Thị trường chứng khoán ngày 11/2: Chốt lời nếu thị trường giảm điểm

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ còn tiếp tục kéo dài diễn biến tích cực trong thời gian tới. Trong ngắn hạn, sự phân hóa có thể sẽ còn tiếp diễn với những phiên tăng giảm xen kẽ khi thị trường tiếp cận ngưỡng cản mạnh.
Thị trường chứng khoán ngày 11/2: Chốt lời nếu thị trường giảm điểm

ĐTCK lược trích nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 11/2.

"Sự phân hóa có thể sẽ còn tiếp diễn"

CTCP Chứng khoán FPT (FPTS)

Thị trường vẫn đang thể hiện tâm lý tích cực cùng xu thế đi lên có phần lạc quan hơn trong ngắn hạn.

Trong phiên 10/2, xu thế hồi phục một lần nữa trở lại vai trò chủ đạo trên cả hai sàn, diễn biến giằng co chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn buổi sáng và được thay thế dần bởi đà tăng khá tốt khi nhiều cổ phiếu thuộc nhóm bluechips tăng điểm trở lại và kèm theo đó là dòng tiền tiếp tục đổ mạnh vào thị trường. Thanh khoản vì thế vẫn giữ ở mức cao và tâm điểm của thị trường vẫn thuộc về một số cổ phiếu penny và mid-caps như FCN, FCM, FLC, LCG ....

Như chúng tôi đã đề cập, sự tích cực đến từ nhiều thông tin quốc tế và trong nước đã góp phần giảm bớt tâm lý lo ngại của nhà đầu tư về khả năng điều chỉnh của thị trường sau kỳ nghỉ Tết dài ngày.

Mặt khác, kỳ vọng về khả năng xuất hiện thêm thông tin hỗ trợ về nới room cho khối ngoại vẫn đang giữ vai trò điểm tựa tâm lý đối với những nhà đầu tư nắm giữ các cổ phiếu lớn có tỷ lệ sở hữu của khối ngoại cao.

Theo đó, chúng tôi vẫn giữ quan điểm thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ còn tiếp tục kéo dài diễn biến tích cực trong thời gian tới. Trong ngắn hạn, sự phân hóa có thể sẽ còn tiếp diễn với những phiên tăng giảm xen kẽ khi thị trường tiếp cận ngưỡng cản trên, tương ứng là mốc 560 điểm của VN-Index hay mốc 76 điểm của HNX-Index, tuy nhiên đây sẽ là cơ hội để nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng đối với những cổ phiếu cơ bản tốt, chưa tăng nhiều tại những thời điểm điều chỉnh xuất hiện.

"Chỉ số chưa chấm dứt giai đoạn điều chỉnh"

CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC)

Thị trường  tăng  điểm, hưng  phấn  trở lại trong  phiên 10/2.  Sau kỳ nghỉ lễ, chưa có nhiều thông tin kinh tế quan trọng được công bố. Thị trường vận động chủ yếu theo cung cầu.

Ngoài ra, kỳ vọng Chính phủ sớm ký quyết định chính thức về việc nới tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty niêm yết vẫn đang giúp duy trì kỳ vọng của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, thông tin nới “room” đã phản ánh đáng kể vào diễn biến giá cổ phiếu trong suốt thời gian qua, do vậy khi thông tin được công bố chính thức, tác động còn lại đối với diễn biến thị trường có thể sẽ không còn nhiều.

Do vậy, nhà đầu tư không nên đặt kỳ vọng quá cao vào khả năng thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm mạnh nhờ thông tin trên.

Trong ngắn hạn, nhà  đầu tư  đươc  khuyến  nghị  chỉ  duy  trì  danh mục cổ phiếu ở mức trung bình thấp. Mặc dù thị trường tăng điểm khá hưng phấn trong phiên 10/2 nhưng khả năng chỉ số chưa chấm dứt giai đoạn điều chỉnh vẫn đang được đánh giá cao.

Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể tăng cường hoạt động “trading” cho danh mục ngắn hạn trong giai đoạn hiện tại nhằm tối ưu hiệu quả đầu tư.

"Tiếp tục tin tưởng vào nhóm Midcap "

CTCP Chứng khoán Đầu tư Việt Nam  (IVS)

Thị trường nhanh chóng tìm lại sự hứng khởi sau một phiên bị bán mạnh. Dòng tiền nội đã tạo sự hưng phấn khi một loạt các cổ phiếu bất động sản như NTL, HAG, HBC,... tăng trần. Chính điều này đã khiến dòng tiền đang đứng ngoài quay trở lại thị trường, khi ở cuối ngày mức độ giao dịch bắt đầu tăng lên nhanh chóng.

Đây là phiên thứ 3 sau kỳ nghỉ lễ Tết và có thể dòng tiền này sẽ mang một kỳ vọng mới.

Tuy nhiên, cây nến tăng điểm ở phiên 10/2 chưa đủ dài bao phủ lên cây nến giảm điểm trước đó nên chưa thể khẳng định là nhịp tăng sẽ là bền vững. Nhưng dù thế nào thị trường vẫn đang có một sức hút rất lớn và đầy tiềm năng. Nó vẫn đang tạo ra những cơ hội, nhưng không phải cổ phiếu nào cũng đều tăng giá trong giai đoạn này mà nó đòi hỏi nhà đầu tư phải tìm kiếm và phân tích thấu đáo hơn.

Chúng tôi vẫn tin tưởng vào nhóm cổ phiếu Midcap sẽ là đầu tàu cho nhịp tăng điểm tới đây. Vì thế, ở những nhịp giảm điểm sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư mua vào, bởi có thể chỉ số vẫn tiếp tục bị nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn làm sai lệch.

"Khối ngoại duy trì quan điểm tích cực"

CTCP Chứng khoán MB (MBS)

Thị trường 10/2 đi lên khi cả VN-Index và HN-Index cùng tăng điểm, thanh khoản ở mức trung bình khá. Cổ phiếu đáng chú ý trong rổ VN30 có HAG (tăng trần).

Các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trong phiên, hoạt động giao dịch ở mức cao. Giao  dịch  đáng chú  ý của họ  gồm có BID (mua vào 13.8 tỷ) và TRA (bán ra 10.4 tỷ).

Sau một vài phiên điều chỉnh với biên độ nhỏ, thị trường tăng điểm với lực mua tương đối tốt.

Việc các nhà đầu tư nước ngoài duy trì quan điểm tích cực về thị trường qua việc mua ròng cũng có tác động tốt đến tâm lý thị trường nói chung.

"Chốt lời nếu giá trượt xuống trở lại"

CTCP Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE)

Thị trường bừng tỉnh trong phiên 10/2 với đà tăng càng lúc càng mạnh dần, đẩy VN-Index lên 1,1%, chốt phiên ở mức 556 điểm. Đa số các mã đều đồng loạt tăng điểm, trong đó nhóm bất động sản hay vận tải tăng rất vững. Một số mã “nóng” trước đây (như VHG) cũng có dấu hiệu củng cố. Dòng tiền trên thị trường rất dồi dào, giao dịch đã thoát khỏi trạng trái chậm chạp kém thanh khoản sát Tết.

Khối ngoại mua ròng nhẹ 300.000 cổ phiếu trong phiên. Con số này rõ ràng là kém ấn tượng hơn nhiều so với mức mua ròng tổng cộng hơn 60 triệu cổ phiếu trong tháng 1/2014.

Chúng tôi cho rằng một điều may mắn của thị trường Việt Nam là trở lại giao dịch sau khi thị trường quốc tế đã tạm thời bình ổn sau đợt bán tháo. Việc các nhà đầu tư nước ngoài giảm mua ròng trong ba phiên sau Tết chưa đủ để có một kết luận rõ ràng, nhưng giả thiết của chúng tôi là có thể họ sẽ thận trọng hơn nếu thị trường thế giới bị xáo trộn mạnh trở lại.

Trên đồ thị, thị trường tăng trở lại sau ba phiên giảm giá liên tục dẫn tới giá hầu như không đổi trong khoảng gần 10 phiên gần nhất. Do đó, chúng tôi cho rằng phiên tăng điểm, dù đáng mừng với nhiều nhà lướt sóng rất ngắn hạn, không tạo ra điểm nhấn ý nghĩa.

Từ cái nhìn kỹ thuật, chúng tôi cho rằng biến động 10 phiên gần đây chỉ là một giai đoạn tích lũy. Mô hình cái cờ như hiện tại tương đối khó giao dịch cho đa số các nhà đầu tư ngắn hạn: giá tăng vọt rất mạnh trước khi đi ngang tích lũy dẫn tới khó đặt các điểm dừng lỗ.

 Vẫn như các khuyến nghị gần đây, chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ vị thế với các trailing stops để chốt lời nếu giá trượt xuống trở lại. Các nhà đầu tư muốn gia tăng tỷ trọng nên chờ khi VN-Index có mức cao mới, khi đó mức dừng lỗ khuyến nghị là khoảng 548 điểm.

"Thị trường điều chỉnh hoặc đi ngang"

CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)

Sau hai phiên giảm điểm vào cuối tuần trước, phiên đầu tuần thị trường đã tăng mạnh trở lại trên hai sàn. Sau khoảng thời gian lưỡng lự tại mốc tham chiếu vào buổi sáng, các chỉ số bắt đầu bứt phá và tăng mạnh theo thời gian cho đến cuối phiên, thanh khoản tiếp tục đứng ở mức cao so với các phiên trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Khối ngoại vẫn duy trì việc mua ròng dù không còn khá mạnh như thời điểm trước Tết và phiên này dòng tiền của khối này tập trung vào mã BID của Ngân hàng BIDV vừa lên sàn thời gian gần đây.

Ngoài ra, những số liệu kinh tế vĩ mô của tháng đầu năm khá tốt, dự báo nhiều triển vọng cho nền kinh tế Việt Nam tiếp tục có những bước phát triển trong năm Giáp Ngọ này.

Từ những cơ sở đó chúng tôi vẫn giữ quan điểm lạc quan cho xu hướng trung và dài hạn của thị trường, tuy nhiên đối với các quan điểm đầu tư ngắn hạn thì thời điểm hiện nay cần cẩn trọng hơn trong quyết định giải ngân bởi sau đợt tăng mạnh trước đó, khả năng điều chỉnh hoặc đi ngang của thị trường là không khó tránh khỏi.

Tin bài liên quan