Thiếu tá Vương Ngọc Bắc, Phó trưởng phòng Tham mưu Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết đơn vị đang hoàn thiện quy trình nghiệp vụ để tích hợp việc nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia (dichvucong.gov.vn).
Cụ thể, từ 12/3, CSGT sẽ thí điểm nội dung trên tại 5 địa phương có tỷ lệ xử phạt vi phạm hành chính về giao thông chiếm một nửa cả nước gồm: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Bình Thuận.
Khi thí điểm, bên cạnh cách nộp phạt như lâu nay là đến kho bạc, người dân được lựa chọn vào cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia để nộp phạt qua mạng.
Cục CSGT sẽ cập nhật dữ liệu người vi phạm lên hệ thống cơ sở dữ liệu của đơn vị và tích hợp với hệ thống dịch vụ công; từ đó người dân có thể tìm tên, lỗi vi phạm và thực hiện các bước nộp phạt trên cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia; đồng thời lựa chọn hình thức nhận quyết định nộp phạt, giấy đăng ký, bằng lái tại nhà thông qua hệ thống bưu điện.
Sau khi hoàn thiện hạ tầng và dữ liệu, việc nộp phạt giao thông qua mạng sẽ áp dụng trên toàn quốc từ tháng 6/2020.
4 năm trước, Cục CSGT và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác về thu nộp hộ tiền xử phạt và chuyển trả giấy tờ tạm giữ trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Theo thoả thuận này, người vi phạm có thể lựa chọn phương thức nộp tiền phạt vi phạm giao thông tại các bưu cục trên cả nước và nhận lại giấy tờ bị tạm giữ tại nhà. Qua đó, người dân có thêm lựa chọn cách thức nộp tiền vi phạm, tuy nhiên họ vẫn phải đến bưu điện để làm thủ tục.
Để khắc phục hạn chế trên, ngày 6/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công an sớm cung cấp dịch vụ thu tiền nộp phạt vi phạm giao thông đường bộ trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn) hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến được khai trương cuối năm 2019. Hiện cổng cung cấp 5 dịch vụ công trực tuyến tại 63 địa phương là: Đổi giấy phép lái xe; thông báo hoạt động khuyến mại; cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình); dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp).