Thị trường chứng khoán vào vùng khó lãi

Thị trường chứng khoán vào vùng khó lãi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán duy trì được đà tăng, nhưng cơ hội kiếm lời đang trở nên khó dần.

Tỷ lệ tăng giá sau T+3 dưới 50%

Từ tháng 9, thanh khoản thị trường đã đạt mức tăng hơn 30% so với trung bình hồi đầu năm. Dòng tiền xoay vòng liên tục đã giúp thị trường tăng trưởng rất tốt trong giai đoạn vừa qua. Phiên giao dịch cuối tuần qua, chỉ số VN-Index vượt mốc 960 điểm, ghi nhận mức tăng trên 11%.

Tuy nhiên, nhìn vào từng cổ phiếu, có thể thấy, số lượng cổ phiếu “sắc đỏ” đang chiếm một tỷ trọng cao. Như trong phiên 23/10, trên sàn HOSE, có tới 160 cổ phiếu giảm giá. Đà tăng của thị trường được giữ nhịp bởi một số cổ phiếu trụ.

Dữ liệu đáng chú ý được ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cung cấp.

Theo đó, VDSC thống kê trong 1 tuần giao dịch vừa qua về số cổ phiếu tăng/giảm giá sau T+3, T+4 và T+5, thì thấy tỷ lệ tăng giá dưới 50%. Nghĩa là, nếu nhà đầu tư mua mới, thì khả năng có lãi sau T+3 là dưới 50%.

Tất nhiên, có một số nhóm ngành nếu mua thì khả năng có lời cao hơn 50%, ví dụ như ngân hàng, viễn thông, sắt thép. Ngược lại, với một số nhóm ngành như thực phẩm, phân phối xăng dầu, dầu khí, hàng không…, khả năng sinh lời là dưới 50%.

Thực tế, sau một nhịp tăng dài, thị trường đã chuyển sang giai đoạn phân hóa mạnh do kết quả kinh doanh quý III công bố dẫn đến các đợt sóng riêng lẻ của từng doanh nghiệp.

Chưa kể, thị trường cũng bị ảnh hưởng ở các đợt review danh mục và các phiên chốt hợp đồng phái sinh. Áp lực bán chốt lời đã gia tăng đáng kể trên diện rộng, thậm chí một số cổ phiếu chứng kiến mức độ điều chỉnh rất sâu như DBC, CTD...

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam cho rằng, những cổ phiếu blue-chip, đặc biệt nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ còn tác động làm méo mó một chút về mặt chỉ số.

Nhưng theo ông Khanh, nên nhìn đây là khía cạnh tích cực vì về tổng quan, thị trường vẫn giao dịch tốt và tăng trưởng. Một yếu tố hỗ trợ cho thị trường hiện nay là các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng, ngoại hối đang chững lại và dòng tiền sẽ còn tiếp tục đổ vào chứng khoán nhiều hơn.

Dòng tiền phân hóa

Lý giải về việc dòng tiền có xu hướng bị hút vào các cổ phiếu vốn hóa lớn, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, đà tăng của thị trường thời điểm tháng 8, tháng 9 tương đối rộng, lan tỏa đến hầu hết các nhóm cổ phiếu và chững lại trong một tháng gần đây.

Do vậy, dòng tiền dịch chuyển sang việc kéo một số cổ phiếu trụ có câu chuyện riêng và chốt lời ở cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Vì thế, việc tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường trong một tháng gần đây phụ thuộc rất nhiều vào việc lựa chọn đúng cổ phiếu, chứ không còn dễ dàng như thời điểm đầu tháng 8.

Theo ông Hinh, vừa qua, MSCI đã công bố kế hoạch nâng hạng thị trường Kuwait lên thị trường mới nổi theo 5 bước, bắt đầu từ kỳ review tháng 11 tới đây. Điều này sẽ kéo theo tỷ trọng của các cổ phiếu Việt Nam trong các chỉ số thị trường cận biên của MSCI (như VIC, VNM, HPG…) sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Đây là một thông tin tích cực trong ngắn hạn đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Đà tăng điểm của thị trường sẽ tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, trước khi dòng tiền có thể lan tỏa đến nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ

Còn theo ông Hoàng Thạch Lân, thị trường đang vào giai đoạn cao điểm của mùa công bố báo cáo tài chính quý III, nhà đầu tư sẽ đọc được hàng chục thông tin cập nhật mới mỗi ngày.

Ông Lân kỳ vọng, những cổ phiếu thuộc nhóm ngành ngân hàng hay chứng khoán, bảo hiểm, dược, cao su sẽ ra tin tích cực. Nhưng các cổ phiếu ngành công nghiệp thì khó dự báo hơn, do vậy, nhà đầu tư cần tìm hiểu thông tin từ báo cáo tài chính quý II của các doanh nghiệp này.

Từ đầu tháng 10 đến nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn giữ vững phong độ khi đồng loạt tăng như VCB, BID, CTG, TCB, MBB… Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là ưu tiên đầu tư với nhà đầu tư trong giai đoạn ngắn hạn hiện tại do nhiều yếu tố hội tụ như hoạt động chuyển sàn, niêm yết mới, chia cổ tức tăng vốn của các ngân hàng gốc nhà nước…

Trong khi đó, việc thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh về điểm số và thanh khoản đã giúp nhóm chứng khoán hưởng lợi đầu tiên ở trên cả mảng môi giới và tự doanh.

Ngoài ra, với bối cảnh kinh tế cuối năm đang đi vào giai đoạn hồi phục và tăng tốc sau dịch thì khả năng nhiều nhóm ngành sẽ quay lại đà tăng trưởng trước đó. Một số nhóm ngành đang hồi phục và tăng trưởng khá như thép, bán lẻ, bất động sản khu công nghiệp, phân bón có nhiều cổ phiếu đang tăng trưởng tốt.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc chiến lược và vĩ mô, Công ty Chứng khoán KB cho rằng, khác với các mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh trước, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III này sẽ kiểm chứng rõ hơn khả năng phục hồi của các doanh nghiệp hậu Covid-19, vì vậy mang ý nghĩa dài hạn hơn là việc thuần túy phản ánh tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong quý vừa qua.

“Các doanh nghiệp ghi nhận sự tăng trưởng mạnh nhờ hoạt động kinh doanh cốt lõi và kỳ vọng đà tăng của giá cổ phiếu sẽ tiếp tục được duy trì, dù áp lực bán trong ngắn hạn có thể xuất hiện trước hiệu ứng tin ra là bán”, ông Đức Anh nói.

Tuy nhiên, với những nhà đầu tư "nghiện" lướt sóng, các chuyên gia cũng cảnh báo lưu ý chiến lược mua/bán gối đầu T+ để phòng rủi ro thị trường đảo chiều bất ngờ.

“Giá đã cân bằng”

Nguyễn Hữu Bình, Chuyên gia chứng khoán

Chỉ số VN-Index tăng từ cuối tháng 7, hay từ đáy cuối tháng 3 đến nay một nhịp tương đối dài và chỉ còn cách vùng 990 điểm trước dịch khoảng 3,6%. Thống kê của tôi với khoảng 20 chỉ số chính trên thế giới cho thấy, VN-Index nằm trong Top 5 chỉ số hồi phục mạnh nhất. Trong khi đó, nhiều chỉ số khác đang có xu hướng suy giảm gần đây và vẫn còn khoảng cách từ 13% đến trên 20% so với trước dịch.

Thị trường hiện tại có nhiều bất thường như biến động mạnh ngay trong phiên, cuối phiên từ chỉ số cho đến cổ phiếu được kéo tăng nhờ cầu mua mạnh ATC.

Giá của rất nhiều cổ phiếu đã tăng vượt so với năm 2019, thậm chí tăng gấp 2 - 3 lần từ đáy tháng 3. Kết quả kinh doanh quý III công bố tích cực nhưng giá cổ phiếu không tăng, bởi dường như đà tăng đã được phản ánh. Nhiều nhà đầu tư sẽ bán khi tin được công bố.

Vì thế, giai đoạn này, nhà đầu tư nên tránh sử dụng đòn bẩy quá lớn có thể dẫn đến áp lực.

Xét ngắn hạn, đến lúc này ngay cả việc tìm ra cổ phiếu riêng lẻ bị thị trường “đánh giá thấp” cũng còn khó chứ không nói đến nhóm ngành nữa. Cơ bản tôi cho rằng giá đã cân bằng, thậm chí có những mã đã trở nên đắt so với tình hình kinh doanh hiện tại.

Tuy nhiên, về dài hạn, tôi tin rằng, năm 2021, thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng khi kinh tế hồi phục trở lại.

Tin bài liên quan