Nhiều người cho rằng, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng thêm 0,25% lãi suất cơ bản đối với USD sẽ khiến nhà đầu tư nước ngoài bán ròng cổ phiếu. Ông nghĩ sao về điều này?
Khối ngoại sẽ có tâm lý lo ngại, vì vậy, khi giá cổ phiếu lên mức có thể đạt được kỳ vọng thì họ sẽ chốt lời. Thị trường chứng khoán đang diễn biến theo hướng, khi giá lên mức cao, khối ngoại sẽ xem xét để bán ra và khi giá xuống họ sẽ xem xét để mua vào. Đáng chú ý là, việc Việt Nam nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài cùng với TPP sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam thu hút dòng vốn FII.
Bên cạnh lãi suất USD tăng, việc đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tham gia rổ tiền tệ quốc tế có ảnh hưởng đến chứng khoán cuối năm không, thưa ông?
Việc Fed tăng lãi suất sẽ tác động đến tâm lý của nhà đầu tư. Tuy nhiên, tác động này chỉ trong một - hai tuần, sau đó sẽ được ổn định trở lại. Lý do là, việc Fed tăng lãi suất đã được dự báo từ trước, nên tác động này đã được đưa vào giá cả của các hàng hóa. Đồng thời, Fed tăng lãi suất lần này cũng chỉ trong biên độ thấp, nên sẽ không tác động nhiều đến chứng khoán.
Nhiều người cho rằng, việc Fed tăng lãi suất sẽ tạo áp lực lên tỷ giá và điều này cũng sẽ tác động đến tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên, rủi ro tỷ giá đối với nhà đầu tư không lớn, vì tỷ giá thời gian qua đã được điều chỉnh và nếu có điều chỉnh trong thời gian tới thì khả năng tỷ giá cũng chỉ tăng thêm khoảng 1%.
Theo ông, tình hình kinh tế Việt Nam nói chung và hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết nói riêng có cải thiện vào cuối năm nay và đầu năm 2016?
Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá vững chắc. Cán cân thanh toán thặng dư, GDP tăng trưởng khả quan. Quý IV luôn được xem là thời điểm hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sôi động nhất trong năm. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý này cũng thường đạt mức cao hơn so với các quý trước đó. Vì vậy, việc các doanh nghiệp niêm yết công bố lợi nhuận quý IV cũng sẽ tác động tích cực đến tâm lý của nhà đầu tư.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) do HSBC mới đưa ra giảm 0,5 điểm, một phần do giá dầu giảm, ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, bên cạnh điểm trừ thì cũng có những điểm cộng tác động tích cực đến tình hình kinh tế vĩ mô và hoạt động của doanh nghiệp, như TPP sắp được hoàn tất hoặc việc Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm tới là 6,5%…
Từ tình hình như vậy, thị trường chứng khoán trong năm tới chưa thể kỳ vọng bật mạnh, nhưng cũng sẽ khó tạo “sóng gió” cho nhà đầu tư. Quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đang từng bước được đẩy mạnh. Các doanh nghiệp lớn được cổ phần hóa và niêm yết sẽ gia tăng nguồn hàng cho nhà đầu tư lựa chọn.
Ông đánh giá thế nào về diễn biến VN-Index trong năm nay?
Thị trường chứng khoán lúc này không có thông tin khác, mà chủ yếu được dẫn dắt bởi tâm lý thị trường. VN-Index trong năm 2015 dao động trong khoảng 570 - 630 điểm. Lực đẩy thị trường ngày càng cao, tâm lý thị trường vững và lượng bán không nhiều. Tuy nhiên, nếu không có lực mua mạnh trên thị trường thì tâm lý của nhà đầu tư vẫn trong trạng thái chờ đợi. Năm nay, VN-Index chuyển động theo hình chữ ‘V’.