Năm 2019, thách thức lớn, nhưng cơ hội để TTCK mở rộng dư địa lớn hơn
Năm 2019, nền kinh tế Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi, nhất là khi so sánh trong bối cảnh nhiều nền kinh tế thế giới. Ðịa chính trị trên thế giới đang có nhiều căng thẳng, nhưng nền kinh tế Việt Nam giữ được đà tăng trưởng cao và ổn định ít nhất trong 5 năm gần đây, là điểm cộng trong việc thu hút dòng chảy vốn đầu tư toàn cầu.
TS. Vũ Bằng, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.
Nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ cũng như hệ thống tài chính tiền tệ, kể cả tỷ giá, lãi suất tín dụng và các vấn đề liên quan đến tài chính thời gian qua tại Việt Nam được xử lý linh hoạt và chủ động. Việc đổi mới mô hình tăng trưởng nhận được sự quan tâm của Thủ tướng và Chính phủ, năng suất lao động có dấu hiệu cải thiện, mức đóng góp của ngành chế biến, nông nghiệp gia tăng, môi trường đầu tư kinh doanh cũng được cải thiện và tăng xếp hạng tín nhiệm...
Ðó là những điểm sáng đáng để đặt niềm tin khi bước vào năm 2019. Tuy nhiên, bên cạnh đó là nhiều vấn đề thách thức mà chúng ta sẽ phải đối mặt, nhất là những bất ổn bên ngoài có thể xảy ra nhiều hơn so với năm 2018.
Ðiểm đáng lo nhất là sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc cùng dấu hiệu suy thoái của kinh tế Mỹ và toàn cầu. Diễn biến này sẽ chi phối lớn đến các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam trong năm 2019 và năm 2020. Giá dầu biến động thất thường, TTCK trồi sụt và tâm lý co cụm của các nhà đầu tư nước ngoài là điều có thể xảy ra. Cách đây 1 năm, các chuyên gia cũng nhận định Mỹ sẽ đi vào suy thoái, đến nay điều này càng rõ rệt hơn, đây là điểm bất ổn nhất của năm 2019.
Về căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, thực ra, vấn đề không phải là cuộc chiến thương mại mà là cuộc cạnh tranh siêu cường kéo dài trong nhiều năm, liên quan đến nhiều vấn đề khác như kinh tế, công nghệ, quân sự, tự do hàng hải... Các đối sách của Mỹ và Trung Quốc đều có tác động đến điểm nhạy cảm của Ðông Nam Á nằm trên trục Ấn Ðộ và Thái Bình Dương. Trong bối cảnh này, ứng xử của Việt Nam như thế nào để phát huy được lợi thế và tránh được tổn thất là một thách thức lớn.
VN-Index cuối năm 2018 ở mức 892,54 điểm, giảm 9% so với cuối năm 2017.
Trong bối cảnh này, tôi nhận thấy, Chính phủ đã có đánh giá sớm và đưa ra giải pháp. Quốc hội ra nghị quyết về phát triển kinh tế đặt mối quan tâm đến chất lượng tăng trưởng nhiều hơn, để duy trì nhịp độ tăng trưởng cao dài hơn.
Về lạm phát, Chính phủ vẫn xác định mục tiêu dưới 4% nhằm giữ gìn lòng tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế. Trong bối cảnh bất ổn bên ngoài ngày một lớn, việc quay vào bên trong, củng cố chất lượng hoạt động và tăng trưởng sẽ làm tăng sức bền, tăng khả năng chống chịu trên chặng đường dài. Trong câu chuyện vĩ mô này, nhà đầu tư cần có sự thấu hiểu và có phản ứng linh hoạt để đứng vững và đi bền với TTCK Việt Nam.
Về phía ngành chứng khoán, cần thấy rõ thực tế là hiện nay, các doanh nghiệp vẫn phải dựa phần lớn vào nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng. Vì thế, việc xây dựng một kênh vốn khác thay thế và làm giảm gánh nặng tài trợ vốn cho kênh tín dụng là rất quan trọng. Ðây chính là cơ hội để mở rộng TTCK và Chính phủ rất ủng hộ việc này.
Tháng 12/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định mới về trái phiếu doanh nghiệp, nên kỳ vọng thị trường này sẽ sớm được định hình trong năm 2019. Cùng với đó, quá trình sửa Luật Chứng khoán tới đây cũng cần hướng tới việc tăng khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp, giảm thiểu các điều kiện ban đầu. Khi tính thị trường được thúc đẩy hơn nữa, cơ hội cho các chủ thể tham gia sẽ lớn dần lên.
Năm 2019, mong thị trường chứng khoán sẽ gánh vai tài trợ vốn cho doanh nghiệp nhiều hơn
TS. Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước.
Liên quan đến TTCK, điểm đáng nói là sự phối hợp trong điều hành chính sách tài chính - tiền tệ năm 2018 có nhiều dấu ấn tích cực và điều hành sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2019. Điểm mới của năm 2019 là Nghị định 163/2018/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực.
Chúng tôi rất kỳ vọng thị trường này sẽ sớm được định hình và cùng với thị trường cổ phiếu, sẽ góp sức cho sự phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là chia bớt gánh nặng tài trợ vốn cho hệ thống ngân hàng. Theo con số thống kê, nền kinh tế Việt Nam hiện tại phụ thuộc tương đối nhiều vào nguồn vốn ngân hàng.
Tỷ lệ tín dụng/GDP đã lên tới khoảng 130% và theo cảnh báo của Ngân hàng Thế giới thì tỷ lệ này được coi là cao. Khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp ra đời, về phía Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi sẽ hướng dẫn các tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu để tận dụng huy động vốn qua kênh này.
Năm 2019, kỳ vọng điểm mới là thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Bên cạnh thị trường trái phiếu chính phủ đã thực hiện được chức năng huy động vốn cho Chính phủ và là kênh đầu tư cho nhiều chủ thể trên thị trường, tôi tin rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ tạo nên dấu ấn mới trong tương lai khi Nghị định 136/2018/NÐ-CP được đưa vào triển khai trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Hoàng Lan, Phó chủ tịch HÐQT kiêm Phó giám đốc điều hành Sở GDCK Hà Nội (HNX).
Về phía Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, cách đây 2 năm, Sở đã có Ðề án phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính và cho đến nay, các đơn vị chức năng vẫn đang phối hợp với các cấp để hoàn thiện đề án xây dựng thị trường.
Năm 2019, cùng với việc tái cấu trúc thị trường chứng khoán, trong đó có tái cấu trúc Sở Giao dịch chứng khoán, câu chuyện xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ là một nhiệm vụ quan trọng của nhà quản lý cũng như các thành viên liên quan. Thị trường này cần sớm được định hình và đưa vào hoạt động để tạo một kênh huy động vốn, kênh đầu tư mới trong nền kinh tế. Tôi cho rằng, hình hài trước mắt của thị trường trái phiếu sẽ là tạo ra một trung tâm thông tin trái phiếu doanh nghiệp tập trung, thống nhất, để minh bạch hóa thông tin thị trường.
Trong tương lai, để định hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bên cạnh nền tảng pháp lý, sự nỗ lực của các thành viên, hiệp hội trái phiếu, nhà quản lý, thì việc xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, tổ chức định mức tín nhiệm… cũng là những phần việc không thể thiếu. Ðây là những nhiệm vụ, những thách thức cần sự hợp sức để thực thi, hướng đến việc mở ra cơ hội mới hơn cho các chủ thể tham gia thị trường.
Năm 2019, nền tảng công nghệ mới được vận hành sẽ mở ra cơ hội cung cấp các sản phẩm mới trên Thị trường chứng khoán Việt Nam
Ông Lê Hải Trà, Phụ trách HĐQT Sở GDCK TP.HCM (HOSE)
Cùng với 2 đơn vị thụ hưởng là HNX và VSD, HOSE đang triển khai dự án công nghệ thông tin hiện đại với nhà thầu là Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc nhằm thay đổi hoàn toàn nền tảng công nghệ thông tin của thị trường chứng khoán Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao trong tương lai. Dự án này đã được HOSE tính từ khá lâu, không phải khi gặp sự cố giao dịch mới tính đến. Hiện nay, dự án đã hoàn tất giai đoạn thiết kế, sắp đi vào triển khai vật lý và kiểm thử.
Chúng tôi đang đốc thúc sự hợp tác của các bên, các thành viên để có thể đưa hệ thống đi vào hoạt động trong tháng 8/2019. Hệ thống mới sẽ mở ra các cơ hội cung cấp các sản phẩm mới trên thị trường. Nhà đầu tư và các chủ thể tham gia TTCK sẽ là người thụ hưởng.
Năm 2019 là năm của bán chứng khoán trong ngày, của quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện…
Ở góc độ một tổ chức đứng sau, hỗ trợ cho các thành viên thị trường thực hiện các nghĩa vụ thanh toán sau giao dịch, năm 2019, VSD sẽ góp sức xây dựng nền tảng thị trường tốt hơn thông qua nhiều công việc cụ thể.
Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD).
Ðó là tập trung xây dựng hệ thống đăng ký, lưu ký, bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán trong gói thầu 04 để đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin toàn thị trường theo tiến độ, vận hành trụ sở mới của VSD từ quý I/2019 đảm bảo an toàn, hiệu quả, không gây xáo trộn cho thành viên, tổ chức phát hành, nhà đầu tư.
VSD cùng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hai Sở giao dịch chứng khoán triển khai nhiều nội dung liên quan đến Luật Chứng khoán cũng như phối hợp triển khai các sản phẩm mới. Hiện nay, VSD đã hoàn thiện hệ thống mô hình cung cấp dịch vụ quỹ cho các quỹ mở. Ðặc biệt, cùng với các quỹ VFM, Dragon Capital…, chúng tôi hoàn thiện hệ thống để sẵn sàng triển khai dịch vụ Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.
Việc ra đời loại hình Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp, của người lao động so với các sản phẩm hiện có, đồng thời góp sức tạo ra tiện ích và an sinh cho xã hội. Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện sẽ có đầy đủ cấu phần như quỹ khác và cũng sẽ cung cấp một công cụ đầu tư mới. Hiện tại, chúng tôi đã kiểm thử (test)với các thành viên với hy vọng hạ tầng sẵn sàng cho việc triển khai loại hình quỹ này trong năm 2019.
Với các nhà đầu tư chứng khoán, nằm trong gói thầu cùng HOSE, VSD đang tập trung nghiên cứu để triển khai hệ thống đối với các sản phẩm được thị trường chờ đợi lâu nay như bán, giao dịch chứng khoán T+0… Dự kiến, cuối năm 2019, đầu năm 2020 có thể ứng dụng được các được các sản phẩm này để tăng hiệu quả sử dụng dòng vốn cho nhà đầu tư, mà không phải giảm thời gian thanh toán xuống dưới T+2 mà Việt Nam đang duy trì như thông lệ quốc tế.
Năm 2019, Thị trường chứng khoán là ẩn số, nhưng hướng đi dài hạn cần được xác lập
TTCK luôn chạy trước diễn biến của nền kinh tế, chỉ số VN-Index đã có một quá trình tăng mạnh từ 600 điểm lên 1.200 điểm nên việc điều chỉnh trong nửa cuối năm 2018 là dễ hiểu. Theo tôi, TTCK 2019 là một ẩn số.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng giám đốc CTCK SSI,
Tuy nhiên, để nhìn nhận diễn biến của TTCK 2019 trước hết phải nhìn vào tổng thế kinh tế thế giới. Nền kinh tế thế giới đang trải qua những thách thức lớn, cụ thể là đang trong xu hướng thị trường giá xuống (biến động quá 20% gọi là thị trường giá xuống). Trong lịch sử hoạt động của thị trường, thời gian để thị trường từ thời điểm giá xuống có thể quay lại mức đỉnh trước đó phải mất tối thiểu 21 tháng. Quá trình điều chỉnh trong thời đại công nghệ 4.0 này có thể ngắn hơn nhưng vẫn cần một khoảng thời gian để thị trường hồi phục, trở lại mốc cũ. Thời gian hồi phục là một ẩn số khó đoán định của thị trường.
Bối cảnh năm 2019 thị trường tài chính toàn cầu phải chịu chỉnh ảnh hưởng chung từ nhiều yếu tố như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, bất ổn chiến tranh Trung - Mỹ, Nga - Mỹ hay biến động giảm của giá dầu…
Trong sự bất ổn chung đó có không ít cơ hội. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tạo điều kiện cho Việt Nam gia tăng xuất khẩu. Nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc rất lớn vào hoạt động xuất khẩu, nên nếu năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước tăng lên, xuất khẩu được đẩy mạnh thì đây là cơ hội cho nền kinh tế bứt phá. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần nhận ra và tận dụng cơ hội này để có chiến lược phát triển dài hạn, dựa vào năng lực sản xuất - kinh doanh, chứ không chỉ đơn thuần là dịch vụ hay lợi thế từ đất đai.
Năm 2019, TTCK khó hình thành một xu hướng dài hạn, rõ nét mà sẽ biến chuyển linh hoạt theo các diễn biến khách quan
Sau nhiều năm duy trì tăng trưởng cao, kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2019 có thể sẽ điều chỉnh so với năm 2018 ở khía cạnh tăng trưởng GDP và tăng trưởng xuất khẩu nếu các yếu tố ngoại biên không thuận lợi như tăng trưởng toàn cầu giảm, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) chấm dứt các gói nới lỏng định lượng, diễn biến bất thường từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung…
Ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt (BVSC).
Tuy vậy, về tổng thể, mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định lãi suất và tỷ giá trong năm 2019 của Việt Nam nhiều khả năng vẫn đạt được và đây là những yếu tố quan trọng để giữ nhịp tăng trưởng cho các doanh nghiệp lớn, trong đó có nhiều doanh nghiệp niêm yết. TTCK năm 2019 sẽ khó hình thành một xu hướng dài hạn, rõ nét mà sẽ biến chuyển linh hoạt theo các diễn biến khách quan tác động.
Theo đó, chúng tôi đánh giá tăng trưởng của các doanh nghiệp trong nhiều ngành năm 2019 có thể chậm hơn năm 2018 nhưng vẫn ở mức khả quan, chẳng hạn ngành ngân hàng, bất động sản, dầu khí.
Trong mối liên quan giữa việc thoái vốn Nhà nước thông qua TTCK, thực tế triển khai cho thấy Nghị định 126 có một số vấn đề khó xác định như giá trị của yếu tố lịch sử, văn hóa, địa lý…, khiến nhiều doanh nghiệp phải thay đổi toàn bộ quy trình. Thậm chí, một số doanh nghiệp đã hoàn tất hồ sơ nhưng bị hủy vì thay đổi quy định, dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải lùi thời gian IPO không chỉ sang năm 2019 mà còn xa hơn, điều này ảnh hưởng chung đến kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn trong thời gian tới.
Năm 2019, nếu thị trường cổ phiếu nhiều rủi ro, hãy quan tâm đến đầu tư trái phiếu
Dù có nhiều thách thức phía trước, nhưng tôi có cái nhìn tương đối lạc quan về triển vọng thị trường chứng khoán trong năm 2019.
Ông Trần Lê Minh, Phó tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM).
Thực tế, tính đến những ngày cuối cùng của năm 2018, thị trường chứng khoán trong năm Việt Nam là một trong những thị trường có mức giảm thấp nhất trên thế giới. Tại sao lại như vậy? Chúng tôi đặt ra câu hỏi này và nhận ra rằng, chính sự ổn định của kinh tế vĩ mô đã giúp nhà đầu tư bình tĩnh hơn, đồng thời tin tưởng nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán trong năm Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng. Chính vì thế mới có câu chuyện dù thị trường điều chỉnh, nhưng dòng vốn đầu tư gián tiếp vẫn vào Việt Nam qua các thương vụ phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) lớn.
Trong đánh giá của chúng tôi, câu chuyện thị trường năm 2019 sẽ có những điểm tương đồng với năm 2018.
Chúng tôi kỳ vọng, chứng khoán Việt năm 2019 sẽ được ủng hộ chủ yếu bởi dòng tiền của nhà đầu tư ngoại. Thực tế, tài sản trên thị trường chứng khoán trong năm như cổ phiếu, trái phiếu được đẩy giá lên cao trong giai đoạn 5 năm trước đó nên việc thị trường điều chỉnh là bình thường. Quá trình điều chỉnh vẫn đang tiếp tục. Trong bối cảnh này, nhà đầu tư sẽ nhìn vào việc dòng tiền đang chảy vào đâu thì sẽ đẩy thị trường đó lên.
HNX-Index cuối năm 2018 ở mức 104,23 điểm,
giảm 10,8% so với cuối năm 2017.
Ngân hàng Nhà nước trong năm 2018 đã duy trì chính sách tiền tệ ổn định, tỷ giá và lạm phát được giữ ở mức hợp lý. Nếu năm 2019, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục vững lái và có những động thái phù hợp để tăng niềm tin cho nhà đầu tư, thì dòng tiền quốc tế có thể sẽ chảy mạnh hơn và quay vòng tốt hơn tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Về điểm số, tôi cho rằng, chỉ số VN-Index năm 2019 sẽ không thấp hơn năm 2018.
Về câu chuyện đầu tư vào đâu, nhìn vào ngành quản lý quỹ Việt Nam, quỹ đầu tư lớn nhất trên thị trường hiện nay không phải là quỹ đầu tư cổ phiếu, mà là quỹ đầu tư trái phiếu. Quỹ có kết quả đầu tư năm 2018 tốt nhất cũng là quỹ đầu tư trái phiếu, với tăng trưởng giá trị tài sản ròng khoảng 11%.
Trong tình huống thị trường cổ phiếu khó khăn thì nhà đầu tư nên hướng sự quan tâm đến đầu tư trái phiếu. Lấy ví dụ, trong 3 năm qua, nếu đầu tư cổ phiếu thành công, nhà đầu tư sẽ được trả về lợi tức khoảng 60%, đầu tư trái phiếu cùng trong giai đoạn này cũng lãi khoảng 50%.
Tôi cho rằng, năm 2019, đầu tư trái phiếu là kênh "hợp thời" trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đang lên, xu hướng đầu tư thị trường cũng như sự ủng hộ của Chính phủ trong việc phát triển cả thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp.