Tiền tệ và lạm phát thêm biến số
Nếu như đầu năm 2021, đồ thị “chấm” (thể hiện quan điểm về tăng/giảm lãi suất) của các thành viên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) còn chung quan điểm lãi suất năm 2022 sẽ giống năm 2021 là một đường đi ngang, thì sau cuộc họp giữa tháng 6 vừa qua, bản đồ đã có sự thay đổi.
Nhiều thành viên Fed kỳ vọng, sau 2 - 3 năm nữa, nền kinh tế sẽ quay lại thời kỳ trước dịch Covid-19. Theo đó, lãi suất năm 2021 vẫn giữ mức 0 - 0,25%/năm, năm 2022 sẽ nhích lên và đến năm 2023 đạt 0,75%/năm.
Trên thị trường có những thảo luận sôi nổi về lạm phát với 2 nhóm quan điểm rõ rệt từ giới chuyên gia. Nhóm thứ nhất quan ngại khả năng xảy ra siêu lạm phát khi các nước in nhiều tiền và giá cả các loại hàng hóa tăng cao, có những mặt hàng đạt mức cao nhất 10 năm qua.
Nhóm ngược lại, trong đó có các thành viên Fed và nhiều nhà kinh tế cho rằng, lạm phát cao ở Mỹ và châu Âu chỉ là ngắn hạn, do thị trường mới mở cửa trở lại, cung chưa đáp ứng kịp cầu.
Khi cung tăng lên, cuối năm nay sẽ chứng kiến sự đi xuống của giá cả hàng hóa. Bởi vậy, các các nước châu Âu và Mỹ hầu như không có phản ứng chính sách trước việc lạm phát tăng hiện nay.
Giới đầu tư có câu “Đừng bao giờ chống lại Fed”, bởi vậy, quan điểm của các thành viên Fed là một chỉ báo quan trọng cần tham khảo với các nhà đầu tư cá nhân.
Với Việt Nam thì sao? Việt Nam đang có một sự khác biệt cơ bản với các nền kinh tế khác. Nếu như đầu năm nay, dịch Covid-19 được kiểm soát tốt và các nhà đầu tư lạc quan, thì thời điểm hiện tại, đợt dịch thứ tư từ cuối tháng 4 đến nay vẫn đang có diễn biến phức tạp.
Từ tháng 3 đến tháng 6, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng bắt đầu có xu hướng tăng, nhưng nay đã giảm trở lại. Khả năng thắt chặt tiền tệ trong bối cảnh doanh nghiệp và nền kinh tế gặp khó khăn được giới chuyên gia nhìn nhận ở mức thấp.
Chưa kể, để đảm bảo tăng trưởng GDP theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đặt ra, cung tiền cần được nới rộng hơn trong nửa cuối năm.
Trong một cuộc tọa đàm của giới chuyên gia chứng khoán gần đây đều có chung nhận định, năng lực quản trị của hệ thống ngân hàng cũng như năng lực điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước ngày càng tốt hơn, nên chắc chắn sẽ không có giai đoạn siêu lạm phát xảy ra. Thậm chí, trong 10 năm tới, lạm phát có thể dao động quanh mức 3%, nếu thuận lợi có thể về dưới 2%. Đây sẽ là yếu tố tác động tích cực tới thị trường cổ phiếu.
Chiến lược đầu tư
Ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc SGI Capital nhận định, từ đầu năm 2021 đến nay, VN-Index tăng hơn 20%, nhiều cổ phiếu tăng 50 - 70%, tức là kỳ vọng đã phản ánh vào giá cổ phiếu. Kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp có thể tiếp tục tăng trưởng, nhưng trong nửa cuối năm sẽ kém thuận lợi.
“Nhà đầu tư nên nắm giữ cổ phiếu mà quý II và quý III có kết quả kinh doanh xuất sắc, đồng thời dự phòng kịch bản thị trường điều chỉnh trong nửa cuối năm”, ông Phúc nói.
Ông Trần Anh Hùng, chuyên gia chứng khoán cho rằng, nhiều cổ phiếu hiện chỉ có khả năng tăng giá thêm 10%, nếu giá tăng thì nhà đầu tư sẽ bán ra chốt lãi, nên rủi ro gia tăng.
Biến động của các cổ phiếu vừa và nhỏ thường mạnh hơn thị trường chung, nên rủi ro của nhóm này lớn hơn các cổ phiếu lớn.
Theo dõi thị trường nhiều năm, ông Hùng cho biết, thị trường sẽ tạo đỉnh khi xuất hiện các dấu hiệu sau: cổ đông lớn và lãnh đạo doanh nghiệp liên tục đăng ký bán ra cổ phiếu; dư nợ giao dịch ký quỹ (margin) ở mức cao; hầu hết nhà đầu tư có tâm lý lạc quan và hô hào mua vào; nhiều chuyên gia nhận định, thị trường sẽ tiếp tục tăng mạnh; nhóm cổ phiếu trụ dẫn dắt thị trường có giá dao động quanh vùng đỉnh hoặc giảm, còn nhóm cổ phiếu nhỏ đồng loạt tăng vọt; nhiều nhà đầu tư bán ra cắt lỗ sau khi mua vào ở các điểm bứt phá; chỉ số chứng khoán liên tục giảm trên 2%/phiên; phần lớn doanh nghiệp đã thực hiện xong kế hoạch tăng vốn, phát hành thêm cổ phiếu.
Tuy nhiên, nhà đầu tư không nên nhìn vào chỉ số chứng khoán, mà tập trung vào việc lựa chọn cổ phiếu, bởi dòng tiền luôn vận động và trên thị trường luôn có cơ hội.
Nhà đầu tư nên cơ cấu danh mục sang các mã chứng khoán đạt tiêu chí của phương pháp đầu tư CANSLIM, trong đó, chú trọng yếu tố lợi nhuận tăng trưởng vượt trội, hoặc tập trung vào dòng cổ phiếu “thiên thời” (được truyền thông liên tục nhắc đến như dòng bất động sản công nghiệp, chứng khoán, cảng biển).
Chuyên gia Huỳnh Tuấn đến từ FIDT nhận xét, P/E hiện tại của thị trường chứng khoán Việt Nam đang xoay quanh mức 18 lần, là thị trường có mức định giá thấp thứ ba trong khu vực (thị trường Ấn Độ và Thái Lan có P/E trên 35 lần).
Nếu các tháng cuối năm, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) của các doanh nghiệp tiếp tục tăng thì định giá thị trường có thể giảm về 17 lần, tương đối hấp dẫn để đầu tư.
Mặc dù vậy, thị trường đang phải đối mặt với rủi ro khi “khoảng trống” giữa kinh tế thực và thị trường chứng khoán “nở ra”, định giá ở một số doanh nghiệp lên mức quá cao… Tâm lý nhà đầu tư thay đổi có thể tạo ra sự đảo chiều nhanh chóng của giá chứng khoán.
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán TP.HCM
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, dự kiến đến hết tháng 6/2021, dư nợ trong lĩnh vực chứng khoán đạt 46.700 tỷ đồng, chiếm khoảng 0,48% tổng dư nợ nền kinh tế.
Thực tế, dư nợ tín dụng chứng khoán không nhiều và chưa bằng một nửa dư nợ giao dịch ký quỹ (margin) khoảng 120.000 tỷ đồng hiện nay.
Đối với lĩnh vực bất động sản, mức tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm nay là 4,84%, dự kiến tăng lên 5,5% khi kết thúc tháng 6/2021, vẫn thấp so với mọi năm và có khả năng thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế.
Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu hạ nhiệt do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược, Công ty Chứng khoán VPS
Có giai đoạn, nhà đầu tư đổ xô vào kênh chứng khoán, tạo “sóng” ào ạt; có giai đoạn, thị trường bình lặng, giao dịch trầm lắng…
Đó là những diễn biến bình thường, không đáng lo ngại, chỉ là cơ hội đầu tư ngắn hạn trở nên ít hay nhiều hơn.
Nhiều cơ hội sẽ khiến nhà đầu tư dễ dàng lựa chọn và tham gia, trong khi ít cơ hội thì chỉ một bộ phận nhà đầu tư khai thác và tận dụng được.
Hiện tại, trong bối cảnh dòng tiền và thanh khoản ngày một cải thiện, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn hấp dẫn đầu tư và có triển vọng phát triển.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng
Dòng tiền vẫn đang xoay vòng tìm cơ hội ở các nhóm cổ phiếu.
Dòng tiền có thể rời bỏ nhóm ngân hàng, chứng khoán…, vốn đã tăng giá mạnh trong thời gian dài và chuyển sang những ngành mang tính thực chất cho kinh tế, có tiềm năng tăng giá nhiều hơn vì mức tăng trước đó chưa nhiều như nguyên vật liệu, thủy sản, năng lượng, mía đường, vận tải, bảo hiểm…
Tuy nhiên, trong giai đoạn 6 tháng cuối năm, tôi nghĩ, dòng tiền sẽ hạn chế hơn.
Các nhà đầu tư cá nhân bắt đầu có dấu hiệu “đuối sức” khi giá nhiều cổ phiếu đang ở vùng đỉnh, cần dòng tiền mạnh hơn để tiếp tục tăng. Trong khi đó, nhóm nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài hạn chế mua vào. Theo đó, thị trường sẽ chững lại đà tăng, thậm chí điều chỉnh giảm.
Ông Tôn Tích Quý, Chuyên gia chứng khoán
Nhiều công ty chứng khoán đang tăng vốn, ngân hàng cũng tăng vốn, thanh khoản dồi dào trở lại, vậy tiền sẽ chảy vào đâu? Sẽ có một phần vào chứng khoán.
Thị trường chứng khoán hiện chưa đạt đỉnh. Thứ nhất, thị trường đạt đỉnh khi hầu hết nhà đầu tư đều hưng phấn, mua mã nào cũng gần như sẽ có lãi, các công ty chứng khoán tiếp tục nhận định chỉ số còn tăng… Trong khi đó, tâm lý nhà đầu tư nhìn chung đang thận trọng, công ty chứng khoán càng thận trọng hơn. Thứ hai, thị trường đạt đỉnh khi nhóm cổ phiếu nhỏ đồng loạt tăng giá mạnh sau khi các cổ phiếu lớn tăng giá, nhưng hiện nay, dòng cổ phiếu nhỏ này đang có sắc đỏ.
Ngược lại, thị trường cũng không thể “sập” (sụt giảm mạnh - PV), bởi các nhóm cổ phiếu đang tăng giảm giá đan xen và chưa có dấu hiệu rõ ràng về động thái phân phối (bán ra và thoát khỏi thị trường - PV) của các nhà đầu tư lớn - thời gian qua, họ rút vốn ở dòng cổ phiếu này, nhưng đầu tư vào dòng cổ phiếu khác.
Hiện tại, VN-Index đứng trước ngưỡng 1.400 điểm, nhà đầu tư có tâm lý dè dặt là hợp lý. Thị trường cần đi ngang, tích lũy, lấy đà để vượt qua 1.400 điểm, hướng đến 1.450 điểm. Tôi tin, chỉ số sẽ lập đỉnh mới khi các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh quý II. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên quan tâm đến cổ phiếu “khỏe”, thay vì quan tâm đến điểm số.