Nếu như trước đây trong Top 10 thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, CTCK ngoại chỉ có KIS góp mặt và thường đứng dưới Top 5, thì trong quý II và III năm nay có thêm một cái tên đang nổi bật trên thị trường là MAS khi có bước tiến mạnh mẽ về thị phần.
Cụ thể, trong quý II/2019, MAS vượt qua CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS), CTCK Rồng Việt (VDSC), CTCK VPS (VPS) để đứng ở vị trí thứ 7 với 3,68% thị phần và trong quý III/2019 tiếp tục vượt lên trên cả CTCK Bảo Việt (BVSC), CTCK MB (MBS) để lọt vào Top 5 CTCK có thị phần môi giới lớn nhất với 5,27% thị phần và đứng ở vị trí thứ 5.
Sự vươn lên của MAS là nhờ sự hậu thuẫn của Công ty mẹ đến từ Hàn Quốc là Mirae Asset Securities (HK) Ltd. Năm 2018, MAS được công ty này cấp thêm 2.300 tỷ đồng, qua đó nâng vốn điều lệ lên 4.300 tỷ đồng và trở thành CTCK có vốn điều lệ lớn thứ 2 thị trường, sau CTCK SSI (SSI).
Nhờ có nguồn vốn lớn mà MAS có thể gia tăng quy mô các khoản cho vay và ứng trước. Tính đến hết quý II/2019, dư nợ margin của MAS cao thứ 2 thị trường, đạt khoảng 5.000 tỷ đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, MAS sẽ còn bứt phá về thị phần trong thời gian tới, bởi mới đây, MAS đã thông qua phương án tăng tiếp vốn điều lệ lên 5.455 tỷ đồng bằng việc góp thêm vốn từ Mirae Asset Securities (HK) Ltd.
Nguồn vốn dồi dào và chi phí vốn rẻ giúp MAS đưa ra các chính sách cạnh tranh về phí giao dịch, lãi suất margin…
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, một nhà đầu tư lớn cho biết, MAS có thể đưa ra các “deal” (khuyến mãi, ưu đãi) lãi suất cạnh tranh nhất hiện nay, quanh mức 9%/năm. Chính điều này đã giúp MAS ngày càng gia tăng được lượng khách hàng lớn mở tài khoản và giao dịch tại Công ty.
Nhìn vào bảng thị phần qua 4 quý gần đây cho thấy, nhiều CTCK không thay đổi vị trí, nhưng có sự nhích lên về thị phần, đồng nghĩa với việc các CTCK còn lại đang mất dần thị phần.
Không bứt tốc như MAS, song CTCK KIS Việt Nam (KIS) vẫn đang duy trì “phong độ” trong cuộc đua về thị phần. Với nguồn vốn 2.000 tỷ đồng, dư nợ margin của KIS cũng thuộc nhóm cao nhất thị trường.
Hai vị trí cao nhất trong Top 10 thị phần môi giới quý III/2019 vẫn thuộc về SSI và HSC (CTCK TP.HCM), lần lượt là 13,6% và 10,59%. Với SSI, thị phần quý III nhích nhẹ so với quý trước (13,15%), nhưng giảm mạnh hơn so với quý đầu năm (14,54%).
Trong khi đó, thị phần quý III của HSC giảm so với 2 quý đầu năm.
HSC được đánh giá là CTCK có lợi thế về khách hàng tổ chức, nhất là các quỹ. Nhờ đối tượng khách hàng này mà HSC có thể trụ vững trong bối cảnh nhiều CTCK khác chạy đua cạnh tranh về phí, lãi suất.
Tuy nhiên, câu chuyện ở HSC là phải tăng vốn nếu muốn duy trì vị thế hiện tại, cũng như gia tăng được thị phần.
Dời khỏi Top 3, thị phần của VCSC giảm mạnh từ 9,37% trong quý II/2019 về 7,04% trong quý III/2019.
Thế mạnh của VCSC là hoạt động IB (ngân hàng đầu tư), qua đó khối khách hàng tổ chức nước ngoài là lợi thế của CTCK này. Việc nhóm khách hàng này giao dịch kém trong quý III vừa qua là một trong những nguyên nhân làm giảm thị phần của VCSC.
Với hoạt động bán lẻ, VCSC không được đánh giá quá xuất sắc. Chưa kể, năm nay, VCSC chưa có các deal giao dịch lớn để có thể bứt phá về thị phần.
Trong khi quý IV/2018, nhờ một số thương vụ lớn như Masan bán lượng cổ phiếu quỹ trị giá 11.000 tỷ đồng cho SK Group, hay KKR bán cổ phiếu giá trị 5.000 tỷ đồng cho GIC (Singapo)... mà VCSC có được thị phần ấn tượng hơn 17%.
Một bất ngờ khác là việc lọt vào Top 10 thị phần môi giới quý III/2019 của CTCK BOS (BOS, tiền thân là CTCK Artex) với 3,67% thị phần. Theo giới phân tích, con số thị phần này chủ yếu đến từ các tài khoản giao dịch lớn đối với các cổ phiểu ROS, FLC, GAB…
Trên thị trường UPCoM, CTCK Tân Việt (TVSI) trở thành “hiện tượng” với thị phần tăng vọt lên hơn 10%.
Nhiều ý kiến cho rằng, TVSI thắng lớn trong quý III vừa qua nhờ nhiều tài khoán giao dịch lớn đặt tại đây, trong đó có nhóm cổ phiếu “Viettel” là VGI, CTR, VTP, VTK - nhóm được giao dịch sôi động nhất trên sàn UPCoM trong quý III/2019.
Giám đốc một CTCK cho rằng, nhiều “ông lớn” thời gian qua có tăng vốn, nhưng không mạnh, nên chưa thấy được sự khác biệt.
Nhưng nay, bức tranh cạnh tranh đã thay đổi và chủ yếu cạnh tranh bằng giá, nên xu hướng chung là phải bổ sung nguồn vốn, chi phí sử dụng vốn càng rẻ càng có lợi thế.
“Thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở giai đoạn sơ khởi, chưa đi vào cạnh tranh chiều sâu, mà chủ yếu cạnh tranh về giá. Chính vì vậy, những CTCK có được nguồn vốn ngoại có thể giành thị phần không quá khó khăn.
Và nếu tiếp tục tăng quy mô vốn giá rẻ, huy động cả trái phiếu… thì tổng quy mô margin của những CTCK này đến thời điểm nào đó sẽ vượt cả những CTCK tốp đầu”, vị này nhìn nhận.
Theo ước tính của vị giám đốc trên, quy mô vốn hoá thị trường cổ phiếu khoảng 150 tỷ USD và lúc nào cũng có nhu cầu margin, nhưng chỉ khoảng 30% là đạt yêu cầu để cấp margin, tương đương 50 tỷ USD.
Trong khi đó, tổng margin toàn thị trường hiện nay chỉ khoảng 2 tỷ USD. Điều này cho thấy, nhu cầu hấp thụ vốn của thị trường là rất cao.
Một điểm khác biệt trong năm nay là các deal không cần giao dịch (trading) rất lớn. Những năm trước, CTCK luôn ưu tiên cho các deal trading nhiều, tức là có giao dịch nhiều (chẳng hạn, trong 1 tháng phải đạt một mức giá trị tối thiểu nào đó do CTCK đề ra - PV), nhưng thực tế vẫn tồn tại nhiều doanh nghiệp có nhu cầu về margin, nhưng không hẳn là để giao dịch.
Vị giám đốc trên cho biết, các tập đoàn tài chính Hàn Quốc thường không yêu cầu giá trị giao dịch tối thiểu, thậm chí khoản vay có thể kéo dài 6 tháng/lần mới đảo một lần, thay vì 3 tháng/lần như trước đây.
Chính vì vậy, những CTCK có lợi về nguồn vốn ngoại sẽ thu hút được nhiều khách hàng của CTCK lớn - nơi mà khách hàng có thể phải chịu áp lực về giao dịch.
Đặt trong bối cảnh thị trường hiện nay, thanh khoản đi xuống, tổng phí giao dịch toàn thị trường giảm, doanh thu CTCK giảm, nhưng lãi margin vẫn tốt, thậm chí có CTCK còn tăng nhờ ổn định được dư nợ.
Một CTCK nội đang được đánh giá cao về nguồn vốn là CTCK VPS (VPS) cũng đang tung các chính sách hấp dẫn về giao dịch và lãi suất margin. Điều VPS đạt được là thị phần trên cả HOSE, HNX và chiếm hơn phân nửa thị phần thị trường phái sinh.
VPS cũng rất “chịu chi” cho hệ thống công nghệ, nhiều khách hàng đã quen với sự tiện dụng, tiện ích của hệ thống giao dịch VPS nên không muốn chuyển qua CTCK khác để giao dịch.