Doanh nghiệp trong nước trỗi dậy
“Có nhiều điểm tích cực xung quanh cuộc cạnh tranh trên thị trường bán lẻ”, ông Alex Crane, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam đã nhận định như vậy khi nói về thị trường tiêu dùng với gần 100 triệu dân của Việt Nam.
Tốc độ phát triển của các trung tâm mua sắm như Vincom (thuộc Vingroup), hay sự đầu tư của AEON, Lottemart và các chuỗi siêu thị của các ông chủ tỷ phú Thái Lan đã lọt vào tầm quan sát của vị CEO có nhiều kinh nghiệm trên thị trường vốn và bất động sản này.
Với ông Alex Crane, Vincom là đơn vị phân phối, bán lẻ có tầm ảnh hưởng rất tích cực tới thị trường, bởi tên tuổi này đã mang đến cho người tiêu dùng những mặt hàng thực phẩm tốt được lựa chọn kỹ càng. Đây cũng là tên tuổi khiến cuộc cạnh tranh trên thị trường phân phối bán lẻ thêm phần khốc liệt.
Tuy nhiên, sẽ có nhiều cạnh tranh hơn nữa giữa các nhóm siêu thị. Hiện khá nhiều doanh nghiệp nước ngoài vẫn chưa tham gia thị trường bán lẻ tại Việt Nam, bởi nguyên nhân chính vì giá thuê mặt bằng cao.
Theo ông Alex Crane, phương án tốt nhất để thâm nhập thị trường là thông qua M&A. Có thể góp vốn thành lập liên doanh hoặc mua lại cổ phần của nhà bán lẻ địa phương, nhà bán lẻ ngoại đang có mặt ở Việt Nam đang có tình hình kinh doanh không tốt.
Thực tế, vài năm qua, M&A ngành bán lẻ lên ngôi tại Việt Nam. Đỉnh cao là năm 2016 - 2017 với giá trị chiếm tới 38,46% tổng giá trị của các thương vụ. Nếu mấy năm trước, nhà đầu tư ngoại áp đảo, thì những động thái gần đây cho thấy, các nhà đầu tư nội ngày càng tỏ rõ vị thế và có chiến lược chủ động hơn.
Các nhà đầu tư nội ngày càng tỏ rõ vị thế và có chiến lược chủ động, quyết liệt cạnh tranh giành vị thế trên thị trường bán lẻ.
Trong đó, có những thương vụ điển hình. Đầu năm 2019, VinCommerce, đơn vị thành viên của Tập đoàn Vingroup, đã hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ chuỗi Fivimart gồm 23 siêu thị từ Công ty cổ phần Nhất Nam và từ AEON - đơn vị sở hữu 30% cổ phần.
Trước đó, chuỗi bán lẻ điện thoại Viễn thông A đã trở thành công ty con của Vingroup. Việc mua lại Viễn thông A được xem là động thái mới nhất của Vingroup mở rộng kênh phân phối cho điện thoại thương hiệu Vsmart. Cùng với hệ thống VinPro sẽ giúp củng cố vị thế tập đoàn trong lĩnh vực bán lẻ điện thoại, điện máy. Cá biệt hơn, chuỗi cửa hàng tiện lợi Shop&Go (Singapore) chủ động đề nghị được nhượng lại toàn bộ chuỗi gồm 87 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động cho Công ty VinCommerce chỉ với giá 1 USD.
Trong khi đó, Saigon Co.op đã nhận chuyển giao tất cả hoạt động bán lẻ Auchan (Pháp) tại thị trường Việt Nam. Auchan là đại diện châu Âu cuối cùng rời khỏi thị trường bán lẻ được đánh giá là tiềm năng hàng đầu khu vực châu Á. Đây cũng là lần đầu tiên một doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam tiếp nhận lại một thương hiệu bán lẻ tầm cỡ thế giới.
Bán lẻ tiếp tục là mục tiêu của các nhà đầu tư
Những động thái trên cho thấy, các nhà đầu tư nội đang quyết liệt cạnh tranh giành vị thế của mình trên thị trường.
Thống kê của Công ty AVM Việt Nam cho thấy, nếu năm 2016 là năm lên ngôi của ngành bán lẻ với các thương vụ mua lại các chuỗi phân phối, thì năm 2017, ngành có tỷ trọng giá trị M&A lớn nhất là sản xuất hàng tiêu dùng (57%), tiếp theo là ngành bất động sản (27%), tài chính - ngân hàng (4%), vật liệu hóa chất (3%).
Trong giai đoạn từ tháng 7/2018 - 7/2019, các công ty hoạt động đa ngành (19,67%), bất động sản - xây dựng (19,98%) và ngành sản xuất hàng tiêu dùng (10,53%) tiếp tục là các ngành dẫn đầu trong hoạt động đầu tư và M&A tại Việt Nam.
Mặc dù các thương vụ M&A trong lĩnh vực này có phần chững lại về cả số lượng và giá trị, song giới chuyên môn vẫn cho rằng, ngành bán lẻ tiếp tục là mục tiêu của các nhà đầu tư bởi tốc độ tăng trưởng và nhu cầu tiêu dùng cao của thị trường.
Với một thị trường gần 100 triệu dân, dân số trẻ, các thương vụ trong lĩnh vực hàng tiêu dùng rất được quan tâm. Các thương vụ này có thể bao gồm chuyển nhượng các công ty sở hữu những thương hiệu địa phương lâu đời hoặc mới nổi, kèm theo đó là thị phần đối với một số chủng loại hàng hóa.
Tuy nhiên, sự thâm nhập vào thị trường tiềm năng này qua lĩnh vực M&A có thể bị giới hạn do số lượng các mục tiêu có thể đầu tư hoặc mua lại sẽ không còn nhiều như trước.
Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái nêu nghi vấn, vì sao Walmart (Mỹ) vẫn chưa sẵn sàng nhảy vào Việt Nam, dù họ nhìn thấy tiềm năng tại thị trường này, phải chăng họ đang chờ đợi đến khi nào thấy thật sự tiềm năng thì mới đầu tư.
“Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam quyết tâm xây dựng tương lai bằng cách tích góp cho đến khi “đủ lớn”, nhưng 10 năm sau, rất có thể Walmart sẽ đầu tư ngay “sát vách” nhà bán lẻ trong nước, thậm chí có thể thâu tóm một tên tuổi nào đó sắp phá sản”, ông Đoàn nói.