Thương chiến Mỹ - Trung vẫn là điểm nhấn
Lượng dầu tồn kho của Mỹ bất ngờ tăng mạnh và mối lo nhu cầu tiêu thụ dầu suy yếu do thương chiến Mỹ - Trung là lý do chính đẩy giá dầu lao dốc trong tuần qua.
Ngược lại, giá vàng tăng mạnh khi đang trong quá trình quay lại mức đỉnh 1.900 USD/ounce vào năm 2011 phản ánh tâm lý lo ngại của giới đầu tư toàn cầu về sự phức tạp thương mại có thể diễn ra. Do đó, những động thái liên quan đến thương chiến Mỹ - Trung cần được quan tâm đặc biệt.
Diễn biến một số TTCK trên thế giới tuần qua.
Khối ngoại tháo chạy trên diện rộng
Tuần qua, khối ngoại thực hiện bán ròng rất mạnh chứng chỉ quỹ E1VFVN30. Tính chung cả tuần, khối này bán ròng gần 200 tỷ đồng chứng chỉ quỹ - là mức bán ròng mạnh nhất từ đầu năm đến nay. Ngoài ra, khối ngoại cũng bán ròng ở hàng loạt cổ phiếu trong rổ VN30 với giá trị khoảng 326 tỷ đồng. Việc khối ngoại rút vốn một cách quyết liệt cho thấy tầm nhìn kém khả quan của giới đầu tư quốc tế không chỉ ở Việt Nam, mà còn trên bình diện châu Á.
Phái sinh chưa “vá” lại được xu thế giảm
Thị trường trải qua một tuần giao dịch nhiều biến động, chỉ số cơ sở giảm mạnh, nhưng sau đó cũng hồi phục rất nhanh để lấy lại hỗ trợ 870 điểm đã bị đánh mất. Tuy vậy, nỗ lực này không được ủng hộ bởi dòng tiền tham gia phái sinh, bên Long (mua) tỏ ra rất thận trọng và gần như ý chí của phần đông nhà đầu tư theo chiều tăng là rất kém. Trạng thái thận trọng được phản ánh rõ qua độ lệch (basis) giữa phái sinh và cơ sở, khi phiên cuối tuần mức basis được kéo ra âm 9 điểm.
Diễn biến giá hợp đồng tương lai kỳ hạn 1 tháng.
Cầu mua lên quá yếu
Diễn biến cung - cầu tiếp tục vận động trong trạng thái kém khả quan. Ðường cầu đã cải thiện hơn so với tuần trước khi mặt bằng giá thị trường giảm mạnh, nhưng vẫn ở mức thấp, trong khi đường cung tiếp tục đà tăng và đang vận động bên trên đường cầu. Nhìn chung, bên bán là bên chi phối diễn biến thị trường nhiều hơn, bên mua vẫn rất thận trọng, cho dù thị trường đã chiết khấu về vùng giá thấp.
Thống kê xác suất đầu tư ngắn hạn.
Ðà lan tỏa tiếp tục giảm
Đà lan tỏa theo vốn hóa lớn & MA10.
Mức độ lan tỏa ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn duy trì đà giảm. Mặc dù chỉ số đã nỗ lực hồi phục trong 2 phiên cuối tuần, nhưng vẫn chưa thể thoát khỏi xu hướng giảm. Sự lan tỏa của dòng tiền tiếp diễn trạng thái cục bộ khi chỉ tập trung ở một vài cổ phiếu riêng lẻ. Ðà lan tỏa hiện tại chưa thu hút được lượng cầu tham gia quyết liệt, hay nói cách khác, nền giá thị trường cần phải chiết khấu sâu hơn nếu muốn có lực mua mới tham gia trở lại. Nếu tiếp tục kèo dài duy trì ở trạng thái này, đó không phải là diễn biến tốt.
Các mã trụ rời rạc
Nhóm ngân hàng tiếp tục được kỳ vọng.
Sự lan tỏa về giá trong nhóm VN30 có chiều hướng kém dần qua các tuần. Thị trường thiếu nhóm dẫn dắt đang trở thành vấn đề lớn, dòng tiền có dấu hiệu rút ra nhóm bất động sản và thờ ơ ở nhóm thực phẩm - đồ uống, trong khi bên mua đang manh nha quay trở lại với nhóm ngân hàng nhưng vẫn còn yếu ớt. Sự lan tỏa ở các nhóm trụ vẫn rất hạn chế. Nhìn chung, trong bối cảnh hiện tại, khó kỳ vọng vào nhóm nào khác ngoài nhóm ngân hàng trong việc vực dậy thị trường. Nếu nhóm này không tạo lực kéo thì rất khó để chỉ số chung có thể quay trở lại đà tăng.
Ưu tiên canh Short trong các nhịp hồi
Độ lệch giữa phái sinh và cơ sở.
Thị trường đang trong pha giảm ngắn hạn. Các dấu hiệu đều đang ủng hộ cho đà giảm này khi khối ngoại liên tục bán ròng mạnh, dòng tiền mua lên rất kém trong các nhịp giảm, thị trường thiếu nhóm dẫn dắt… Do đó, chiến lược được ưu tiên trong tuần này là canh Short (bán) trong các nhịp hồi, với vùng kháng cự mạnh ở khu vực quanh mốc 875 điểm trên chỉ số phái sinh VN30F1908 và 880 điểm trên chỉ số VN30.
Ngược lại, chiến lược Long (mua) sẽ được ủng hộ khi chỉ số phái sinh có nhịp giảm sâu, ít nhất là để kiểm chứng lại khu vực đáy cũ quanh mốc 860 điểm. Trong một diễn biến có xác suất xảy ra thấp là giá bứt qua cửa sóng tại mốc 880 điểm, thì pha Long sẽ là chiến lược được ưu tiên trở lại.