RIC tăng giá gần 4 lần trước nguy cơ hủy niêm yết
Cổ phiếu RIC của Công ty cổ phần Quốc tế Hoàng Gia (RIC) đã tăng mạnh từ ngày 8/1, từ mức giá 4.800 đồng/cổ phiếu lên 23.600 đồng/cổ phiếu vào ngày 18/2. Như vậy, cổ phiếu này đã tăng tới 392% trong vòng hơn 1 tháng. Trong đó, có nhiều phiên giao dịch cổ phiếu tăng trần với dư mua số lượng lớn.
Đà tăng mạnh của cổ phiếu này diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp... báo lỗ. Cụ thể, trong năm 2020, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 125,5 tỷ đồng, giảm 46,8% so với thực hiện trong năm 2019, lỗ tới 81,5 tỷ đồng.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp doanh nghiệp này báo lỗ. Năm 2019, RIC báo lỗ 72,8 tỷ đồng. Lỗ luỹ kế của doanh nghiệp tính tới 31/12/2020 là 309,8 tỷ đồng.
Trong báo cáo soát xét bán niên 2020, khi doanh nghiệp mới lỗ 54,3 tỷ đồng, kiểm toán viên đã nhấn mạnh, "diễn biến của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình tài chính và hoạt động sản xuất - kinh doanh của RIC. Những điều kiện này, cùng với các vấn đề khác cho thấy sự tồn tại không chắc chắn có thể ảnh hưởng trọng yếu liên quan hoạt động liên tục của Công ty".
Như vậy, tính tới cuối năm 2020, tình hình kinh doanh của RIC có dấu hiệu xấu hơn giai đoạn 6 tháng đầu năm 2020.
Cổ phiếu RIC đã tăng mạnh từ mức giá 4.800 đồng/cổ phiếu vào ngày 8/1 lên 23.600 đồng/cổ phiếu vào ngày 18/2).
Được biết, doanh thu của RIC chủ yếu đến từ Khách sạn Hoàng Gia Hạ Long và khu vui chơi có thưởng dành cho người nước ngoài. Cụ thể, năm 2018, doanh thu khách sạn chiếm 38% tổng doanh thu, khu vui chơi chiếm 62% tổng doanh thu. Năm 2019, doanh thu khách sạn chiếm 59% tổng doanh thu và doanh thu khu vui chơi chiếm 41%.
Công ty Quốc tế Hoàng Gia hiện đang quản lý và vận hành khách sạn Hoàng Gia Hạ Long tại vịnh Hạ Long với 168 phòng, 11 căn biệt thự xây dựng riêng biệt; khu vui cho có thưởng dành cho người nước ngoài.
Có thể thấy, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng mạnh bởi lượng khách du lịch trong nước và quốc tế. Trong đó, dịch vụ vui chơi có thưởng dành cho người nước ngoài đóng góp trọng yếu trong cơ cấu doanh thu.
Với diễn biến dịch Covid-19 có dấu hiệu phức tạp trong nước, hoạt động kinh doanh của RIC vẫn tiếp tục gặp thách thức trong năm 2021.
Theo quy định tại Nghị định 58/2012/NĐ-CP, doanh nghiệp bị huỷ niêm yết bắt buộc trong các trường hợp: kết quả sản xuất - kinh doanh bị thua lỗ 3 năm liên tiếp; hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét; hoặc tổ chức kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán hoặc có ý kiến không chấp nhận hoặc từ chối cho ý kiến với báo cáo tài chính năm gần nhất của tổ chức niêm yết.
Nếu như doanh nghiệp không thể ghi nhận lãi trong năm nay, doanh nghiệp sẽ phải hủy niêm yết bắt buộc và kịch bản này nếu xảy ra sẽ khiến thanh khoản cổ phiếu suy giảm, nhà đầu tư bị mắc kẹt.
Cổ phiếu VHG của Công ty cổ phần Đầu tư Cao su Quảng Nam trước khi bị huỷ niêm yết bắt buộc vào đầu năm 2019 cũng đã trải qua chuỗi tăng 24 phiên trần liên tiếp từ vùng giá 470 đồng/cổ phiếu lên 1.940 đồng/cổ phiếu, tức tăng 313%. Tuy nhiên, kể từ khi huỷ niêm yết trên HOSE và chuyển sang UPCoM, cổ phiếu này gần như mất thanh khoản trong một giai đoạn kéo dài. Chỉ từ tháng 12/2020 tới nay, cổ phiếu VHG mới bắt đầu có thanh khoản trở lại.
Báo lỗ năm đầu tiên, DXG vượt đỉnh 2020
Tương tự RIC, cổ phiếu DXG của Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh trong giai đoạn từ đầu tháng 12/2020 tới ngày 17/2/2021đã tăng 76,6%, lên 24.550 đồng/cổ phiếu.
Giá cổ phiếu bật tăng mạnh trong bối cảnh Đất Xanh công bố báo cáo tài chính năm 2020 với doanh thu đạt 2.891 tỷ đồng, giảm tới 50% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ lỗ tới 432 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên doanh nghiệp báo cáo lỗ kể từ khi lên niêm yết vào năm 2009.
Một điểm tiêu cực nữa trong báo cáo tài chính của Đất Xanh là dòng tiền hoạt động kinh doanh chính âm 361,2 tỷ đồng. Đây là năm thứ 5 liên tiếp dòng tiền hoạt động kinh doanh âm và Đất Xanh phải huy động nguồn vốn từ bên ngoài tài trợ cho hoạt động kinh doanh.
Chỉ trong giai đoạn từ 2017- 2020, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Công ty đã tăng 135% lên 5.945,3 tỷ đồng, tương ứng doanh nghiệp đã tăng vay nợ ròng thêm 3.415,9 tỷ đồng và chiếm 25,3% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp.
Hoạt động kinh doanh cốt lõi liên tục thâm hụt vốn kéo dài, trong khi doanh nghiệp báo cáo lỗ, nhưng giá cổ phiếu DXG lại vượt đỉnh 14.000 - 15.000 đồng/cổ phiếu xác lập trong năm 2020 và vượt xa mức giá mục tiêu Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) và Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đưa ra (lần lượt là 15.000 đồng/cổ phiếu và 17.300 đồng/cổ phiếu).
Báo cáo phân tích của SSI Research cho rằng, năm 2021, Đất Xanh có kế hoạch phục hồi mạnh mẽ từ việc bàn giao các dự án đã hầu như bán hết, bao gồm Opal Boulevard (Bình Dương), St. Moritz (Thủ Đức) và một phần Gem Sky World (Long Thành).
Công ty tiếp tục bán dự án thấp tầng Gem Skyworld (Đồng Nai) và đặt mục tiêu mở bán hai dự án chung cư mới có quy mô tầm trung tại Bình Dương. Trong khi đó, dự án Gem Riverside tại quận 2, TP.HCM vốn đã bị đình trệ trong 2 năm gần đây do quá trình xin cấp phép kéo dài cũng có triển vọng tái khởi động và mở bán lại.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của kỳ vọng vào một năm 2021. Nếu như mọi chuyện tốt đẹp, doanh nghiệp bàn giao được dự án cho nhà đầu tư, thủ tục pháp lý được cấp phép cho các dự án.
Tuy nhiên, trong năm 2020, doanh nghiệp cũng từng có lời hứa với cổ đông khi ghi nhận doanh thu từ 700 lô đất thuộc dự án Gem Sky World Long Thành (Đồng Nai), nhưng do thủ tục pháp lý chậm hơn dự kiến, việc ghi nhận vẫn không diễn ra.
Trong khi dự án Gem Riverside tại quận 2, TP.HCM vốn đã bị đình trệ trong 2 năm cũng chưa chắc có thể triển khai được trong năm 2021.
Trên thị trường, nhiều nhà đầu tư đồn đoán Đất Xanh đang chuẩn bị IPO công ty con dịch vụ bất động sản chuyên lĩnh vực môi giới, điều này kỳ vọng giúp định giá lại tài sản của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, Công ty vẫn chưa có động thái cụ thể nào.
Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2020, doanh nghiệp cho biết đã tạm hoãn kế hoạch IPO do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trong lịch sử, giá cổ phiếu có thể biến động lên xuống trong ngắn hạn theo cung - cầu của thị trường, tuy nhiên để thiết lập được một vùng giá cao mới và duy trì được thì đà tăng của các cổ phiếu cần phải đi kèm với kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh.
Việc cổ phiếu tăng nóng trong khi tình hình kinh doanh kém khả quan sẽ dẫn tới rủi ro điều chỉnh khi những nhà đầu tư lớn đồng loạt chốt lời.