113.674 tài khoản chứng khoán được mở mới trong tháng 5/2021.

113.674 tài khoản chứng khoán được mở mới trong tháng 5/2021.

Thị trường chứng khoán: Sức mạnh dòng tiền nội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Điểm số và thanh khoản thị trường chứng khoán trong nước liên tục lập kỷ lục mới trong bối cảnh lượng tài khoản mở mới ghi nhận mức cao nhất trong tháng 5 vừa qua.

F0 tiếp tục nhập cuộc mạnh mẽ

Chỉ số VN-Index đã đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua (5/6/2021) ở mức 1.374,05 điểm, cao nhất trong lịch sử, tăng hơn 50 điểm so với giá đóng cửa một tuần trước đó. Thanh khoản cũng ghi nhận kỷ lục mới với 31.308 tỷ đồng trên sàn HOSE. Tính trên toàn thị trường, giá trị giao dịch trong phiên này lên tới gần 39.000 tỷ đồng.

Sau chuỗi tăng ấn tượng trên, thị trường đã trải qua 2 phiên giảm mạnh đầu tuần này với việc VN-Index mất gần 60 điểm, nhưng thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức cao với trên 30.000 tỷ đồng/phiên trên HOSE.

Dòng tiền bắt đáy chảy mạnh giúp thị trường đã hồi phục mạnh trở lại trong phiên thứ Tư (9/6), thanh khoản dù sụt giảm, nhưng vẫn duy trì ở mức trên 25.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là dòng tiền của nhà đầu tư nội khi nhà đầu tư ngoại tiếp tục bán ròng tới 650 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phòng Phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam thốt lên: “Sau 11 năm phân tích chứng khoán, tôi chưa từng thấy giai đoạn nào khủng khiếp thế này. Với giá trị thanh khoản trên 1 tỷ USD, chứng khoán Việt Nam tuy còn cách xa Thái Lan (2,5 tỷ USD) song thật sự đã vượt qua Singapore và bỏ xa Philippines”.

Từ cuối năm 2020 đến nay, giá trị giao dịch trên hai sàn HOSE và HNX dần nhích từ 15.000 đến 18.000 rồi 20.000, 27.000 và 30.000 tỷ đồng và đang hướng tới con số 40.000 tỷ đồng. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, con số này luôn đạt trên 20.000 tỷ đồng/phiên, gấp khoảng 4 lần cùng kỳ năm 2020.

Việc dòng tiền chảy mạnh vào thị trường chứng khoán được giới chuyên gia lý giải là do người dân tin tưởng vào năng lực kiểm soát dịch Covid-19 của Chính phủ.

Dịch bệnh cũng khiến nhiều lĩnh vực sản xuất – kinh doanh gặp khó khăn, trong khi đầu tư bất động sản đòi hỏi vốn lớn, rủi ro cao; giá vàng biến động khó lường khiến dòng tiền tìm đến kênh chứng khoán.

Ngoài ra, hai yếu tố được cho là cú huých “then chốt” của thị trường chứng khoán là lãi suất ngân hàng đang được duy trì ở mức thấp và vai trò tích cực của nhà đầu tư cá nhân, cụ thể là làn sóng nhập cuộc mạnh mẽ của các nhà đầu tư mới (F0) .

Theo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), có tới 113.674 tài khoản chứng khoán được mở mới trong tháng 5/2021, trong đó có 113.543 tài khoản của nhà đầu tư cá nhân, phá các kỷ lục được xác lập trước đó. Đến cuối tháng 5, số tài khoản chứng khoán trên thị trường Việt Nam đạt hơn 3,25 triệu tài khoản, tương đương 3,2% tổng dân số.

Đánh giá nguyên nhân chứng khoán trở thành kênh đầu tư thu hút nhà đầu tư cá nhân như hiện nay, bà Đỗ Quỳnh Chi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ mới Việt Nam (VnServices) cho rằng, so với các kênh gửi tiết kiệm, đầu tư vàng hay bất động sản…, đầu tư chứng khoán có những ưu điểm vượt trội.

Đó là rào cản gia nhập thị trường thấp, dễ dàng định giá, thanh khoản tốt, gia tăng giá trị nhanh… Chỉ cần vài triệu đồng trong tay, nhà đầu tư đã có thể bắt đầu tham gia đầu tư chứng khoán, giá trị khoản đầu tư được nhìn thấy hàng ngày hàng giờ, mua và bán dễ dàng.

Đáng lưu ý, mặc dù trong nửa năm nay, khối ngoại liên tục xả ròng hơn 25.000 tỷ đồng nhưng dòng vốn nội vẫn hấp thụ được hết lượng cổ phiếu bị xả ròng đó. Một chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, kể cả những giai đoạn giảm điểm, dòng tiền của nhà đầu tư vẫn không rút lui khỏi thị trường mà neo lại trên tài khoản để chờ đợi “điểm rơi” mới.

Dòng tiền cá nhân nâng đỡ chỉ số, nhưng tiềm ẩn rủi ro

Câu chuyện lớp lớp nhà đầu tư cá nhân mở tài khoản đầu tư chứng khoán giai đoạn này là tín hiệu đáng mừng đối với tương lai của thị trường chứng khoán Việt Nam, giúp thị trường chứng khoán được biết đến rộng rãi hơn và tạo điều kiện cho các đợt huy động vốn mới của các doanh nghiệp trên sàn thành công.

Song theo nhận xét của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường tài chính trong ngắn hạn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tâm lý nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro về định giá thông tin sai lệch, đưa thị trường vào trạng thái bất ổn định. Hai phiên giảm mạnh với loạt lệnh bán tháo đầu tuần này đã minh chứng cho điều đó.

Dòng vốn của nhà đầu tư cá nhân trong nước đang quá lớn, chiếm tới hơn 90%. Để thị trường phụ thuộc vào nhà đầu tư cá nhân cũng tiềm ẩn rủi ro

Ông Nguyễn Thế Minh , Giám đốc Phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Từ góc nhìn của người trong cuộc, anh Nguyễn Minh Trung (32 tuổi, nhân viên bán hàng ở Hà Nội), một nhà đầu tư F0 chia sẻ, anh bỏ hơn 1 tỷ đồng mua vào cổ phiếu SHB ở vùng giá 17.000 đồng/cổ phiếu.

Trong đợt thị trường điều chỉnh mạnh cuối tháng 1/2021, giá cổ phiếu SHB rơi xuống 13.000 đồng/cổ phiếu, bao nhiêu người vội vã bán ra. Đến khi giá cổ phiếu này nhích lên vùng 19.000 - 20.000 đồng, nhiều người vừa bán ra với giá 13.000 đồng/cổ phiếu lại ồ ạt mua vào. Nhờ kiên nhẫn đi qua vùng dao động, anh đã chốt lời 500 triệu đồng khi thị giá cổ phiếu này lên 25.000 đồng/cổ phiếu.

Anh Trung cho rằng, không giống nhà đầu tư tổ chức hoặc nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư cá nhân trong nước thường có tâm lý kém vững vàng, nên dễ bán ra khi giá cổ phiếu giảm và ồ ạt mua vào khi tăng giá.

Tỏ ra thận trọng với những đợt cao trào của chứng khoán Việt, TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính cảnh báo: “Cái gì phát triển quá nóng cũng thường đi kèm với rủi ro, trong đó có nguy cơ bong bóng”.

Bà Quỳnh Cao - Giám đốc phụ trách khách hàng tổ chức thuộc Công ty Chứng khoán SSI thì nhận định, "rủi ro điều chỉnh vẫn còn, xét tới việc thị trường bước vào giai đoạn có ít thông tin hơn và sổ cho vay ký quỹ của các công ty môi giới đã đầy".

Trong khi đó, Giám đốc Phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam – ông Nguyễn Thế Minh thì cho rằng, chỉ số P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại là 18 lần, thị trường sắp tới sẽ bước qua giai đoạn “rẻ” để chuyển sang giai đoạn “không còn rẻ”.

Theo ông Minh, thị trường có 3 giai đoạn: rẻ, không còn rẻ và cuối cùng là bong bóng. “Theo lẽ thông thường, khi chỉ số P/E chạm ngưỡng 18 là đã cảnh báo nguy cơ bong bóng, nhưng hiện tại sức khoẻ nền kinh tế vẫn tương đối tốt nên dù ở mức hơn 18 lần, chưa chắc đã bước vào giai đoạn bong bóng, mà chỉ đang ở giai đoạn không còn rẻ”.

Tuy nhiên, ông Minh nhấn mạnh, việc khối ngoại xả ròng suốt từ đầu năm đến nay không gây ảnh hưởng nhiều đến thị trường bởi chỉ chiếm khoảng 9% tổng giá trị giao dịch. Dòng vốn của nhà đầu tư cá nhân trong nước đang quá lớn, chiếm tới hơn 90%.

“Để thị trường phụ thuộc vào nhà đầu tư cá nhân cũng tiềm ẩn rủi ro. Đặt giả thiết khi thị trường giảm, phản ứng của nhà đầu tư cá nhân sẽ rất khủng khiếp”, ông Minh nói.

Tin bài liên quan