Thị trường chứng khoán có xu hướng tăng là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp huy động vốn cổ phần. Ảnh: Dũng Minh.

Thị trường chứng khoán có xu hướng tăng là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp huy động vốn cổ phần. Ảnh: Dũng Minh.

Thị trường chứng khoán thăng hoa, doanh nghiệp niêm yết chớp cơ hội tăng vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kênh đầu tư chứng khoán đang thu hút dòng tiền mạnh mẽ. Tận dụng cơ hội này, không ít doanh nghiệp triển khai kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn.

“Không tăng vốn ở thời điểm này thì còn thời điểm nào phù hợp hơn”, chủ tịch hội đồng quản trị một doanh nghiệp niêm yết chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán khi lựa chọn thời điểm này để thực hiện mục tiêu huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Có 3 lý do được đưa ra, đó là doanh nghiệp có dự án đủ sức thuyết phục cổ đông; quy mô vốn của doanh nghiệp tăng mạnh sẽ nâng tầm doanh nghiệp, đảm bảo tỷ lệ cân đối giữa nợ và vốn chủ sở hữu; thị trường chứng khoán đang sôi động, các cổ đông sẽ dễ dàng hơn trong việc móc hầu bao mua thêm cổ phần.

BCG lên kế hoạch lãi cao

Công ty cổ phần Bamboo Capital (BCG) đang hoàn tất các thủ tục để thực hiện chào bán hơn 68 triệu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1 với giá bằng mệnh giá. Kế hoạch này được BCG ấp ủ từ lâu, khi thị giá cổ phiếu BCG ở dưới mệnh giá. Hiện tại, sau chuỗi tăng giá tích cực, thị giá đã cao hơn mệnh giá trên 50%.

Trong cơ cấu số tiền dự kiến thu được từ đợt phát hành là 680 tỷ đồng, Bamboo Capital sẽ dùng 420 tỷ đồng đầu tư vào hai dự án năng lượng tái tạo (gồm 270 tỷ đồng cho dự án Nhà máy điện mặt trời Phú Mỹ 1; 150 tỷ đồng cho dự án Nhà máy điện mặt trời Vneco - Vĩnh Long); 230 tỷ đồng đầu tư vào dự án bất động sản King Crown Infinity và hơn 30 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động.

BCG cho biết, năm nay, Công ty dự kiến đạt lợi nhuận cao hơn nhiều năm ngoái. Năm 2020, BCG ước đạt 1.913 tỷ đồng doanh thu, tăng 24%; 184 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 31% so với năm 2019. Năm 2021, Công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế tăng 5 lần, đạt 917 tỷ đồng, với kỳ vọng các dự án năng lượng mặt trời và bất động sản sẽ có “điểm rơi” doanh thu.

NVL cần vốn đầu tư bất động sản

Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (NVL) vừa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận phương án chào bán gần 77,67 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 59.200 đồng/cổ phiếu.

NVL cho hay, Công ty sẽ tiếp tục triển khai đầu tư các dự án bất động sản nên nhu cầu vốn trong năm nay tăng cao.

Công ty có kế hoạch sử dụng gần 4.600 tỷ đồng từ đợt phát hành trên để góp vốn vào công ty con là Công ty cổ phần Nova Hospitality, công ty này sẽ đầu tư quỹ đất tại phường Mũi Né, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Cụ thể, Nova Hospitality sẽ mua cổ phần Công ty cổ phần Nova Final Solution, đơn vị đang gián tiếp sở hữu hầu hết cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư Tổng hợp Mũi Né (thông qua một công ty con là Công ty TNHH Bất động sản An Khánh).

Tổng hợp Mũi Né hiện là chủ đầu tư các dự án có tổng diện tích đất được phê duyệt gần 660 ha và diện tích mặt nước hơn 80 ha.

APH và AAA: Mẹ và con cùng tăng vốn

Ngày 5/2/2021, Công ty cổ phần Nhựa An Phát Xanh (AAA) sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2021 để thông qua phương án bán đấu giá 75 triệu cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.

Trước đó, công ty mẹ của AAA là Tập đoàn An Phát Holdings (APH) đã thông qua phương án phát hành thêm hơn 55,7 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 40% tổng số cổ phiếu sau phát hành. Số tiền huy động dự kiến gần 560 tỷ đồng sẽ dùng để nâng tỷ lệ sở hữu tại AAA.

FMC muốn mở rộng kinh doanh tôm

Với Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC), doanh nghiệp này đăng ký phát hành hơn 9,8 triệu cổ phiếu, giá bán 25.000 đồng/cổ phiếu, nhằm huy động hơn 245 tỷ đồng để phục vụ công tác đầu tư mở rộng xây dựng Nhà máy thủy sản Sao Ta, chế biến tôm cao cấp, góp phần mở rộng quy mô kinh doanh tôm. Công ty dự kiến chốt danh sách cổ đông hưởng quyền mua cổ phiếu phát hành thêm vào ngày 26/2/2021.

SAM liên tục huy động vốn

Sau khi huy động thành công 300 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 9/2020, Công ty cổ phần SAM Holdings (SAM) đang chuẩn bị chào bán 93,49 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, ngày 18/1/2021 là ngày đăng ký cuối cùng.

Doanh nghiệp ước tính huy động 934,93 tỷ đồng, trong đó sẽ dùng 100 tỷ đồng mua lại toàn bộ cổ phần tại Công ty cổ phần Capella Quảng Nam, đồng thời dùng 491,8 tỷ đồng tăng vốn tại công ty này để đầu tư dự án Khu công nghiệp Tam Thăng 2; dùng 343,1 tỷ đồng tăng vốn tại Công ty cổ phần Địa ốc Sacom để tài trợ cho dự án Khu dân cư Nhơn Trạch.

GEX muốn huy động 3.500 tỷ đồng

Tổng công ty cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam (GEX) lên kế hoạch phát hành 292,95 triệu cổ phiếu để huy động 3.500 tỷ đồng.

Theo đó, doanh nghiệp sẽ dùng 1.800 tỷ đồng đầu tư vào dự án điện gió ở Quảng Trị; 500 tỷ đồng phát triển dự án bất động sản tại số 10 Trần Nguyên Hãn và 27 - 29 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; 1.215 tỷ đồng dùng bổ sung vốn cho đơn vị thành viên, cũng như bổ sung vốn lưu động.

HNG cơ cấu lại nợ

Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) đã thông qua phương án chào bán hơn 741 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong đó, HNG sẽ chào bán 550 triệu cổ phiếu để hoán đổi nợ và số tiền huy động từ hơn 191 triệu cổ phiếu còn lại sẽ dùng để bổ sung vốn hoạt động.

HNG có lỗ lũy kế hơn 2.000 tỷ đồng, không đủ điều kiện để chào bán cổ phiếu ra công chúng nên thực hiện phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược.

Nếu huy động hơn 7.414 tỷ đồng thành công, HNG sẽ hoán đổi hầu hết khoản nợ của Công ty cổ phần Nông nghiệp Trường Hải (Thagrico), qua đó cải thiện các chỉ số tài chính.

Ngoài ra, Công ty sẽ bổ sung vốn vốn lưu động để tiếp tục đầu tư, sản xuất - kinh doanh theo chiến lược và kế hoạch giai đoạn 2021 - 2023, nhằm đảm bảo tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp quy mô lớn với nền tảng hữu cơ.

Từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008,VN-Index lập đỉnh mới sau 10 năm, đạt ngưỡng 1.200 điểm vào tháng 4/2018. Trong giai đoạn thị trường chứng khoán bùng nổ cuối năm 2017, đầu năm 2018, tận dụng sự hưng phấn của thị trường, nhiều doanh nghiệp phát hành cổ phiếu huy động vốn, các thương vụ thoái vốn nhà nước, phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) cũng được đẩy mạnh thực hiện.

Ngưỡng 1.200 điểm của VN-Index duy trì khoảng 2 tuần thì chỉ số sụt giảm, dao động trong khoảng 900 - 1.000 điểm, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra dẫn tới chứng khoán toàn cầu bị bán tháo.

Từ tháng 4/2020 đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam lại bùng nổ theo xu hướng chung của chứng khoán toàn cầu sau khi lao dốc vì dịch bệnh

Covid-19, VN-Index từ dưới 700 điểm tiến lên sát ngưỡng 1.200 điểm vào cuối tuần qua. Thanh khoản tính riêng trên sàn HOSE gần đây đạt 17.000 - 18.000 tỷ đồng/phiên. Chứng khoán tăng điểm được coi là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp huy động vốn thành công.

Tin bài liên quan