Các DN bảo hiểm đang chuẩn bị đón nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ và thực chất hơn

Các DN bảo hiểm đang chuẩn bị đón nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ và thực chất hơn

Thị trường bảo hiểm 2015: Cơ hội rõ nét hơn

(ĐTCK) Năm 2014 là một năm khá thành công của các doanh nghiệp ngành bảo hiểm, với tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt hơn 52.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 14%, một mức tăng trưởng đáng mơ ước khi nền kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều khó khăn.

Trên nền tảng đó, năm 2015 được các chuyên gia trong ngành đánh giá sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng. Dẫu vậy, vẫn còn không ít những trở ngại từ nội tại đến khách quan, trong đó có cả những thách thức cũ mà ngành này phải vượt qua.

Nhân thọ: nhiều yếu tố hỗ trợ thị trường tăng trưởng

Theo ước tính của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), năm 2014, khối  bảo hiểm nhân thọ đạt hơn 27.000 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm, tăng trưởng gần 18% so với năm 2013. Đây là những con số khá đẹp cho một năm nền kinh tế chưa dứt khó khăn. 

Trao đổi với ĐTCK về cơ hội của thị trường bảo hiểm nhân thọ, ông Garth Jones, Phó tổng giám đốc tài chính Tập đoàn AIA cho rằng, dù có những lo ngại về ảnh hưởng của  chính sách thắt chặt tiền tệ của ngân hàng trung ương một số nước, nhưng các nền kinh tế châu Á nói chung vẫn tăng trưởng khá ổn định, dù có thời điểm họ gặp những thách thức nhất định. Có thể nhìn thấy rất rõ sự phục hồi kinh tế từ sức mạnh nội tại ở các quốc gia này.

“Chúng tôi cho rằng, những điều kiện kinh tế cơ bản để dẫn dắt sự phát triển của thị trường châu Á không có gì thay đổi và chúng tôi vẫn giữ cái nhìn tích cực về triển vọng tăng trưởng của thị trường bảo hiểm nhân thọ trong khu vực châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng trong thời gian tới”, ông Garth Jones nhìn nhận.

Cùng với những yếu tố vĩ mô tích cực sẽ tác động tốt đến thị trường, các công ty bảo hiểm nhân thọ tin tưởng, năm 2015 sẽ lại là năm thành công lớn của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tại thị trường Việt Nam. Bởi sự tăng trưởng của nền kinh tế giúp tầng lớp khách hàng trung lưu tăng lên hàng năm, đây vẫn là đối tượng khách hàng chính của các công ty bảo hiểm.

Ngoài ra, năm 2015 cũng sẽ có nhiều chính sách thuế tạo điều kiện cho ngành bảo hiểm phát triển. Chẳng hạn, mức khấu trừ thuế thu nhập cá nhân cho doanh nghiệp và cá nhân mua bảo hiểm sẽ nâng lên mức 3 triệu đồng, thay vì 1 triệu đồng như quy định hiện nay… Để đón đầu những cơ hội này, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng đang ráo riết tiến hành các hoạt động marketing, cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm đa dạng và chất lượng cao.

Tuy nhiên, cùng với những nhận định tích cực trên, khối bảo hiểm nhân thọ cũng còn tồn tại những nghi ngại về chất lượng lượng tăng trưởng doanh thu khai thác mới của một số công ty và chất lượng dịch vụ. Đặc biệt, việc mở rộng ồ ạt các văn phòng tổng đại lý trong khi quy định quản lý và kiểm soát chất lượng dịch vụ chưa theo kịp cũng đã tạo ra nhưng hệ lụy liên quan đến chất lượng tư vấn và bán bảo hiểm, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành này.

“Vấn đề tổng đại lý và mở rộng tổng đại lý không phải vấn đề mới, những hệ lụy từ việc mở rộng các văn phòng tổng đại lý cũng đã được tiên lượng trước”, đại diện một công ty bảo hiểm nhân thọ nhìn nhận.

Cùng với việc rà soát lại hoạt động của các tổng đại lý, chất lượng tư vấn bảo hiểm của đội ngũ đại lý, tư vấn bảo hiểm… cũng là những vấn đề các doanh nghiệp khối này cần hoàn thiện trong những năm tới để chuẩn bị đón nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ và thực chất hơn. 

Phi nhân thọ ưu tiên cho chất lượng tăng trưởng

Không tăng trưởng cao như khối bảo hiểm nhân thọ, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tạm hài lòng với con số doanh thu phí ước đạt hơn 25.000 tỷ đồng, tăng trưởng 10,5% so với năm 2013. Nhưng tốc độ tăng trưởng của thị trường này được đánh giá chưa tương xứng với kỳ vọng, bởi các nghiệp vụ bảo hiểm truyền thống vẫn chưa thực sự phục hồi.

Theo ông Trần Hoài An, Tổng giám đốc Tổng CTCP Bảo hiểm BIDV (BIC), mức tăng trưởng doanh thu toàn thị trường mặc dù chưa thể so sánh với những giai đoạn tăng trưởng “vàng” trước đây, nhưng đã quay trở lại mức 2 con số. Đây là tín hiệu để hy vọng vào sự phục hồi của thị trường trong những năm tiếp theo. Thị trường chưa thực sự phục hồi một mặt tạo ra thách thức cho các doanh nghiệp bảo hiểm, mặt khác lại là cơ hội để các doanh nghiệp bảo hiểm nhìn nhận, đánh giá, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, chuẩn bị cho sự tăng trưởng ổn định, bền vững khi thị trường “ấm” trở lại.

Trong bối cảnh các phân khúc bảo hiểm truyền thống gặp nhiều khó khăn và khó có thể phục hồi trong ngắn hạn, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tập trung đẩy mạnh khai thác các sản phẩm bán lẻ, đặc biệt là các sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm con người. Bên cạnh đó, công tác phát triển mạng lưới, thành lập thêm các công ty thành viên/chi nhánh mới, thâm nhập các địa bàn tiềm năng, đa dạng kênh phân phối, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng… cũng được các doanh nghiệp nỗ lực thực hiện.

Ngoài ra, năm 2014, bảo hiểm phi nhân thọ cũng được ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt việc phòng chống trục lợi bảo hiểm cũng được các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện tốt thông qua việc tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh, bồi dưỡng, nâng cao trình độ của cán bộ bảo hiểm, tăng cường cơ chế hợp tác, chia sẻ thông tin giữa các doanh nghiệp bảo hiểm… Tình trạng cạnh tranh phi kỹ thuật như hạ phí, mở rộng điều khoản, tăng chi ngoài tiếp tục là vấn đề cần giải quyết của các doanh nghiệp khối này trong năm 2015 và có thể một vài năm tiếp theo.

Tạm bỏ qua những bất cập còn tồn tại và cần phải tiếp tục giải quyết, những tín hiệu phục hồi của nền kinh tế được dự báo sẽ rõ nét hơn trong năm 2015 sẽ là kỳ vọng để thị trường bảo hiểm phi nhân thọ có một năm thành công với tốc độ tăng trưởng cao. Theo các chuyên gia trong ngành, việc Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sớm được ký kết sẽ tạo cú hích cho ngành tài chính ngân hàng, góp phần giải quyết những ách tắc, qua đó, tác động tích cực tới thị trường bảo hiểm. Thị trường chứng khoán cũng được dự báo sẽ khởi sắc hơn trong năm 2015, đây là cơ hội để các doanh nghiệp bảo hiểm đa dạng hóa danh mục đầu tư, nâng cao mức sinh lời. Đặc biệt, phân khúc bán lẻ sẽ tiếp tục được các doanh nghiệp bảo hiểm tập trung phát triển mạnh.

Trao đổi với ĐTCK, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cho biết, cân đối tốt hơn giữa mục tiêu tăng trưởng và lợi nhuận, trong đó lợi nhuận sẽ là mục tiêu quan trọng hơn đối với phần lớn các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ năm 2015 và những năm tiếp theo.

“Dù tình hình kinh tế khó khăn, doanh thu tăng trưởng chậm, trong khi bồi thường và các chi phí khác vẫn ở mức cao, nhưng các cổ đông không cho phép doanh nghiệp tiếp tục lỗ. Mấy năm nay, khối phi nhân thọ không có thêm công ty bảo hiểm nào được thành lập mới. Các công ty đang hoạt động nếu không lo quản lý chi phí thì chỉ có nước phá sản”, vị đại diện trên phân tích.

Được biết, theo quy định của Bộ Tài chính, những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm trong 2 năm tài chính liên tiếp bị thua lỗ sẽ phải báo cáo ngay Bộ Tài chính về thực trạng, nguyên nhân và thực hiện phương án theo yêu cầu của Bộ Tài chính. Quy định này đòi hỏi các doanh nghiệp bảo hiểm phải nắm bắt và điều chỉnh phí bảo hiểm, chi phí khai thác, chi phí quản lý ngay năm đầu tiên khi phát hiện ra nghiệp vụ bảo hiểm nào thua lỗ, để tránh tình trạng tiếp diễn 2 năm liên tục thua lỗ…

Ngoài ra, theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2015 sẽ là năm nước rút hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu bảo hiểm khai thác, quản lý khách hàng, quản lý đối tượng được bảo hiểm, quản lý đại lý môi giới bảo hiểm, giám định bồi thường kết nối với hệ thống kế toán của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Nếu không hoàn thành, chắc chắn, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ gặp khó khăn trong việc tuân thủ các quy định của Nghị định 46, Thông tư 124, Thông tư 125, Thông tư 232/2012/TT-BTC, Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 124, Thông tư 125; Chế bộ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. 

Tin bài liên quan