Các CTCK khuyên NĐT nên thực hiện hóa lợi nhuận nếu vào kịp đợt sóng tăng vừa rồi - Ảnh minh họa: Corbis

Các CTCK khuyên NĐT nên thực hiện hóa lợi nhuận nếu vào kịp đợt sóng tăng vừa rồi - Ảnh minh họa: Corbis

Thị trường đang nguội dần tâm lý lạc quan

(ĐTCK-online) Sau phiên tăng bất ngờ ngày 7/6, thị trường đã nhanh chóng điều chỉnh giảm bởi lực cung tăng mạnh. Các CTCK cho rằng, thị trường hiện đang nguội dần tâm lý lạc quan, vì thế nhiều khả năng thị trường sẽ giảm hoặc đi ngang với lực bán tăng mạnh trong các phiên sắp tới.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 9/6.

 

Thị trường sẽ dao động theo phương ngang

(CTCK ACB - ACBS)

Việc Ngân hàng nhà nước quyết tâm không lùi thời hạn siết tín dụng phi sản xuất đã có những tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán, đặc biệt là đến tâm lý của nhà đầu tư trong phiên giao dịch của ngày 8/6.

Quyết định này sẽ làm cho các ngân hàng thương mại phải tiếp tục mạnh tay cắt giảm các khoản cho vay phi sản xuất, trong đó có cho vay chứng khoán và vay mua bất động sản. Việc cắt giảm cho vay chứng khoán sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới dòng tiền đầu tư đi vào thị trường trong thời gian tới. Như thế có khả năng là một lượng tiền không nhỏ có khả năng bị rút ra khỏi thị trường trong thời gian tới.

Còn cắt giảm vay bất động sản có khả năng làm cho những công ty có thu nhập từ kinh doanh bất động sản đang niêm yết trên sàn chứng khoán bị ảnh hưởng nặng nề trong thời gian tới. Điều này có khả năng làm nhà đầu tư rút vốn ra khỏi những công ty này, trong đó có một nhóm không nhỏ là các công ty có vốn hóa lớn. Thêm vào đó, có nhiều nhà đầu tư đang đầu tư cả chứng khoán lẫn bất động sản thì có khả năng nhóm nhà đầu tư này phải rút tiền từ chứng khoán để giải ngân cho các khoản đầu tư bất động sản của họ và yếu tố này cũng ảnh hưởng tiêu cực tới TTCK. 

Về phần phân tích kỹ thuật, do chỉ số VN-Index đang tích lũy hoặc phân phối nên chúng tôi cho rằng chỉ số này sẽ tiếp tục dao động theo phương ngang trong các phiên tới. HNX-Index cũng tiếp tục giằng co, tuy nhiên HNX đang có những dấu hiệu khả quan hơn.

 

VN-Index sẽ dao động đi ngang quanh mức 450 điểm

(CTCK Woori CBV)

Phiên giao dịch ngày 8/6 chứng kiến một sự đảo chiều từ giữa phiên, các mã chứng khoán quay đầu giảm, áp lực bán tăng đáng kể ngay từ đầu phiên giao dịch. Thanh khoản trên hai sàn ở mức khá, đặc biệt sàn HNX với giá trị giao dịch đạt hơn 500 tỷ đồng.

Lượng cầu áp đảo phiên 7/6 không còn được duy trì, mà phiên 8/6 ưu thế thuộc về bên bán. Dường như bên mua có đôi chút lưỡng lự khi thị trường nhận thông tin, Thổng đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định không gia hạn thời điểm các ngân hàng thương mại phải giảm tỷ lệ cho vay phi sản xuất xuống dưới mức 22%. Tuy nhiên, lực mua vẫn được duy trì ở mức tốt, chỉ có điều nhà đầu tư đã thận trọng hơn trong việc tranh mua giá cao.

Dù sao đây không phải là một thông tin quá tiêu cực, thể hiện qua phản ứng khá bình tĩnh của bên bán khi không có hiện tượng bán ồ ạt. Rất có thể lịch sử sẽ lặp lại khi VN-Index sau khi hồi phục từ mức đáy 386 điểm, sẽ hình thành một quãng dao động đi ngang quanh mức 450 điểm. Xu hướng này được ủng hộ bởi sự thật là các tin xấu trong 6 tháng đầu năm phần nhiều đã được phản ánh vào giá, trong khi những tín hiệu lạc quan của nền kinh tế chưa thể xuất hiện ngay.

 

Thị trường đang nguội dần tâm lý lạc quan

(CTCK Trí Việt - TVSC)

Một phiên tăng bán mạnh đột ngột đã đến như mong đợi của chúng tôi, nhưng việc cầu không tiếp tục tăng lên để đẩy KLGD lên cao ngang với mức bằng hoặc cao hơn phiên 3/6 khiến chúng tôi đặc biệt lo ngại (dù cho tổng KLGD bao gồm cả thoả thuận của 2 sàn phiên 8/6 cũng đạt hơn 100 triệu đơn vị, nhưng vẫn thấp hơn phiên 3/6).

Bên cạnh đó, giá cũng giảm mạnh hơn trên sàn HNX khiến chúng tôi đặt ra hoài nghi phải chăng đỉnh niềm tin tăng giá của toàn thị trường đã đạt vào ngày 3/6 và thị trường đang nguội dần tâm lý lạc quan. Hậu quả là các phiên vốn mang hàm ý kích thích lòng tham như ngày 7/6 và 8/6 cũng không đủ để kéo HNX-Index tăng mạnh và mức độ phản kháng diễn biến xả hàng mạnh mẽ như 2 phiên cuối tuần trước (chỉ còn các cổ phiếu hàng hot như BVS, KLS, PVX, VND,… tiếp tục giằng co mạnh nhưng mức độ tăng cầu cũng không bằng).

 

Nhiều khả năng thị trường sẽ bước vào đợt điều chỉnh giảm

(CTCK FPT - FPTS)

Sau phiên tăng điểm bất ngờ ngày 7/6, cả hai chỉ số HNX-Index và VN-Index đã quay đầu giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 8/6. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục phân hóa cùng với lượng bán tăng mạnh tại các mã chủ chốt là những nguyên nhân chính khiến cho thị trường đảo chiều sau những phút tăng điểm đầu phiên. Lực cầu trong phiên tỏ ra khá thận trọng trước diễn biến thị trường. Tuy nhiên, lượng cầu này cũng đã hấp thụ khá tốt lượng bán ra khiến thanh khoản trên cả hai sàn vẫn được duy trì ở mức cao.

Có thể thấy, tâm lý các nhà đầu tư đang được duy trì khá tích cực khiến cho thị trường diễn biến có phần sôi động. Nhưng bên cạnh đó, sự hạn chế về dòng tiền vẫn là nguyên nhân chính cản trở đà phục hồi của thị trường trong ngắn hạn. Dòng tiền chủ yếu vẫn đang tập trung vào nhóm cổ phiếu chủ chốt và tạo lực đỡ khá tốt cho thị trường trong thời điểm hiện tại, góp phần kiềm chế áp lực chốt lời.

Tuy nhiên, theo quan sát của FPTS, dòng tiền duy trì vào nhóm các cổ phiếu trên đang có dấu hiệu suy yếu sau liên tiếp những phiên tăng điểm. Thêm vào đó, áp lực chốt lời sẽ tiếp tục gia tăng khi khối lượng lớn cổ phiếu giá thấp về tài khoản trong phiên giao dịch ngày 9/6. Nhiều khả năng thị trường sẽ bước vào đợt điều chỉnh giảm, khẳng định xu thế chốt lời của hầu hết các nhà đầu tư. Do đó, các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu giá rẻ nên hiện thực hóa lợi nhuận và không nến tiếp tục giải ngân vào nhóm cổ phiếu đã có mức tăng trưởng cao.

 

Có thể chốt lời nếu đạt lợi nhuận kỳ vọng

(CTCK VNDirect - VND)

Về mặt kỹ thuật, phiên giảm điểm ngày 8/6 của HNX-Index là do đường giá vượt lên trên đường MA 20, đồng thời vượt qua đường kênh giảm giá kéo dài từ tháng 12/2010 đến nay. Sự điều chỉnh thông thường có thể kéo dài tối đa là 3 phiên, nếu lần này vượt qua điều chỉnh thì thị trường sẽ còn có một nhịp tăng nữa.

Từ bản tin ngày 1/6, bản tin của chúng tôi đã khẳng định mô hình W hình thành và cơ hội có nhịp sóng hồi. Tính từ đó đến nay, hầu hết thị trường đều có mức tăng 15 - 20% và những nhà đầu tư tham gia nhịp sóng này đều có lợi nhuận. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại vĩ mô chưa có yếu tố hỗ trợ cho thị trường nên nhịp tăng này vẫn chỉ là cơ hội ngắn hạn, việc tiếp tục giải ngân cần phải thận trọng hơn và có sự phân bổ danh mục hợp lý.

Chiến lược giao dịch cho những nhà đầu tư bắt kịp sóng tăng như bản tin của chúng tôi khuyến nghị là chốt lời nếu đã đạt được lợi nhuận kỳ vọng hoặc tiếp tục giữ cho đến khi thị trường chưa giảm xuống dưới mức giá của ngày thứ 2 vừa rồi. Do sóng hồi chỉ mang tính chất ngắn hạn, việc tiếp tục giải ngân phải ý thức được rủi ro T+ và đặc biệt tuân thủ mức cắt lỗ.

 

Áp lực bán sẽ tiếp tục tăng mạnh

(CTCK Rồng Việt - VDSC)

Phiên giao dịch ngày 8/6 diễn ra với sự giằng co khá mạnh giữa hai bên bán - mua, đặc biệt diễn biến tại sàn Hà Nội. Hai chỉ số trên hai sàn đóng cửa với kết quả giảm. Vị thế của NĐT nước ngoài chuyển từ mua sang bán ròng nhẹ trên sàn HNX, giá trị mua ròng của khối này trên sàn HOSE giảm xuống khá thấp chủ yếu do lực mua giảm.

Với sự chuyển biến khá tốt về mặt tâm lý NĐT trong giai đoạn ngắn hạn vừa qua, không loại trừ khả năng lượng cổ phiếu được giao dịch những phiên trước được mua vào nhờ dòng tiền sử dụng đòn bẩy. Vì vậy, thông tin các NHTM không được lùi thời hạn siết tín dụng phi sản suất về 22% và còn 20 ngân hàng có dư nợ phi sản xuất cao hơn 22% có thể sẽ khiến áp lực bán mạnh lên trong phiên ngày 9/6, khi nguồn cung trở nên dồi dào hơn.

HNX-Index đối diện với khả năng giảm điểm nhiều hơn do đặc tính đầu cơ cao trong khi sự biến động của VN-Index chủ yếu vẫn sẽ chịu sự chi phối của các cổ phiếu dẫn dắt. Do đó, NĐT trên sàn HOSE cần quan sát diễn biến giá cổ phiếu là quan tâm đến chỉ số thị trường.

Cơ hội mua cổ phiếu với giá hấp dẫn hơn vẫn còn. NĐT đang nắm giữ tiền mặt cần kiên nhẫn chờ đợi. Trong khi đó, NĐT đang sử dụng margin nên chuyển hóa cổ phiếu thành tiền mặt để tránh rủi ro khi có những diễn biến xấu bất ngờ như giai đoạn cuối tháng 5/2011.

 

Xác suất cao VN-Index sẽ điều chỉnh về 420 điểm

(CTCK Dầu khí – PSI)

Thị trường giảm điểm, nhiều cổ phiếu có dấu hiệu tăng lượng cung khiến KLGD tiếp tục gia tăng. Các chỉ báo dòng tiền MFI và sức tăng giá RSI có dấu hiệu chững lại với công cụ Stochastic Osccilator từ vùng quá mua đi xuống xác định kỳ điều chỉnh của thị trường.

Có xác suất cao khả năng VN-Index tạo thành mô hình 2 đỉnh trong ngắn hạn với đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước (ở mức 463 điểm). Xác suất VN-Index sẽ điều chỉnh giảm về mức 420 điểm là tương đối cao. Sử dụng Fibonacci FAN, xác định được vùng dao động của VN-Index trong khoảng 460 - 420 điểm với hỗ trợ mạnh ở mức 420 điểm.

Bên mua tỏ ra đuối lực tại vùng 450 - 460 điểm. Nếu hoàn thiện mô hình 2 đỉnh, VN-Index có xác suất điều chỉnh khá cao về mức 420 điểm. Mặc dù khó có thể giảm mạnh, những VN-Index cũng chưa có cơ sở cho sự phục hồi bền vững. Khoảng dao động hiện thời của VN-Index được xác đinh trong khoảng 420 - 460 điểm

 

Khả năng thị trường tiếp tục điều chỉnh

(CTCK Vietcombank - VCBS)

Sau phiên tăng điểm khá mạnh ngày 7/6, thị trường đã có một phiên điều chỉnh giảm nhẹ trở lại trên cả hai sàn trong ngày 8/6. Mặc dù áp lực bán khá mạnh xuất hiện ngay từ đầu phiên nhưng nhìn chung tâm lý của các nhà đầu tư vẫn khá ổn định, bên cầm tiền tiếp tục chủ động nhập cuộc tạo nên một bầu không khí giao dịch không kém phần sôi động, theo đó tính thanh khoản của thị trường tiếp tục được cải thiện, đặc biệt là tăng vọt trên sàn Hà Nội.

Hiện tại, theo thông tin mới nhất thì Cục quản lý giá Bộ Tài chính đang trình phương án mới về giá bán lẻ xăng dầu nước, nhưng chưa được nêu rõ là sẽ tăng hay giảm nên khó có thể xem đây là một thông tin tích cực một cách rõ ràng. Thêm vào đó, nếu nhìn lại tình hình vĩ mô thì vẫn chưa có chuyển biến đáng kể nào, ngoài ra với việc các ngân hàng không được lùi thời hạn siết tín dụng phi sàn xuất 22% vào cuối tháng 6 này thì thị trường chứng khoán sẽ chưa thể thoát khỏi khó khăn trong thời gian tới, đó là còn chưa kể tới áp lực từ một số lượng lớn cổ phiếu từ phiên điều chỉnh thứ Sáu tuần trước sẽ về tài khoản của các nhà đầu tư vào ngày 9/6.

Như vậy, chúng tôi chưa thể lạc quan cho phiên giao dịch sắp tới, khả năng thị trường tiếp tục điều chỉnh hoặc giằng co trong biên độ hẹp là khá lớn.