Do TTCK phái sinh lần đầu tiên được phát triển tại Việt Nam, nên mọi công việc chuẩn bị cho sự hình thành và phát triển của thị trường tương tự như chuẩn bị cho sự ra đời của TTCK cơ sở cách đây 14 năm. Trong đó, bao gồm 4 trụ cột quan trọng nhất là: xây dựng hệ thống pháp lý, chuẩn bị hạ tầng công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống pháp lý có liên quan.
Ban soạn thảo Nghị định về TTCK phái sinh đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo, để trong quý IV/2014, sẽ trình Chính phủ xem xét ban hành. Song song với xây dựng dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính, UBCK cũng đang xây dựng thông tư hướng dẫn, để ngay sau khi Nghị định được ban hành, hệ thống văn bản hướng dẫn mang tính kỹ thuật cũng sẽ sớm được ban hành, nhằm đảm bảo tính đồng bộ cho hệ thống pháp lý.
Cùng với tính toán xây dựng phương án chuẩn bị hạ tầng công nghệ, các chương trình đào tạo cho cán bộ quản lý, vận hành thị trường, cũng như các định chế tài chính trung gian và công chúng đầu tư, Bộ Tài chính, UBCK cũng đang tập trung xây dựng hệ thống pháp lý liên quan như: hệ thống chuẩn mực kế toán, kiểm toán hạch toán theo giá thị trường, chứ không hạch toán theo nguyên gốc như hiện tại; quy trình, quy chế phục vụ cho bán khống; hệ thống đối tác thanh toán bù trừ trung tâm (CCP); hệ thống vay và cho vay chứng khoán (SBL); chính sách thuế…
Vì tính chất quá mới của TTCK phái sinh, nên có một câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư thắc mắc, đó là việc phát triển TTCK phái sinh mang lại những giá trị gì?
Việc hình thành và phát triển TTCK phái sinh, trước hết là nhằm hoàn thiện cấu trúc thị trường theo thông lệ quốc tế. Đó là bên cạnh TTCK cơ sở hay còn gọi là thị trường giao ngay (cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ), thì còn có TTCK phái sinh (thị trường giao sau).
Một ý nghĩa quan trọng khác khi phát triển TTCK phái sinh, là hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường cơ sở cả trên phương diện phòng vệ rủi ro, lẫn gia tăng thanh khoản. Chẳng hạn, với thị trường cơ sở là thị trường trái phiếu chính phủ, khi phát triển thị trường phái sinh trái phiếu chính phủ, thì thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp trái phiếu chính phủ sẽ sôi động, bởi có nhiều cơ chế để hỗ trợ cải thiện thanh khoản.
Ông có thể phân tích kỹ hơn ý nghĩa phòng vệ rủi ro cho các thành viên tham gia thị trường, khi triển khai TTCK phái sinh?
Theo thông lệ quốc tế, mục tiêu ban đầu khi triển khai TTCK phái sinh là nhằm phòng vệ rủi ro. Tuy nhiên, sau này không thuần túy như vậy, bởi các thành viên thị trường sử dụng chính các công cụ phòng vệ rủi ro này để mua bán kiếm lời.
Theo Đề án xây dựng và phát triển TTCK phái sinh, tại sao các sản phẩm phái sinh đầu tiên được phát triển là chỉ số chứng khoán, trái phiếu chính phủ, thưa ông?
Sản phẩm phái sinh có hai công cụ là hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn.
Để phù hợp với thực tiễn Việt Nam, có hai yếu tố quan trọng khi xem xét ưu tiên phát triển các sản phẩm phái sinh: sản phẩm này dựa trên loại hàng hóa cơ sở có tính chất ít biến động; mức độ chuyên nghiệp của các đối tượng tham gia thị trường.
Trên cơ sở hai yếu tố này, thì việc lựa chọn chỉ số chứng khoán, trái phiếu chính phủ là các sản phẩm cơ sở đầu tiên để phát triển các sản phẩm phái sinh, là phù hợp với giai đoạn phát triển ban đầu của TTCK phái sinh tại Việt Nam.
Lý do là bởi, trái phiếu chính phủ gần như phi rủi ro. Hơn nữa, các thành viên tham gia trên thị trường trái phiếu chính phủ phần lớn là các ngân hàng thương mại, CTCK, các định chế tài chính chuyên nghiệp.
Lý do chọn chỉ số chứng khoán để làm cơ sở cho phát triển sản phẩm phái sinh, là bởi nếu ngay thời gian đầu mà dựa trên cổ phiếu, thì sẽ đối mặt với nhiều khó khăn do tính chất biến động phức tạp của loại hàng hóa này, trong khi các bộ chỉ số chứng khoán tuy được xây dựng dựa trên một rổ cổ phiếu, nhưng thường có mức độ biến động bình quân thấp hơn mức biến động của từng cổ phiếu trong rổ chỉ số này. Điều này cho phép chọn chỉ số chứng khoán để làm hàng hóa cơ sở cho phát triển các sản phẩm phái sinh theo hướng lành mạnh, đáp ứng được nhu cầu của công chúng đầu tư trong giai đoạn phát triển ban đầu của TTCK phái sinh.