Theo phân tích kỹ thuật, thị trường có thể giảm về ngưỡng 575 điểm

Theo phân tích kỹ thuật, thị trường có thể giảm về ngưỡng 575 điểm

Thị trường bị thách thức tâm lý

(ĐTCK) Vừa chịu áp lực bán ròng của khối ngoại, thị trường lại bị áp lực tâm lý trước thông tin ông Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) bị bắt vì vi phạm các quy định về cho vay của tổ chức tín dụng.

Thực ra, thông tin về vụ việc tại Oceanbank đã bắt đầu râm ran trong giới đầu tư chuyên nghiệp từ hơn hai tuần trước. Thậm chí, có nhà đầu tư thạo tin đã bán ra, nhưng sau đó, quan sát thấy thị trường vẫn trong xu thế tăng điểm, nên đã quay trở lại.

Từ khi hồ sơ vụ việc được chuyển cho Cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an, quy trình điều tra được thực hiện thì tin tức bắt đầu lan rộng hơn trên thị trường. Phiên giao dịch ngày 23/10 chịu ảnh hưởng trực tiếp của thông tin này, khi thị trường giảm điểm rất mạnh vào buổi chiều. Nhiều nhà đầu tư đã từng bị thua lỗ nặng trong vụ “bầu” Kiên đã nhanh chóng thoát hàng. Tuy nhiên, đà giảm của thị trường đã được hãm lại trong phiên cuối tuần qua (24/10).

Điều may mắn là thông tin chính thức liên quan đến vụ việc đã được phát đi từ Ngân hàng Nhà nước và cơ quan điều tra Bộ Công an vào chiều cuối tuần. Nói may mắn là bởi vụ việc không còn ở dạng tin đồn và một khi được công khai, minh bạch sẽ được thị trường tiếp nhận một cách đúng mực. Hơn thế, nhà đầu tư có hai ngày cuối tuần để bình tâm trở lại.

Qua những sóng gió của vụ bầu Kiên và Ngân hàng ACB thì bài học nhà đầu tư rút ra được là ảnh hưởng chỉ mang tính tâm lý. Mà xét về vị thế ngân hàng thì Oceanbank còn kém ACB cũng như tên tuổi của ông Thắm còn kém bầu Kiên một bậc. Ẩn số chỉ là mức độ thiệt hại (nếu có) từ vi phạm của ông Thắm với Oceanbank ở bao nhiêu con số 0? Phản ứng của khách hàng cá nhân gửi tiền ở Oceanbank cũng là vấn đề đáng quan tâm.

Đương nhiên, cho dù đã có bài học lớn từ vụ bầu Kiên thì thị trường vẫn chịu áp lực tâm lý trước vụ việc này. Đặt trong bối cảnh hiện nay, áp lực tâm lý sẽ cộng hưởng với mức độ margin còn cao trên thị trường. Trong 2 ngày cuối tuần, các nhà đầu tư đã chủ động giảm margin, khác với đợt giảm điểm của thị trường trước đó, margin giảm không đáng kể, khi một bộ phận nhà đầu tư bán cắt lỗ thì một bộ phận khác lại dùng margin mua bắt đáy để giảm giá vốn. Đó chính là áp lực bán thật sự với thị trường.

Theo nhận định của nhiều công ty chứng khoán, diễn biến của TTCK đầu tuần này khó dự đoán. Xu hướng giảm chiếm ưu thế hơn xu hướng tăng. Thông tin từ vụ việc tại Oceanbank có thể khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ nao núng bán cổ phiếu, trong khi nhà đầu tư chuyên nghiệp dừng mua. Giá cổ phiếu giảm có thể lại tạo áp lực lên giải chấp margin của những nhà đầu tư khác. Theo phân tích kỹ thuật thì thị trường có thể giảm về ngưỡng 575 điểm trước khi tìm lại thế cân bằng.

Tư vấn của các công ty chứng khoán cũng rất khác nhau. Có công ty tư vấn nhà đầu tư giảm cổ phiếu về tỷ lệ an toàn, tăng giữ tiền mặt trong những phiên hồi kỹ thuật của thị trường. Công ty khác lại khuyên không nên mua cho đến khi thị trường ổn định. Hay có công ty lại nhận định nên mua những cổ phiếu có lợi nhuận quý III tốt ở mức giá thấp để nắm giữ cho đến cuối năm.

Kịch bản tốt nhất cho thị trường là có thể chỉ số VN-Index vẫn giảm, nhưng các cổ phiếu chỉ giảm nhẹ, với khối lượng giao dịch giảm. Tức chỉ có nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhà đầu tư có tỷ lệ margin cao mới chấp nhận bán ở mức giá thấp. Khi lượng hàng này được hấp thu hết thì thị trường sẽ hồi phục trở lại, dòng tiền đứng ngoài quan sát sẽ quay trở lại thị trường.

Và rất có thể, thông tin về vụ việc của ông Thắm sẽ sớm mất vị trí tâm điểm để nhường chỗ cho các thông tin mới, nhất là thông tin về các chính sách mới từ kỳ họp Quốc hội đang diễn ra.  

Tin bài liên quan