Dòng tiền vẫn miệt mài vào thị trường.

Dòng tiền vẫn miệt mài vào thị trường.

Thị trường chứng khoán: Giải lời nguyền tháng 5

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hoạt động phát hành thêm sôi động được kỳ vọng sẽ giúp thị trường tháng 5 không vắng vẻ như thông lệ “bán và đi chơi” như nhiều năm trước.

Những kế hoạch tham vọng

Tại đại hội cổ đông của Tổng công ty Vinaconex (mã VCG) tổ chức vào tuần này, doanh nghiệp sẽ trình kế hoạch phát hành cổ phiếu và trái phiếu có tổng giá trị lên tới 5.000 tỷ đồng. Đây sẽ là nguồn bổ sung vốn quan trọng cho việc thực hiện các dự án lớn của Tổng công ty trong thời gian tới.

Tính đến cuối tháng 3/2021, trong mảng xây lắp, giá trị các hợp đồng mà Vinaconex đã ký kết lên tới gần 15.000 tỷ đồng, trong đó có các dự án lớn của cao tốc Bắc – Nam. Vì thế, nhu cầu vốn đối ứng cho các gói thầu là rất lớn.

Trong mảng bất động sản, Tổng công ty đang nắm quỹ đất gần 2.000 ha, trải dài tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Nam, Phú Yên… Nhu cầu vốn do đó không hề nhỏ.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản khác như Đất Xanh, DIG, An Gia… đều đưa nội dung này vào chương trình đại hội cổ đông thường niên.

Trong số gần 50 doanh nghiệp đã công bố kế hoạch hoặc dự kiến kế hoạch phát hành năm nay, có sự góp mặt của nhiều ngân hàng. Từ những ngân hàng tư nhân như SHB, Techcombank, SeAbank, OCB, VPBank… đến các ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối như Vietinbank, MB… từng được cho là rất khó khăn khi tăng vốn, đều rục rịch kế hoạch thu hút vốn từ cổ đông.

Ở khu vực các doanh nghiệp sản xuất, tăng vốn từ cổ đông hiện hữu cũng là giải pháp được triển khai, với kỳ vọng quy mô doanh nghiệp sẽ có sự cải thiện đáng kể. Vị thế của một doanh nghiệp lớn hơn khi làm việc với đối tác sẽ khác hẳn, như lời chia sẻ của chủ tịch hội đồng quản trị một doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ 400 tỷ đồng.

Với các doanh nghiệp sản xuất, vay vốn ngân hàng thời điểm này không khó khi thanh khoản hệ thống tín dụng đang rất dồi dào.

Chi phí lãi vay cũng dễ thở hơn nhiều so với trước kia, lãi suất cho vay trung bình chỉ vào khoảng 8%/năm so với trước đây là 11%/năm. Nhưng việc tăng vốn chủ sở hữu đem lại nhiều lợi thế khác cho doanh nghiệp.

Trong trường hợp doanh nghiệp có vốn điều lệ 400 tỷ đồng trên, nếu quy mô vốn được tăng thêm 50%, tức là đạt mức 600 tỷ đồng, doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn nhiều khi góp vốn, triển khai thủ tục đầu tư các dự án khác.

Theo quy định hiện hành, một dự án có tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, doanh nghiệp cần vốn đối ứng 600 - 700 tỷ đồng.

Bối cảnh thị trường chứng khoán tích cực từ đầu năm tới nay là điều kiện thuận lợi để triển khai kế hoạch tăng vốn mới của công ty niêm yết.

Chẳng hạn, trong đợt phát hành tăng vốn cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 2:1 của Công ty cổ phần Bamboo Capital (mã BCG), 7 triệu cổ phiếu bị bỏ quyền mua (giá cổ phiếu phát hành thêm là 10.000 đồng/cổ phiếu) sau đó đã được chào bán hết cho các nhà đầu tư khác có nhu cầu.

Thị trường nay đã khác?

Không ít thành viên thị trường tỏ ra lo lắng về việc cổ phiếu phát hành thêm gây pha loãng, kéo đi nguồn lực lớn từ dòng tiền hiện hữu sẽ trở thành tác nhân đẩy thị trường chứng khoán vào vòng xoáy giảm giá. Trong lịch sử phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, có nhiều giai đoạn thị trường điều chỉnh sâu sau khi “hàng mới” từ các đợt phát hành tung ồ ạt ra thị trường.

Thực tế cũng cho thấy, ở không ít doanh nghiệp, sau một thời gian dài bỏ vốn mua cổ phiếu trong đợt phát hành tăng vốn, cổ đông vẫn chưa thể “về bờ”. Các cổ đông của CEO Group chẳng hạn, gần 2 năm trước, họ bỏ tiền ra mua cổ phiếu phát hành thêm với giá 10.000 đồng/cổ phần, thì nay, khi thị trường vượt qua mọi mốc đỉnh trong lịch sử, thị giá cổ phiếu CEO chỉ mới về được mức này.

Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư lại có quan điểm khác. Ở những năm 2008, 2011, khi thị trường ngập trong các đợt phát hành thêm cổ phần, doanh nghiệp chịu sức ép lớn từ lãi suất cho vay cao, có những thời điểm 20 - 22%/năm, buộc phải phát hành cổ phiếu hòng hy vọng có thêm “dòng máu” cầm cự qua thời thế khó khăn.

Nay, doanh nghiệp không chịu áp lực về thanh khoản, lãi suất cho vay thấp, phát hành cổ phiếu ít nhằm mục đích bổ sung vốn lưu động và các chi tiêu bình thường.

Doanh nghiệp tăng vốn đều có dự án mới, có địa chỉ rõ ràng cho dòng tiền huy động được, từ đó có khả năng sinh lời và duy trì thu nhập trên cổ phần, hạn chế tình trạng loãng giá như trước đây. Các con số lợi nhuận ước tính quý I cũng như cả năm nay cũng được công bố rất tích cực.

Phiên đầu tiên cổ phiếu BCG mới phát hành được tự do chuyển nhượng không diễn ra hiện tượng “xả hàng” để chốt lời.

Phép thử cho nhận định trên không hiếm. Cuối tuần qua là phiên đầu tiên 68 triệu cổ phần BCG mới phát hành được tự do chuyển nhượng.

Trong bối cảnh thị trường vẫn trong nhịp điều chỉnh sau thời gian tăng mạnh, nhưng không hề diễn ra hiện tượng “xả hàng” để chốt lời ở cổ phiếu này, dù thị giá cổ phiếu đang ở vùng 13.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn gần 30% so với mức giá mua vào trong đợt phát hành.

Điều này cho thấy, cổ đông, nhà đầu tư tại BCG vẫn kỳ vọng vào đà tăng của cổ phiếu khi những thông tin từ BCG cho thấy triển vọng bứt phá mạnh mẽ của doanh nghiệp trên các mảng hoạt động chính như điện năng lượng tái tạo và bất động sản.

Một điểm khác khác biệt của thị trường năm nay là xu hướng ở nhiều doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp đã mua vào và kiểm soát được một lượng lớn cổ phần. Nếu doanh nghiệp phát hành thêm, chính họ sẽ là những nhà đầu tư bỏ thêm vốn vào thị trường chứng khoán nhiều nhất. Đây chính là một lực đẩy hỗ trợ cho thị trường thời gian tới.

“Hiện nhiều chủ doanh nghiệp đã gom số lượng lớn cổ phiếu nên thị trường sẽ không rơi vào vùng quá nguy hiểm và điều chỉnh kéo dài”, một nhà đầu tư có nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường nhận xét.

Cũng không loại trừ khả năng khi thị trường liên tục lập kỷ lục mới về giá và thanh khoản thời gian qua, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã phân phối được một lượng lớn cổ phần ra thị trường, nay dư lực để ôm vào cổ phiếu phát hành thêm.

Dòng tiền vẫn tích cực vào thị trường, miệt mài bắt đáy trong những phiên giảm điểm mạnh tuần qua, giúp chỉ số VN-Index phục hồi 20,7 điểm vào phiên 23/4. Với lực đỡ đó, rủi ro suy giảm sâu của cổ phiếu khi nguồn cung phát hành thêm tăng vọt như trước kia thấp hơn.

Thậm chí, với các đợt phát hành mới sôi động, khi những thông tin về dự án mở rộng đầu tư, triển vọng ở nhiều doanh nghiệp rõ ràng hơn còn có thể giúp thị trường chứng khoán Việt Nam hóa giải lời nguyền “Bán tháng 5 và đi chơi”.

Tin bài liên quan