Trong những ngày này ở Hà Nội, đi tới đâu người ta cũng nghe thấy câu chuyện về chứng khoán, nhất là ở những quán ăn, quán cà phê hay thậm chí là quán trà đá vỉa hè. Sức nóng của thị trường cổ phiếu dường như đã lấn át cái lạnh thấu xương dưới 10 độ C ở Thủ đô trong những ngày qua.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của chỉ số chứng khoán trong nước trong nhiều tháng qua với việc VN-Index liên tục đạt tới những đỉnh cao mới đã là chủ đề nóng của nhiều tờ báo kinh tế và thậm chí của cả các tờ báo lớn về chính trị - xã hội trong thời gian qua.
Chính sự quan tâm và theo dõi sát sao của truyền thông trong nước và những câu chuyện thành công được kể, từ câu chuyện của những nhà đầu tư lão luyện cho tới những nhà đầu tư mới, với hệ số nhân giá trị tài khoản bằng lần hoặc ít nhất là vài chục phần trăm chỉ trong vài tháng đã kích thích lòng tham của rất nhiều nhà đầu tư, từ thế hệ Gen Z mới bước chân vào thị trường lao động cho tới người ở độ tuổi U60 - những người mà giới tài chính lâu nay vẫn khuyên nên đầu tư vào lớp tài sản có độ rủi ro thấp.
Thậm chí, một bản tin điện tử chuyên về tài chính còn có cả một phóng sự ảnh mô tả cảnh nhà đầu tư xếp hàng như thời bao cấp tại một số công ty chứng khoán để mở tài khoản giao dịch, trong khi VN-Index hướng tới đỉnh lịch sử 1.200 điểm. Trong số này có rất nhiều gương mặt trẻ, và cũng không thiếu những người ở độ tuổi…về hưu!
Vài tiếng chuông cảnh tỉnh
So với thời điểm cuối năm 2019, khi dịch Covid-19 chưa diễn ra và các hoạt động kinh tế, kinh doanh vẫn diễn ra tốt đẹp, chỉ số VN-Index đã tăng 25%, từ mức 950 điểm cho tới vùng 1.190 – 1.200 điểm trong phiên giao dịch ngày 12/1/2021.
Mặc dù kết quả kinh doanh trong năm 2020 của hầu hết các doanh nghiệp niêm yết hiện vẫn chưa được công bố, nhưng có thể khẳng định chắc chắn rằng, mức tăng này vượt xa mức tăng trưởng về kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp trong 1 năm qua.
Ở tầm vĩ mô, số liệu của Tổng cục Thống kê cũng khẳng định điều đó. Tăng trưởng GDP của Việt Nam, theo cơ quan thống kê quốc gia này, trong năm qua cũng chỉ đạt mức 2,91%, chỉ bằng 1/10 so với mức tăng trưởng của chỉ số VN-Index.
Nên nhớ rằng, đóng góp vào sự tăng trưởng GDP của Việt Nam còn có công của cả các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (khối doanh nghiệp FDI) - những doanh nghiệp không có mặt trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Nhiều người sẽ lập luận rằng, thị trường chứng khoán phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư về nền kinh tế và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong tương lai và mức giá hiện tại của cổ phiếu hàm chứa kỳ vọng đó.
Thế nhưng, nếu nhìn vào mục tiêu kế hoạch tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2021 từ 6 - 6,5%, thì dường như nhà đầu tư đang đặt kỳ vọng quá cao vào sự tăng giá của cổ phiếu.
Các công ty chứng khoán đều cho rằng, chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp trong thời gian qua là một nguyên nhân thúc đẩy dòng tiền đổ mạnh vào kênh chứng khoán.
Chưa kể việc các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng hay ngoại tệ hiện đang gặp khó do đòi hỏi vốn đầu tư cao hay có độ rủi ro cao.
Tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2021 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) chủ trì tổ chức mới đây, TS Quách Mạnh Hào, một người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính đánh giá: “Chính sách nới lỏng tiền tệ hiện tại không thực sự bao trùm nền kinh tế. Sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán thời gian gần đây không thực sự phản ánh sự thịnh vượng của nền kinh tế và điều này tiềm ẩn rủi ro về nợ xấu gia tăng trong những năm tiếp theo”.
Còn TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính thì cảnh báo: "Lãi suất đã giảm rất mạnh khiến dòng tiền đổ vào các lĩnh vực khác tương đối nhanh, trong đó có chứng khoán và chúng ta phải thận trọng đối với xu hướng đó".
Không chỉ các chuyên gia kinh tế - tài chính, ngay cả nhiều công ty chứng khoán gần đây cũng đã liên tục cảnh báo rằng, thị trường đã tăng nóng và sẽ nhiều khả năng có đợt điều chỉnh mạnh khi VN-Index chạm vùng 1.200 điểm.
Thế nhưng bất chấp những cảnh báo này, kết thúc phiên giao dịch ngày 12/1, hợp đồng tương lai chỉ số VN30 dương tới 23 điểm so với chỉ số cơ sở, một chỉ báo cho thấy nhà đầu tư vẫn đang đặt cược vào việc chỉ số VN30 tiếp tục tăng.
Có lẽ đã tới lúc nhà đầu tư cần tỉnh táo trong cơn say chứng khoán tại thời điểm này để tránh cho mình khỏi hậu quả thua lỗ khi thị trường điều chỉnh mạnh.