Thị trường chứng khoán: Chờ một cú sụp, không dễ

Thị trường chứng khoán: Chờ một cú sụp, không dễ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền mặt chảy vào thị trường chững lại, trong khi tác động của dịch Covid-19 lớn dần, khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng, nhưng việc chờ đợi một cú sụp để giải ngân là thiếu khả thi.

Đánh giá dòng tiền

Dòng tiền trên thị trường đến từ nhiều nhóm nhà đầu tư, bao gồm tiền mặt và tiền giao dịch ký quỹ (margin). Nếu dòng tiền tăng lên không đến từ tiền mặt, mà đến từ tiền vay, thì tính bền vững sẽ không cao, vì đó là dòng tiền nóng, mang tính đầu cơ ngắn hạn, đồng thời có tính 2 mặt như một con dao 2 lưỡi.

Đồ thị đại diện về dòng tiền trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ tháng 4/2020 đến tháng 8/2021 cho thấy, dòng tiền mặt bắt đầu tăng mạnh kể từ tháng 11/2020, song song với đó là tiền margin gia tăng, giúp chỉ số VN-Index tăng điểm mạnh mẽ.

Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối tháng 6/2021, dòng tiền mặt giảm xuống và đi ngang, trong khi dòng tiền margin tăng cao. Đây là một tín hiệu không tốt và thực tế, VN-Index đã có đợt điều chỉnh mạnh vào đầu tháng 7/2021.

Việc dòng tiền mặt chững lại có thể là do thị trường tăng nóng dẫn tới rủi ro cao; dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động cũng như triển vọng của nhiều doanh nghiệp… Theo dõi sát sao dòng tiền sẽ giúp nhà đầu tư đưa ra được chiến lược giao dịch phù hợp.

Về dòng tiền margin, giá trị tăng cao khi VN-Index lập đỉnh 1.420 điểm trong phiên giao dịch đầu tháng 7/2021 và dao động quanh mức 1.380 điểm vào giữa tháng 8/2021. Như vậy, một lượng lớn nhà đầu tư đang giữ margin ở vùng giá cao, tạo áp lực bán không nhỏ nếu VN-Index phục hồi về các mốc điểm này. Đây là hiện trạng đáng lưu ý. Để chỉ số tăng mạnh trở lại, thị trường cần một dòng tiền rất lớn.

Đối với dòng tiền mặt, diễn biến đi ngang là chủ đạo, thể hiện dòng tiền chưa rút ra khỏi thị trường. Mặc dù vậy, cổ phiếu một số nhóm ngành lớn không còn hấp dẫn để kích hoạt dòng tiền lớn và cơ hội xuất hiện ở nhóm vốn hóa trung bình cũng như nhóm vốn hóa nhỏ chỉ đủ để dòng tiền duy trì trạng thái cân bằng.

Vậy thị trường có còn triển vọng tăng thêm hay không? Người viết cho rằng, trong ngắn hạn, không ít nhóm ngành có dư địa tăng, nhưng xét trên bình diện toàn thị trường thì với diễn biến tăng nóng thời gian qua, VN-Index cần thêm thời gian, cũng như chính sách tiền tệ mới hỗ trợ, hoặc yếu tố kích hoạt dòng tiền khác để có thể vượt đỉnh cũ.

Thời điểm này, dịch Covid-19 vẫn là một biến số khó xác định. Bởi vậy, nhà đầu tư cần theo dõi chặt chẽ các chính sách, giải pháp liên quan của Nhà nước. Với việc triển khai hoạt động kinh doanh trở lại song song với phòng chống dịch, rất có thể trong ngắn hạn, dòng tiền sẽ rút ra để phục vụ sản xuất - kinh doanh.

Trường hợp dịch bệnh còn nhiều biến động khó lường, kịch bản dòng tiền trên thị trường chứng khoán sẽ khác.

Chính sách tiền tệ và tài khóa cũng là biến số trong việc xác định dòng tiền có tiếp tục được kích hoạt vào thị trường hay không, đặc biệt là động thái cắt giảm lãi suất tiền gửi của các ngân hàng.

Quan trọng nhất vẫn là nắm bắt triển vọng các nhóm ngành nói chung, doanh nghiệp nói riêng và các nhóm được dòng tiền quan tâm, để dịch chuyển khẩu vị đầu tư cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.

Nội lực doanh nghiệp

Nhìn vào 30 doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn hàng đầu đến VN-Index có thể thấy thứ tự về vốn hóa lần lượt từ cao xuống thấp như sau: ngân hàng, “họ” Vin, bất động sản, thép, chứng khoán, bán lẻ và các ngành còn lại.

Theo đó, nếu cổ phiếu ngân hàng giảm giá thì cả thị trường sẽ khó tránh khỏi nguy cơ lao dốc.

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN, trong đó cho phép các tổ chức tín dụng kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng (đến 30/6/2022), thông tin này liệu có giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng đi lên? Câu trả lời là rất khó, vì nợ xấu vẫn là nợ xấu, ngân hàng nào không mạnh tay trích lập dự phòng thì lợi nhuận thực rồi cũng sẽ “phơi bày”.

Nợ xấu, hạ lãi suất cũng như trích lập dự phòng cao khiến ngân hàng mất đi một phần lợi nhuận, làm cho cổ phiếu nhóm này đang trong giai đoạn suy giảm. Dù vậy, mọi thứ hầu như đã phản ánh vào giá, để tăng lại ngay thì chưa chắc, nhưng giảm sâu hơn cũng khó xảy ra. Lợi nhuận ngân hàng ít đi do trích lập dự phòng lớn, nhưng khi nới lỏng giãn cách, không phải trích lập dự phòng nhiều nữa, dự báo giá cổ phiếu sẽ hồi phục mạnh.

Đối với nhóm bất động sản, giá cổ phiếu gần đây tăng với kỳ vọng đón đầu mùa báo cáo kinh doanh khả quan, bởi các doanh nghiệp chủ yếu ghi nhận doanh thu, lợi nhuận trong 2 quý cuối năm và giá nhà đất trong bối cảnh dịch bệnh gần như không giảm, thậm chí còn tăng. Xét đầu tư trung và dài hạn, nên mua cổ phiếu bất động sản dựa trên quỹ đất, các dự án hơn là dựa theo lợi nhuận từng quý.

Nhóm thép nhiều khả năng đạt lợi nhuận cao trong quý III/2021, vì giá thép hiện gấp rưỡi cùng kỳ và các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.

Nhóm chứng khoán vẫn được hưởng lợi từ sự sôi động của thị trường chứng khoán.

Trong nhóm bán lẻ, MSN và MWG dự kiến có lợi nhuận tốt trong quý III/2021, khi chuỗi Vinmart và Bách hóa xanh không bị gián đoạn kinh doanh vì dịch Covid-19.

Các ngành còn lại như cảng biển, dầu khí, phân bón đang trong giai đoạn hưng thịnh, với việc giá cước vận tải tăng cao cũng như giá phân bón tăng mạnh.

Các nhóm doanh nghiệp yếu sẽ có kết quả kinh doanh kém đi, nhưng ảnh hưởng nhỏ đến VN-Index, còn nhóm ảnh hưởng trực tiếp tới chỉ số đang có hoạt động kinh doanh không quá tệ.

Nhìn chung, các nhóm doanh nghiệp yếu sẽ có kết quả kinh doanh kém đi, nhưng ảnh hưởng nhỏ đến VN-Index, còn nhóm ảnh hưởng trực tiếp tới chỉ số đang có hoạt động kinh doanh không quá tệ. Đa số cổ phiếu trong Top 100 doanh nghiệp thuộc ngành hàng thiết yếu, hoạt động kinh doanh được duy trì trong giai đoạn dịch bệnh.

Do đó, lo ngại giải ngân trong thời điểm hiện tại có thể thua lỗ ngay khi cổ phiếu về tài khoản (T+3) nên chờ VN-Index giảm về 1.200 điểm để mua có vẻ thiếu cơ sở trong ngắn hạn. Tất nhiên, nhà đầu tư cần chọn cổ phiếu tốt và có triển vọng để mua.

Dự báo, thị trường đã tăng được một quãng xa so với đầu năm cũng như mức đáy năm ngoái nên sẽ tiếp tục có những cổ phiếu điều chỉnh giá, nhưng dòng tiền sẽ luân phiên chạy giữa các nhóm ngành và trong từng ngành. Theo đó, những cổ phiếu tốt, định giá hợp lý, triển vọng kinh doanh sáng hoặc có “câu chuyện riêng” hỗ trợ sẽ tăng giá. Những cổ phiếu này có thể điều chỉnh trong ngắn hạn nếu thị trường chung xấu đi, nhưng sẽ sớm bật tăng mạnh mẽ trở lại.

Cổ phiếu có câu chuyện trong tương lai đáng quan tâm là hưởng lợi từ đầu tư công được đẩy mạnh, triển vọng kết quả kinh doanh quý III và quý IV tiếp tục khả quan, nhóm bất động sản công nghiệp, xuất khẩu…

Tin bài liên quan