Thị trường sau nhiều phiên tích lũy vẫn khá ổn ở mốc 1.330 điểm

Thị trường sau nhiều phiên tích lũy vẫn khá ổn ở mốc 1.330 điểm

Thị trường chờ tín hiệu bật lên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường biến động mạnh nhưng điểm số gần như được giữ nguyên. Ngưỡng hỗ trợ được giữ vững, các nhóm cổ phiếu có tính dẫn dắt như ngân hàng, chứng khoán, thép “le lói” quay lại.

1.330 điểm là vùng hỗ trợ “cứng”

Thị trường tuần qua để lại nhiều cảm xúc và tâm lý diễn biến nhanh trong mỗi phiên giao dịch khi biên độ dao động lên tới cả chục điểm. Ngay từ phiên đầu tuần, thị trường đã có sắc thái như vậy nên nhiều nhà đầu tư tăng cường “lướt sóng”.

Tưởng như phiên thứ Năm (23/9), thị trường sẽ bứt phá sau khi VN-Index vượt qua ngưỡng 1.350 điểm trong phiên thứ Tư, với điểm số thuyết phục, tăng hơn 10 điểm, nhưng kết phiên lại khác. Chỉ số trong phiên tăng điểm, nhưng cung giá cao gia tăng khiến chỉ số thoái lui và thu hẹp đà tăng. Mức 1.361 điểm, cao nhất trong ngày giao dịch 23/9 đã nhanh chóng biến mất, cuối phiên chỉ cao hơn 2 điểm so với tham chiếu. Phiên cuối tuần, VN-Index đóng cửa tại … điểm, tăng/giảm so với tuần trước đó.

Theo phân tích kỹ thuật, VN-Index đóng cửa trên mốc 1.350 điểm, nhưng cần có các phiên bứt phá để xác nhận quay lại đà tăng.

Đến thời điểm này, thị trường sau nhiều phiên tích lũy vẫn khá ổn ở mốc 1.330 điểm cho thấy, đây có thể được gọi là vùng hỗ trợ cứng tạm thời của chỉ số. VN-Index có sắc xanh sau khi có các thông tin về việc chuẩn bị nới giãn cách ở một số nơi, cũng như số ca nhiễm Covid-19 giảm dần.

Tuy nhiên, thị trường tăng điểm thiên về phục hồi kỹ thuật sau 2 phiên lao dốc ngày 20/8 và 23/9, bởi thiếu sự tham gia của 3 nhóm cổ phiếu dẫn dắt là ngân hàng, chứng khoán và thép.

Các nhóm này dao động tích lũy và chưa có dấu hiệu xác nhận xu hướng hồi phục, dù le lói dấu hiệu quay trở lại dẫn dắt thị trường.

Dự báo, khi 3 nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và thép cùng tăng giá thì thị trường sẽ có nhịp hồi phục mạnh.

Trong nhóm thép, mã NKG, HSG tăng giá, nhưng HPG vẫn loay hoay tại vùng đỉnh cũ, chờ đợi dòng tiền chảy vào. Nhóm chứng khoán đang có nhịp tích lũy tại vùng đỉnh, “nhấp nháy” tăng nhưng thanh khoản thấp. Nhóm ngân hàng được trông đợi nhất, sau những nhịp “lên bờ xuống ruộng” thì cuối cùng cũng có tín hiệu tích cực, với sự vượt đỉnh đầu tiên của cổ phiếu TPB.

Dòng cổ phiếu ngân hàng trở nên “nặng nề” và bị nhiều nhà đầu tư quay lưng trong 1 tháng qua bắt đầu có tín hiệu tích cực sau giai đoạn lình xình đi ngang, kiểm tra lại đáy ngắn hạn nhiều lần, nhưng đà tăng chưa thuyết phục và nhanh chóng lụi tàn sau khi giao dịch bùng nổ.

Giao dịch ở giai đoạn này khá khó chịu, giá “giật lên giật xuống” thường xuyên. Theo đó, mua trong lúc hưng phấn dễ dẫn đến lỗ ngắn hạn. Thậm chí, ở các nhịp đi ngang biên độ thấp, thị trường rất dễ có 1 phiên “rũ” hàng.

Tâm lý e ngại thị trường có phiên rũ hàng cũng như việc đua lệnh dễ bị lỗ trong ngắn hạn, nên nhiều nhà đầu tư chỉ mua vào từ từ và tiếp tục quan sát. Điểm tích cực là thanh khoản duy trì ở mức cao nhờ lực cầu tăng mạnh mỗi khi giá giảm sâu trong phiên.

5 điểm cần lưu ý

Thứ nhất, diễn biến thị trường trong 4 tháng qua cho thấy, 1.370 điểm là vùng kháng cự mạnh, nên việc mua mới trong vị thế ngắn hạn khi thị trường tiến lên ngưỡng này sẽ gặp rủi ro cao, trừ khi thị trường tạo nền tại đây.

Thứ hai, không ít cổ phiếu đang có xu hướng tạo 2 đỉnh tại vùng đỉnh trước đó, điều này cần lưu ý để tránh mua ngay vùng đỉnh.

Thứ ba, những nhà đầu tư bỏ lỡ cơ hội tham gia hoặc chốt lời tại vùng đáy 1.330 điểm dự kiến sẽ quay trở lại thị trường khi xuất hiện nhịp tăng, với tâm lý sợ đánh mất cơ hội.

Thứ tư, thị trường nếu tiếp cận vùng 1.370 điểm sẽ có khả năng kiểm tra lại vùng 1.350 điểm. Nhà đầu tư nên quan sát lực bán có gia tăng quanh vùng này hay không để đưa ra phương hướng hành động phù hợp.

Thứ năm, thị trường có dấu hiệu phục hồi của nhóm ngân hàng, nhưng cần thêm tín hiệu để xác nhận phá bỏ xu hướng tích lũy và trở lại xu hướng tăng.

Để hạn chế rủi ro, nhà đầu tư không nên đua lệnh, vì sẽ luôn có giá tốt trong phiên. Mua thêm cổ phiếu khi thị trường bắt đầu có nhịp bứt lên vùng 1.360 điểm sẽ đối mặt với rủi ro giá điều chỉnh giảm trở lại, nếu không có các yếu tố hỗ trợ tích cực.

Với thị trường dao động trong biên độ hẹp như hiện nay, nhiều nhà đầu tư chọn phương án tiếp tục nắm giữ cổ phiếu có cơ bản tốt, câu chuyện ủng hộ và chốt lãi cổ phiếu đã tăng giá mạnh.

P/E cao hay thấp?

Tuần giao dịch cuối tháng 9 dự báo sẽ có nhiều biến động khi các quỹ và tổ chức đầu tư chốt giá trị tài sản ròng quý III/2021, các công ty chứng khoán chốt số dư cho vay giao dịch ký quỹ (margin)… Thị trường có cơ hội tăng, nhưng nhà đầu tư cần theo dõi sát sao các tín hiệu thể hiện xu hướng, nhất là khi chỉ số tiến lên vùng 1.360 - 1.370 điểm.

Nhìn về dài hạn, trong báo cáo mới nhất, FiinPro nhận định, các dòng tiền (kể cả dòng tiền từ bán chứng khoán) sẽ tiếp tục ở lại thị trường chứng khoán ít nhất là hết quý I/2022, khi các hoạt động sản xuất - kinh doanh được khôi phục ở mức 50 - 60% so với trước đại dịch.

VN-Index hiện được định giá P/E ở mức 16,3 lần lợi nhuận trượt 4 quý gần nhất đến hết quý II/2021, thấp hơn mức trung bình 10 năm cộng 1 độ lệch chuẩn (17,4 lần) và tương đương mức định giá trung bình trong giai đoạn 1 năm trước khi dịch Covid-19 khởi phát.

So với lãi suất ngân hàng, lãi suất tiền gửi phổ biến 4,4%/năm kỳ hạn 6 tháng và 5,5%/năm kỳ hạn 12 tháng tương đương P/E của thị trường chứng khoán ở mức 23,8 lần và 19,1 lần (100/4,4 và 100/5,5 có điều chỉnh 5% thuế thu nhập trên tiền gửi).

So với dự báo lợi nhuận năm 2021 và tiềm năng lợi nhuận năm 2022 thì P/E hiện nay cũng ở mức hấp dẫn. Giả sử lợi nhuận 2 quý cuối năm 2021 tương đương cùng kỳ năm 2020 thì tăng trưởng lợi nhuận năm nay có thể đạt 31,5%, tức thị trường đang được giao dịch ở mức 16 lần lợi nhuận. Trường hợp kỳ vọng doanh nghiệp giữ được tốc độ tăng trưởng 27% vào năm 2022 thì thị trường chứng khoán đang được giao dịch ở mức 13,2 lần lợi nhuận.

Có thể có ý kiến cho rằng, con số trên khó đạt được do dịch Covid-19, nhưng theo FiinPro, trong nhiều ngành, ngoại trừ các ngành bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh như hàng không và du lịch, thì bối cảnh hiện nay lại là cơ hội cho các doanh nghiệp lớn đầu ngành, đủ tiềm lực tài chính có thể gia tăng thị phần và gia tăng hiệu quả trong giai đoạn hậu dịch.

Điều này ngụ ý gì cho xu hướng tiếp theo của thị trường chứng khoán? Quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay, đắt không có nghĩa là thị trường sẽ xuống, mà phụ thuộc chính vào cầu về cổ phiếu, thể hiện qua dòng tiền mới và tâm lý chung của thị trường, thay vì chỉ đơn giản dựa trên yếu tố nội tại và triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp.

Ví dụ, thị trường chứng khoán Ấn Độ tăng mạnh sau giai đoạn “chết chóc” vào tháng 5/2021 và chỉ số Sensex đang được định giá ở mức P/E cao gấp đôi của VN-Index nhờ dòng tiền mới từ nhà đầu tư trong bối cảnh lãi suất thấp.

Ở chiều ngược lại, rẻ không có nghĩa là thị trường sẽ tiếp tục đi lên nếu như không có sự hỗ trợ của dòng tiền và tâm lý giao dịch ổn định của nhà đầu tư cá nhân.

Tin bài liên quan