái tạo trong sản xuất điện và tạo việc làm.

Goldman Sachs cho rằng, chính sách của ông Biden có thể sẽ là chất xúc tác làm tăng giá dầu vì chi phí khai thác dầu đá phiến có thể tăng và USD yếu hơn.

Ngân hàng đầu tư nhận định, chính quyền của ông Biden sẽ thắt chặt quy định, thuế, hạn chế khí metan và hoạt động khoan mới cho ngành dầu khí, qua đó làm tăng chi phí sản xuất đá phiến của Mỹ, dẫn đến nhiều lực cản cho nguồn cung dầu đá phiến.

Cuộc cách mạng dầu đá phiến trong hơn một thập kỷ qua đã giúp đẩy sản lượng dầu thô của Mỹ lên khoảng 12 triệu thùng/ngày trong năm 2019, trở thành nhà sản xuất dầu số 1 thế giới, vượt qua Nga và Ả Rập Xê-út.

Các nhà sản xuất dầu đá phiến đã thay đổi ngành năng lượng thế giới và cung cấp cho Mỹ đòn bẩy chính trị mới đi kèm với việc giảm sự phụ thuộc vào dầu nước ngoài, song cũng hứng chịu làn sóng chỉ trích vì ảnh hưởng đến môi trường.

Các động thái của chính quyền ông Donald Trump - Tổng thống Mỹ đương nhiệm, nhằm tăng cường ngành nhiên liệu hóa thạch, loại bỏ các quy tắc về ô nhiễm và khí thải, trong khi bổ nhiệm người không quan tâm đến khí hậu và người vận động hành lang trong ngành vào các vị trí quyền lực dự kiến sẽ bị đảo ngược khi ông Biden lên nắm quyền. Ngành năng lượng tái tạo được dự báo sẽ tăng tốc trở lại.

Chính sách đối ngoại với Iran và Venuezuela

Các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran là một trong những điểm nổi bật trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, chính sách mà chính quyền ông Biden theo đuổi dự kiến sẽ rất khác. Ứng cử viên Đảng Dân chủ này có chiến lược đối thoại với các đối tác, thay vì áp đặt trừng phạt và tẩy chay.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Biden từng tỏ ra cởi mở hơn trong mối quan hệ với Iran và dự định khôi phục lại Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) mà Tehran đạt được với các cường quốc thế giới hồi tháng 7/2015, nếu nước này tuân thủ các điều khoản đã cam kết. Theo Bloomberg, ngay sau khi thỏa thuận hạt nhân được Iran khôi phục, thị trường có thể sẽ bổ sung khoảng 2 thùng dầu mỗi ngày từ Iran.

Trong vòng vài tháng sau khi ông Biden đắc cử, chúng ta có thể thấy dầu Iran tràn ra thị trường và đây sẽ là vấn đề làm đau đầu OPEC

Iman Nasseri, Giám đốc điều hành khu vực Trung Đông của Công ty tư vấn FGE có trụ sở tại London

Trong khi đó, chuyên gia phân tích David Fyfe của Argus Media cho rằng, kịch bản như vậy có thể không xảy ra lập tức, nhưng thị trường nhiều khả năng sẽ chứng kiến nó xảy ra trong vòng 6 tháng đầu nhiệm kỳ của ông Biden.

Bên cạnh Iran, một số lệnh trừng phạt đối với Venezuela cũng được dự báo gỡ bỏ nếu ông Biden lên làm Tổng thống và khối lượng dầu mà Venezuela cung cấp cho thị trường đạt khoảng 1 triệu thùng/ngày.

Biden, OPEC và Nga

Ông Joe Biden có thể trở thành Tổng thống Mỹ khiến các thành viên chủ chốt của OPEC lo ngại, căng thẳng trong liên minh có thể bùng phát trở lại.

OPEC “thích” ông Trump hơn, người đã chuyển từ chỉ trích OPEC sang việc giúp đưa ra các mức cắt giảm sản lượng dầu kỷ lục.

Hồi tháng 4/2020, ông Trump đã gây áp lực và thúc đẩy các bên tham gia các cuộc đàm phán dẫn đến thỏa thuận cắt giảm sản lượng, trong đó OPEC cùng với các nước sản xuất đồng minh do Nga dẫn đầu đồng ý cắt giảm nguồn cung dầu kỷ lục trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhu cầu.

Kết quả, một thỏa thuận chưa từng có đã được ký kết nhằm cắt giảm nguồn cung dầu khoảng 20 triệu thùng/ngày, tương đương 20% sản lượng dầu toàn cầu. Riêng OPEC và các đối tác (OPEC+) đồng ý cắt giảm 9,7 triệu thùng/ngày.

Bên cạnh đó, việc Nhà Trắng thực thi nghiêm ngặt các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela trong những năm gần đây khiến thị trường cắt giảm hàng triệu thùng dầu mỗi ngày. Nếu chính quyền ông Biden nới lỏng các biện pháp cắt giảm trong vài năm tới để tăng sản lượng có thể sẽ khiến OPEC gặp khó khăn trong việc cân bằng cung - cầu dầu.

Ngoài ra, ông Biden từng chỉ đích danh Nga, một trong những quốc gia đã ký thỏa thuận cắt giảm sản lượng, là mối đe dọa chính đối với Mỹ. Đặc biệt, với kịch bản ông Biden trở thành Tổng thống, khả năng Nga rút khỏi OPEC+ là rất lớn, đồng nghĩa với thỏa thuận này sẽ sụp đổ.

Ông Biden cũng từng phát biểu, ông sẵn sàng xem xét lại quan hệ với Ả Rập Xê-út, quốc gia đang đứng đầu OPEC.

“Các biện pháp trừng phạt Iran có thể được đánh giá lại và sau đó Iran quay trở lại thị trường, do đó có khả năng xảy ra tình trạng dư cung và thỏa thuận cắt giảm hiện tại sẽ gặp rủi ro. Có nguy cơ Nga sẽ chấm dứt thỏa thuận OPEC+, đồng nghĩa với sự sụp đổ của thỏa thuận, vì chính ông Trump là người đưa Moscow vào cuộc”, một nguồn tin thân cận của OPEC nói với hãng tin Reuters.

Joe Biden có thực sự ảnh hưởng mạnh mẽ tới thị trường dầu mỏ?

Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush từng tham gia khai thác dầu mỏ ở Texas; Phó tổng thống dưới thời của ông, Dick Cheney, từng làm việc trong ngành công nghiệp dầu mỏ. Tuy nhiên, ngay cả một chính quyền thân thiện đối với lĩnh vực dầu mỏ cũng không thể ngăn chặn sự sụt giảm sản lượng dầu ở nước này, kéo dài suốt nhiệm kỳ của Tổng thống W. Bush.

Sau đó, Barack Obama, người ủng hộ phong trào chống biến đổi khí hậu, đã trở thành chủ nhân Nhà Trắng. Tuy nhiên, khối lượng sản xuất dầu trong nhiệm kỳ của ông này đã tăng liên tục trở lại.

Điều này cho thấy, việc ai là Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới có thể không ảnh hưởng đến lĩnh vực dầu mỏ như đã được “vẽ” nên và bất kỳ thay đổi lớn nào, chẳng hạn kế hoạch xanh hóa ngành năng lượng dự kiến sẽ phải mất nhiều năm thảo luận tại Nhà Trắng.

Theo giới phân tích, Joe Biden, là một thành viên Đảng Dân chủ, có khả năng sẽ theo đuổi chính sách tương tự dưới thời ông Obama. Các công nhân khai thác dầu mỏ sẽ phải đối mặt với một số hạn chế, nhưng khó có thể thấy lệnh cấm sản xuất dầu đá phiến.

Vyacheslav Kulagin, Trưởng phòng tại Viện Nghiên cứu năng lượng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhận xét, vai trò của ông Trump trong việc ký kết thỏa thuận OPEC+ vào mùa Xuân năm nay có thể đã bị phóng đại.

“Tổng thống Mỹ thúc giục các bên đi đến một thỏa thuận, nhưng bản thân ông ấy không có bất kỳ hành động tích cực nào. Về quan hệ giữa Nga và Ả Rập Xê-út, vai trò quan trọng ở đây là những lợi ích trong thỏa thuận. Moscow và Riyadh có lợi ích trực tiếp và trong bối cảnh lịch sử lúc đó, họ phải tìm cách bảo vệ ngành năng lượng của mình. Yếu tố Tổng thống Mỹ còn lâu mới là yếu tố chính có thể ảnh hưởng đến việc hai bên tham gia vào thương vụ”, ông Kulagin nói.

Sau khi ông Joe Biden lên nắm quyền, triển vọng ngắn hạn đối với thị trường dầu sẽ mang sắc thái tích cực. Nếu Đảng Dân chủ chiếm được thế thượng phong tại Thượng viện Mỹ, các gói kích thích tài khóa khổng lồ có khả năng sẽ được thông qua nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang vật lộn với đại dịch Covid-19.

Một yếu tố tích cực khác là khả năng cải thiện quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh. Với việc bình thường hóa quan hệ Mỹ - Trung, nhu cầu nhiên liệu ở một số ngành đặc thù như vận tải biển có thể phục hồi những gì đã mất từ thương chiến.

Tin bài liên quan