Theo số liệu của Finntrade, trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì trạng thái bán ròng mạnh và tổ chức trong nước cũng trong xu hướng bán ra kể từ đầu tháng 8/2021 thì dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân vẫn tiếp tục tăng mạnh.
Riêng trên sàn HOSE, nhóm này mua ròng gần 16,7 nghìn tỷ đồng từ đầu tháng 8 đến 10/9, cao gấp 7 lần mức mua ròng trong tháng 7. Còn lũy kế từ đến tháng 7 đến ngày 10/9, giá trị mua ròng của nhà đầu tư cá nhân đạt 19,1 nghìn tỷ đồng.
Nếu như trong nửa đầu năm nay, số tài khoản mở mới của nhà đầu tư liên tục đạt kỷ lục được giải thích có một phần lý do bởi các nhà đầu tư lâu năm mở thêm tài khoản ở các công ty chứng khoán khác nhau để khắc phục ảnh hưởng của nghẽn lệnh, hoặc để hưởng các gói ưu đãi, khuyến mãi mà công ty chứng khoán đưa ra thì sang tháng 8, lý do nhỏ này cũng đã hoàn toàn lu mờ khi hầu hết các công ty chứng khoán đều tung ra các chương trình để thu hút khách hàng F0 cũng như giữ chân khách hàng cũ.
Vì thế, số tài khoản mở mới từ tháng 7/2021 đến nay là minh chứng thuyết phục cho sự tham gia của một lượng lớn F0 đại chúng. Một công ty chứng khoán như DNSE chứ không phải các tên tuổi lớn, công bố chiếm 10% số tài khoản mở mới trong tháng 8 là một minh chứng thú vị cho thấy tính đại chúng của thị trường chứng khoán ngày càng cao.
Có thể thấy, dòng tiền của khối ngoại hay tự doanh không còn dẫn dắt xu hướng thị trường chứng khoán là bức tranh rất rõ ràng thời gian qua, nhưng dòng tiền nhà đầu tư cá nhân trong nước cũng mang một đặc điểm rất thú vị là “sự đa cực” xuất phát từ tính đại chúng cao như nói trên.
Nếu như trước đây, rất dễ ghi nhận động thái của một công ty chứng khoán lớn có thể ảnh hưởng đến xu hướng thị trường, chẳng hạn như khuyến nghị khách hàng lớn bán ra, hay cắt margin vì lo ngại thị trường rủi ro tăng nóng thì giờ đây, khi xuất hiện những thông tin kiểu như vậy, tâm lý thị trường rất vững vàng.
Tuần trước, thị trường truyền đi thông tin một công ty chứng khoán lớn dừng cấp hạn mức margin cho khách hàng để chuẩn bị đáp ứng tỷ lệ cho kỳ báo cáo tài chính cuối quý II/2021. Trong lịch sử, đã có lần khi điều này xảy ra, thị trường sụt giảm rất mạnh, nhưng thời điểm này, những thông tin như thế được coi là bình thường.
Nhà đầu tư F0 mới vào thị trường sẵn sàng mua thăm dò, mua để tích sản, còn nhà đầu tư có kinh nghiệm thì đang dư tiền mặt và "nhìn ngắm" các cổ phiếu trụ đang tích lũy chưa tăng. Vì thế, các thuyết âm mưu về việc “đánh xuống” hay “đạp phái sinh” là không thuyết phục và ngày càng khó khả thi.
Quy mô thị trường chứng khoán đang lớn lên nhanh chóng khi dòng tiền đầu tư trong dân tìm đến, thay thế một phần cho kênh đầu bất động sản, vàng, ngoại tệ hay kể cả là sản xuất, đầu tư đang bế tắc, khó khăn do ảnh hưởng của giãn cách xã hội kéo dài.
Miếng bánh thị trường tăng thêm được chia cho các công ty chứng khoán quy mô khác nhau thể hiện khi tỷ lệ thị phần của các công ty biến động không lớn nhưng các công ty đều phải tăng vốn, nâng cấp công nghệ, dịch vụ để thu hút khách hàng nhằm duy trì thị phần.
Sự đa dạng thành phần nhà đầu tư, đa dạng kênh tư vấn và trường phái đầu tư, giao dịch khiến cho dòng vốn của nhà đầu tư cá nhân trong nước thể hiện tính đại chúng rất cao. Không chỉ sàn HOSE hay HNX được ưu ái, mà dòng tiền cũng lan tỏa rất nhanh đến các cổ phiếu trên sàn UPCoM có thanh khoản tốt.
Nhà đầu tư ngày càng đại chúng biểu thị một thị trường chứng khoán phát triển thực chất lên một nấc thang mới.
Dù bất cứ thành viên nào mới tham gia cũng đều có những non nớt, vấp váp buổi ban đầu, nhưng đó chính là một trong những “chất liệu” để làm nên một thị trường sôi động, nhiều sức sống.
Những góc nhìn đa dạng về F0 - lực lượng chủ lực làm thay đổi về lượng dẫn đến thay đổi về chất trên thị trường – cũng là nội dung chủ đạo được Đầu tư Chứng khoán đề cập trong Tiêu điểm số báo này.