Năm 2019 sắp kết thúc, ông có thể đánh giá tổng quan về thị trường bảo hiểm năm nay?
Hiện nay, thị trường bảo hiểm Việt Nam có 65 doanh nghiệp, trong đó có 30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 15 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Thị trường bảo hiểm trong năm 2019 phát triển an toàn và bền vững. Năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động, khả năng quản trị điều hành và quản trị rủi ro của các doanh nghiệp bảo hiểm được nâng cao.
Toàn bộ các doanh nghiệp bảo hiểm đều đảm bảo khả năng chi trả bồi thường và quyền lợi bảo hiểm cho người tham gia bảo hiểm.
Kết quả hoạt động của thị trường bảo hiểm ước 11 tháng đầu năm 2019 như sau: tổng tài sản 456.823 tỷ đồng, tăng 20,17%; đầu tư trở lại nền kinh tế 379.240 tỷ đồng, tăng 20,04%; tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm 279.976 tỷ đồng, tăng 17,77%; tổng doanh thu phí bảo hiểm 140.911 tỷ đồng, tăng 20,46%; tổng nguồn vốn chủ sở hữu 96.997 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2018; chi trả quyền lợi bảo hiểm 38.590 tỷ đồng.
Theo ông, đâu là các yếu tố giúp thị trường duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, trong bối cảnh có không ít khó khăn, nhất là tình hình thiên tai, dịch bệnh với lĩnh vực phi nhân thọ và thiếu vắng sản phẩm đột phá của lĩnh vực nhân thọ?
Tôi cho rằng, thị trường bảo hiểm duy trì được mức tăng trưởng cao có thể kể đến khung khổ pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm tiếp tục được hoàn thiện.
Năm 2019, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm đã được ban hành bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ số 42/2019/QH14 ngày 14/6/2019; Nghị định số 80/2019/NÐ-CP ngày 1/11/2019; Thông tư số 65/2019/TT-BTC ngày 16/9/2019; Thông tư số 1/2019/TT-BTC ngày 02/1/2019; Quyết định số 242/QÐ-TTg ngày 28/2/2019 phê duyệt Ðề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025; Quyết định số 22/2019/QÐ-TTg ngày 26/6/2019 về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp...
Các văn bản mới được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm triển khai các sản phẩm mới, hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm nâng cao năng lực nhận bảo hiểm, giảm thủ tục hành chính, nâng cao năng lực của cơ quan quản lý trong công tác quản lý, giám sát và vận hành thị trường, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng cao cho thị trường bảo hiểm trong năm 2019.
Ðồng thời, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh trong bối cảnh lãi suất trái phiếu chính phủ giảm, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm bảo hiểm, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, đa dạng hóa và đẩy mạnh các kênh phân phối, nhất là kênh phân phối qua ngân hàng và giao dịch điện tử.
Với sự phát triển của ngành những năm qua, đến thời điểm này, liệu có thể khẳng định Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011-2020 sẽ được thực hiện thành công?
Sau 9 năm tiến hành đồng bộ các giải pháp theo Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Sản phẩm và chất lượng dịch vụ ngày càng được các doanh nghiệp cải thiện, đáp ứng nhu cầu của người tham gia bảo hiểm.
Cụ thể, khung khổ pháp lý về kinh doanh bảo hiểm dần được hoàn thiện theo hướng đơn giản hóa và giảm bớt thủ tục hành chính, tạo môi trường pháp lý đồng bộ, công khai, minh bạch và bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động trên thị trường, phù hợp với các chuẩn mực và cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
Công tác quản lý, giám sát nhà nước về kinh doanh bảo hiểm được đẩy mạnh theo hướng kết hợp giữa quản lý, giám sát từ xa và kiểm tra tại chỗ, tăng cường đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Cơ quan quản lý đã được kiện toàn về mô hình tổ chức và tăng cường về chức năng nhiệm vụ, đảm bảo thực hiện tốt chức năng quản lý, giám sát, hỗ trợ thị trường bảo hiểm phát triển an toàn, ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm và của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Các doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động an toàn, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp ngày càng được cải thiện. Các sản phẩm và chất lượng dịch vụ được tăng cường, ngày càng đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tham gia bảo hiểm.
Các mục tiêu cụ thể và mức độ đạt được là gì?
Về chỉ tiêu tổng doanh thu bảo hiểm đến năm 2020 đạt 3% - 4% GDP, kết quả thực hiện năm 2018 là 133.133 tỷ đồng, chiếm 2,9% GDP và dự kiến năm 2019 đạt 160.865 tỷ đồng, tăng 20,37% so với năm 2018.
Về chỉ tiêu quy mô các quỹ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm đến năm 2020 gấp 4,5 lần năm 2010, kết quả thực hiện năm 2018 là 241.092 tỷ đồng, gấp 4,36 lần năm 2010 và dự kiến năm 2019 đạt 287.089 tỷ đồng, tăng 19,08%.
Về chỉ tiêu tổng nguồn vốn huy động cho nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm đến năm 2020 gấp 3,5 lần so với năm 2010, kết quả thực hiện năm 2018 là 324.251 tỷ đồng, gấp 4 lần so với năm 2010 và dự kiến tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế năm 2019 đạt 364.027 tỷ đồng, tăng 13,89%.
Về chỉ tiêu tuân thủ các nguyên tắc quản lý, giám sát bảo hiểm do Hiệp hội Các nhà quản lý bảo hiểm quốc tế ban hành, hiện nay, theo báo cáo tự đánh giá với Diễn đàn Các nhà quản lý bảo hiểm Ðông Nam Á, Việt Nam đã tuân thủ hoàn toàn 13/26 nguyên tắc quản lý, giám sát bảo hiểm theo thông lệ quốc tế.
Ông có thể cho biết những giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm trong giai đoạn tới?
Quyết định số 242/QÐ-TTg ngày 28/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” đã đề ra các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể.
Mục tiêu chung là phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm an toàn, bền vững, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân, bảo đảm an sinh xã hội; doanh nghiệp bảo hiểm có năng lực tài chính vững mạnh, năng lực quản trị điều hành đạt chuẩn mực quốc tế, có khả năng cạnh tranh trong nước và khu vực.
Mục tiêu cụ thể là tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư, tổng dự phòng nghiệp vụ, tổng nguồn vốn chủ sở hữu, tổng doanh thu tăng bình quân 20% đến năm 2020; có 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ vào năm 2020; doanh thu phí bảo hiểm bình quân GDP đến năm 2020 tối đa 3%; các sản phẩm bảo hiểm ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu tham gia bảo hiểm khác nhau của mọi tổ chức, cá nhân; công nghệ hiện đại được áp dụng trong mọi hoạt động, lĩnh vực của hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhằm tạo điều kiện tối đa cho khách hàng tham gia bảo hiểm.
Ðể phát triển thị trường bảo hiểm trong giai đoạn mới, cơ sở pháp lý sẽ tiếp tục được hoàn thiện.
Cụ thể, nghiên cứu hoàn thiện, trình Chính phủ quyết định xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung tổng thể Luật Kinh doanh bảo hiểm; đơn giản hóa các thủ tục hành chính; tăng cường kết nối với các cơ quan quản lý, hội nhập, hợp tác quốc tế.
Ðồng thời với đó là các giải pháp nâng cao tính minh bạch thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm; phát triển và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm theo kịp với sự phát triển của cách mạng công nghệ 4.0;
Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử phạt hành chính; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường vai trò của các hội nghề nghiệp thông qua việc là đầu mối của toàn thị trường, cầu nối với các cơ quan có liên quan để thực thi chính sách hiệu quả;
Tăng cường kết nối liên thông giữa bảo hiểm y tế xã hội với bảo hiểm y tế thương mại; đẩy mạnh tuyên truyền về bảo hiểm; thiết lập hệ thống công nghệ thông tin, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng cơ sở dữ liệu cho thị trường bảo hiểm.
Ðối với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ: nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, đảm bảo an toàn hệ thống; nâng cao tính tuân thủ pháp luật, tăng cường hợp tác trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Ðối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ: khuyến khích phát triển đa dạng các sản phẩm mới; khuyến khích phát triển các sản phẩm có ý nghĩa cộng đồng và an sinh xã hội như bảo hiểm vi mô, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hưu trí; đa dạng hóa phương thức và phát triển các sản phẩm bảo hiểm phù hợp với xu thế kinh doanh gắn liền với cách mạng công nghệ 4.0.
Tính kết nối giữa các doanh nghiệp bảo hiểm về mặt dữ liệu, sự phối hợp của ngành bảo hiểm với các cơ quan chức năng và địa phương hiện còn yếu. Cơ quan quản lý đã có kế hoạch cụ thể để khắc phục hay chưa?
Ðề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” đã đề ra các giải pháp nhằm tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp bảo hiểm, tăng cường sự phối hợp của giữa các cơ quan quản lý, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm.
Cụ thể, tăng cường kết nối với các cơ quan quản lý; tăng cường hợp tác trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm để cạnh tranh lành mạnh, hợp tác trong chia sẻ thông tin, giảm thiểu rủi ro trục lợi bảo hiểm.
Ðồng thời, tăng cường vai trò của các hội nghề nghiệp: đẩy mạnh vai trò của hội nghề nghiệp thông qua việc là đầu mối của toàn thị trường trong việc tổng hợp ý kiến, phản ánh và đề xuất của các thành viên hội nghề nghiệp về cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm, cầu nối với các cơ quan có liên quan để thực thi chính sách hiệu quả.
Bên cạnh đó, tăng cường kết nối liên thông giữa bảo hiểm y tế xã hội với bảo hiểm y tế thương mại: nghiên cứu, đề xuất phương án chia sẻ thông tin, tăng cường kết nối liên thông giữa bảo hiểm xã hội với bảo hiểm y tế thương mại theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, khuyến khích phát triển các sản phẩm bảo hiểm mà xã hội có nhu cầu cao, đảm bảo hiệu quả, mang lại lợi ích tối ưu cho người tham gia bảo hiểm.
Ngoài ra, thiết lập hệ thống công nghệ thông tin, hạ tầng kỹ thuật; xây dựng cơ sở dữ liệu cho thị trường bảo hiểm; triển khai dự án hệ thống thông tin nhằm hệ thống hóa một cách đồng bộ, toàn diện toàn bộ dữ liệu ngành bảo hiểm, vừa phục vụ công tác quản lý giám sát, vừa xây dựng cơ sở tính toán phí bảo hiểm thuần, kiểm soát rủi ro và trục lợi bảo hiểm, giảm thiểu cạnh tranh không lành mạnh.