Thị trường chưa quá nóng, các cổ phiếu lớn vẫn đang ở vùng giá hợp lý

Thị trường chưa quá nóng, các cổ phiếu lớn vẫn đang ở vùng giá hợp lý

(ĐTCK) Theo bà Lê Nguyệt Ánh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), tín hiệu tăng trưởng tích cực của nền kinh tế cùng những quyết sách mạnh mẽ của Chính phủ trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và đưa cổ phiếu lên sàn giúp thị trường chứng khoán trong nước thêm hấp dẫn dòng vốn ngoại. Trong đó, ngành hàng tiêu dùng nhận được sự quan tâm nhiều nhất của nhà đầu tư nước ngoài.

Trong những phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index đã chạm mức 715 điểm, vượt nhẹ vùng cản trung hạn, VN30-Index một lần nữa áp sát vùng đỉnh năm 2016, liệu thị trường có đang quá nóng?

Kết quả kinh doanh quý IV/2016 của các doanh nghiệp niêm yết được công bố rất khả quan với mức tăng trưởng lợi nhuận lên đến 26% và cả năm 2016 đạt mức tăng trưởng 4%. Với mức tăng lợi nhuận này, P/E toàn thị trường hiện  khoảng 15,9 lần, không cao hơn so với thời điểm trước Tết âm lịch.

Ngoài ra, kết quả kinh doanh quý I/2017 và kế hoạch kinh doanh 2017 dự kiến là tích cực với nhiều đơn vị niêm yết lớn, đặc biệt là khối ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản.

Kết quả kinh doanh của một vài cổ phiếu dầu khí có thể cũng tích cực hơn cùng kỳ năm trước, trong khi nhóm cổ phiếu tiêu dùng dự kiến tăng trưởng ổn định. Đây cũng là yếu tố quan trọng hỗ trợ cho đà tăng của chỉ số chứng khoán trong nước.

Do vậy, ACBS đánh giá đà phục hồi lần này của thị trường không phải là quá nóng và phần lớn các cổ phiếu lớn vẫn đang ở vùng giá hợp lý. 

Thị trường chưa quá nóng, các cổ phiếu lớn vẫn đang ở vùng giá hợp lý ảnh 1

Bà Lê Nguyệt Ánh 

Nhưng, lãi suất và tỷ giá, những yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến diễn biến thị trường chứng khoán lại có những biến động, thưa bà?

Biến động lãi suất ngắn hạn và tỷ giá là các yếu tố rủi ro ngắn hạn hàng đầu. Tuy nhiên, tỷ giá biến động hiện tại chủ yếu đến từ một vài đơn hàng nhập khẩu máy móc thiết bị và hàng tồn kho lớn trong vài tuần qua.

Cụ thể, nhập siêu 2 tuần đầu tháng 2/2017 lên đến 2,45 tỷ USD, chủ yếu là do nhập khẩu máy móc. Do vậy, nhiều khả năng tỷ giá và lãi suất sẽ ổn định trở lại trong vài tuần tới. Đây cũng là cơ sở quan trọng để ổn định đà tăng ngắn hạn của thị trường.

Bà đánh giá thế nào về khả năng tăng lãi suất của Fed trong tháng 3 tới và ảnh hưởng đến hoạt động khối ngoại sẽ như thế nào?

Theo dõi số lượng giao dịch tương lai lãi suất trên thị trường quốc tế, có thể thấy, lo ngại về khả năng tăng lãi suất vào thời điểm này có vẻ còn hơi sớm. Ngoài ra, mức độ tăng lãi suất dự kiến của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) không quá lớn và việc tăng lãi suất cũng nằm trong dự tính của nhà đầu tư nên tác động sẽ không lớn như hồi cuối năm 2015.

Theo đánh giá của chúng tôi, bất chấp các biến động trên thế giới, dòng vốn nước ngoài vào thị trường Việt Nam vẫn đang tích cực.

Thị trường chưa quá nóng, các cổ phiếu lớn vẫn đang ở vùng giá hợp lý ảnh 2

 Dự báo chu kỳ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đến năm 2021 được đưa ra tại hội thảo về TTCK do Công ty Chứng khoán MB tổ chức ngày 22/2/2017

Dòng vốn ngoại trong năm 2017 sẽ chịu tác động bởi chính sách của chính phủ và các yếu tố nội tại của thị trường hơn là quyết định tăng lãi suất của Fed.

Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã cho thấy quyết tâm lớn trong việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và phát triển thị trường chứng khoán.

Tốc độ thực hiện và mức độ thực hiện các chính sách này sẽ quyết định dòng vốn nước ngoài trong thời gian tới. Ngoài ra, sự ổn định kinh tế vĩ mô cũng là yếu tố quan trọng. Trong ngắn hạn, dự kiến dòng vốn khối ngoại vẫn hỗ trợ tốt cho thị trường.

Theo đó, những nhóm ngành, lĩnh vực nào đang được nhà đầu tư ngoại quan tâm, thưa bà?

Ngành hàng tiêu dùng có vẻ vẫn thu hút nhà đầu tư ngoại nhiều nhất. Ngoài ra, các cổ phiếu mới hoặc sắp niêm yết của các doanh nghiệp lớn cũng được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.

Tin bài liên quan