Thị trường chứng khoán sụt giảm không đồng nghĩa với nền kinh tế suy yếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhà kinh tế học và các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cho biết, sự hỗn loạn trong vài tuần qua của thị trường chứng khoán không có nghĩa là đà hồi phục của nền kinh tế sắp trật bánh, mà là sự phục hồi đang chín muồi và không còn cần đến lãi suất thấp nữa.
Thị trường chứng khoán sụt giảm không đồng nghĩa với nền kinh tế suy yếu

Trong khi nền kinh tế toàn cầu đã phục hồi mạnh mẽ sau cuộc suy thoái do đại dịch gây ra vào đầu năm 2020, thị trường chứng khoán cũng đạt được những hiệu suất ngoạn mục. Giữa mức đáy vào tháng 3/2020 và mức cao kỷ lục vào ngày 3/1/2022, chỉ số S&P 500 đã tăng 114%. Hiện tại, bất chấp nền kinh tế năm 2021 tăng trưởng nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 1984, chỉ số S&P 500 vẫn giảm khoảng 8% so với mức đỉnh ngày 3/1.

Hôm 26/1, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, sự sụt giảm của thị trường chứng khoán sẽ không gây hại cho sự phục hồi kinh tế. Ông cho biết, đây là một phản ứng tự nhiên đối với việc Fed đã lên kế hoạch loại bỏ các chương trình kích thích khẩn cấp được thực hiện khi bắt đầu đại dịch đã giúp nâng cao giá tài sản.

“Chúng tôi cảm thấy những thông điệp mà chúng tôi truyền tải với những người tham gia thị trường, với công chúng nói chung đang hoạt động hiệu quả và điều kiện tài chính đang phản ánh trước những quyết định mà chúng tôi đưa ra”, ông Powell cho biết.

Giá tài sản có liên quan đến nền kinh tế theo một số cách. Giá tài sản phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư về tăng trưởng trong tương lai. Các đợt suy thoái thường diễn ra trước sự sụt giảm đáng kể của thị trường chứng khoán. Trong khi các nhà kinh tế được The Wall Street Journal khảo sát trong tháng này đặt xác suất suy thoái trong 12 tháng tới chỉ ở mức 18%, thì họ cho rằng tăng trưởng sẽ chậm lại đáng kể trong quý này.

Mặt khác, giá tài sản cũng ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế thông qua “hiệu ứng của cải”.

Thị trường chứng khoán tăng cao tạo điều kiện cho danh mục đầu tư hưu trí và các hình thức giàu có khác có thể khiến người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn. Tương tự như vậy, khi thị trường chứng khoán đi xuống, mọi người cảm thấy nghèo hơn và có thể ít vung tiền hơn.

Một nghiên cứu trong năm ngoái của các nhà kinh tế học tại Đại học Harvard, Trường Kinh doanh Na Uy và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã định lượng “hiệu ứng của cải” và ước tính rằng, các hộ gia đình Mỹ chi tiêu 3,2 xu cho mỗi đô la tăng thêm mà họ nhận được từ giá cổ phiếu tăng.

Dữ liệu của Fed cho thấy, trong quý III/2021, giá trị tài sản tài chính mà các hộ gia đình Mỹ nắm giữ gần như cao hơn 32%, tương đương 27,5 nghìn tỷ USD so với quý I/2020 khi đại dịch lần đầu tiên xảy ra ở Mỹ.

Đồng thời, theo Bộ Thương mại Mỹ, chi tiêu của người tiêu dùng chưa điều chỉnh theo lạm phát đã tăng 13,2% trong khoảng thời gian từ quý I/2020 đến quý IV/2021.

Theo một nghiên cứu của Ricardo Caballero và Alp Simsek thuộc MIT, các quan chức Fed đã tận dụng hiệu ứng của cải khi cố gắng đưa nền kinh tế thoát khỏi suy thoái. Bằng cách giảm lãi suất hoặc mua trái phiếu, những điều này làm tăng giá tài sản trong thời kỳ phục hồi, Fed sẽ thúc đẩy các cổ đông chi tiêu nhiều hơn và làm thúc đẩy nhu cầu.

Khi các quan chức Fed xác định nền kinh tế không còn cần sự hỗ trợ như vậy nữa, họ báo hiệu rằng sẽ giảm bớt việc mua tài sản và tăng lãi suất. Kết quả là thị trường chứng khoán sụt giảm.

Ông Caballero cho biết, Fed đã báo hiệu rằng họ sẽ ngừng mua trái phiếu và bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3 để giảm lạm phát đang cao hơn nhiều so với mục tiêu 2%. Đó không phải là dấu hiệu của suy thoái, mà là một dấu hiệu cho thấy sự phục hồi đang chuyển sang một giai đoạn mới, lý tưởng là giai đoạn được đặc trưng bởi sự tăng trưởng được đo lường trong dài hạn.

“Chúng ta đang ở thời điểm mà tổng cầu bằng với mức cung hiện tại. Tốc độ phục hồi trong tương lai sẽ phụ thuộc phần lớn vào tốc độ phục hồi của tổng cung”, ông cho biết.

Joel Naroff, chủ tịch của Naroff Economics cho biết, sự giàu có vẫn cao hơn nhiều so với trước đại dịch, điều này sẽ giúp người tiêu dùng thoát khỏi sự biến động mạnh của thị trường chứng khoán trong vài tuần qua.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, nhà kinh tế trưởng Matthew Luzzetti tại Deutsche Bank Securities cho biết, giá tài sản thấp hơn cùng với việc chấm dứt thanh toán tín dụng thuế trẻ em liên bang và sự kìm hãm tiếp tục của Covid-19 sẽ làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng.

“Ảnh hưởng của sự giàu có tạo ra nhiều sự không chắc chắn hơn về triển vọng và khó có thể đo lường lượng được”, ông cho biết.

Mặt khác, giá cổ phiếu giảm có thể có mặt tích cực: Bằng cách hạ nhiệt nhu cầu, điều này cũng có thể giảm bớt một số áp lực đối với lạm phát. Ông Luzzetti cho biết, giá tài sản thấp hơn cũng có thể khiến việc nghỉ hưu trở nên kém hấp dẫn hơn đối với một số người lao động lớn tuổi, điều này có thể giảm bớt tình trạng thiếu lao động.

Một nghiên cứu của Fed bang St. Louis đã kết luận rằng, giá trị tài sản tài chính và bất động sản cao hơn chiếm khoảng 15% tổng mức suy giảm tham gia lực lượng lao động ở những người từ 51 đến 65 tuổi từ tháng 1/2020 đến tháng 9/2021 tại Mỹ.

Hiện tại, Fed dường như không quan tâm đến thị trường chứng khoán. Phát biểu với các phóng viên hôm thứ 26/1, ông Powell cho biết, đang tập trung vào rủi ro lạm phát cao, điều này yêu cầu lãi suất phải tăng nhanh trở lại.

Dana Peterson, nhà kinh tế trưởng tại Conference Board cho biết, điều đó có thể dẫn đến sự sụt giảm thêm của thị trường chứng khoán. “Thực sự sẽ là cuộc chiến kéo dài trong năm nay về mức độ phản ứng của thị trường đối với các hành động của Fed và mức độ mà Fed phớt lờ thị trường khi chỉ quan tâm đến kiểm soát lạm phát”.

Tin bài liên quan