Chưa có quy định chính thức về vệc công trình bao nhiêu tầng thì được miễn mua bảo hiểm bắt buộc

Chưa có quy định chính thức về vệc công trình bao nhiêu tầng thì được miễn mua bảo hiểm bắt buộc

Thi công nhà nhỏ có phải mua bảo hiểm?

(ĐTCK) Sau bài báo “Hết thời chủ đầu tư “trốn” mua bảo hiểm công trình”, ĐTCK nhận được phản hồi của một số độc giả, băn khoăn không rõ có bắt buộc phải mua bảo hiểm đối với nhà phố, nhà thấp tầng, nhà nhỏ hay không?

Câu trả lời chưa ngã ngũ

Gửi câu hỏi tới ĐTCK, anh Hoàng Văn Thành (từ email hoang.thanh@pungkookvn.com) băn khoăn không rõ công trình là nhà phố có nằm trong diện bắt buộc mua bảo hiểm công trình hay không?

“Qua bài báo, tôi được biết, có 4 nhóm công trình phải mua bảo hiểm đó là công trình quan trọng quốc gia, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp; có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng; có ảnh hưởng lớn đến môi trường; và có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công phức tạp. Tuy nhiên, nhà tôi đang xây chỉ là nhà phố, khi đang tiến hành xây dựng thì bên thanh tra đến kiểm tra giấy tờ. Có phải nhà tôi không nằm trong nhóm bắt buộc mua bảo hiểm công trình hay không?”, anh Thành hỏi.

Ngoài ra, ĐTCK cũng nhận được những câu hỏi tương tự, liên quan đến việc nhà riêng, nhỏ có giá trị trên dưới 1 tỷ đồng, nhà thấp tầng (3-5 tầng) thì có phải mua bảo hiểm công trình bắt buộc hay không?

Chuyển những câu hỏi trên tới phó giám đốc ban bảo hiểm tài sản một DNBH lớn, vị này cho rằng, việc mua bảo hiểm bắt buộc không phụ thuộc vào việc đó là nhà phố, nhà nhỏ, mà căn cứ vào việc công trình đó có thuộc 4 nhóm bắt buộc phải mua theo Dự thảo Nghị định Quy định về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng hay không. Trong đó, 2 yếu tố chính được mang ra xem xét đó là công trình có nguồn vốn từ đâu và do bên nào làm chủ đầu tư.

“Cần xem xét nguồn vốn đầu đầu tư công trình đó là của ngân sách Nhà nước hay của tư nhân, chủ đầu tư là tư nhân hay Nhà nước. Nếu hoàn toàn là tư nhân thì sẽ không bắt buộc phải mua sản phẩm bảo hiểm này”.

Dù không bắt buộc nhưng vị trên lưu ý rằng, Khoản 2, Điều 9, Luật Xây dựng 2014 khuyến khích chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn, nhà thầu xây dựng mua các loại bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Tuy nhiên, theo ghi nhận từ một DNBH khác, việc mua bảo hiểm bắt buộc kể trên không phụ thuộc vào việc công trình đó của tư nhân hay Nhà nước, vốn lớn hay nhỏ, mà nếu công trình nằm trong phạm vi 4 nhóm công trình kể trên là phải mua.

Bên cạnh đó, nếu chỉ nhìn vào số tầng của công trình, các DNBH cho rằng, theo Dự thảo Nghị định đính kèm Phụ lục II, Nghị định 46/2015/NĐ-CP, nhà riêng trên 7 tầng mới phải mua bảo hiểm bắt buộc do thuộc nhóm công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng.

Quy định này đang chờ hướng dẫn cụ thể hơn, bởi trên thực tế, nhà riêng chỉ 2 tầng nhưng xây dựng trên phố cổ gây ảnh hưởng hơn nhiều so với nhà riêng 10 tầng nhưng được xây dựng giữa nơi vắng vẻ. Bởi thế, quy định chính thức về việc bao nhiêu tầng thì được miễn mua bảo hiểm bắt buộc vẫn còn phải chờ các cơ quan chức năng xác định rõ. 

Tiến tới áp dụng cho mọi đối tượng

Theo ghi nhận từ Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định, tinh thần của Dự thảo là áp dụng cho các công trình thuộc nhóm công trình quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp; có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng… tuy nhiên, về lâu dài sẽ tiến dần tới việc áp dụng cho mọi loại công trình.

Hiện tại, các quy định (bao gồm cả Dự thảo Nghị định đang lấy ý kiến) đang được quy định ở mức khả thi, phù hợp với thực tế triển khai loại bảo hiểm này, cũng như phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta, tạo điều kiện thuận lợi cho người thực thi luật.

Như vậy, căn cứ vào quy định hiện hành, đa số DNBH cho rằng, cách hiểu về đối tượng áp dụng chủ yếu dựa trên Luật Xây dựng có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, còn Dự thảo Nghị định trên vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến nên câu trả lời rõ ràng về việc nhà nhỏ, nhà phố, nhà tầng thấp có phải mua bảo hiểm bắt buộc công trình hay không cần phải chờ đến khi có Thông tư hướng dẫn Nghị định chính thức ra đời và có hiệu lực.

Theo nguồn tin của ĐTCK, sau khi Nghị định được ban hành và có hiệu lực, tại Dự thảo Thông tư hướng dẫn chi tiết việc mua loại bảo hiểm này, Bộ Tài chính sẽ soạn thảo một danh sách chi tiết các công trình bắt buộc phải mua bảo hiểm.

Phía các chủ hộ là cá nhân đề xuất, trong khi Luật Xây dựng chỉ quy định chung chung về các đối tượng phải mua bảo hiểm, Nghị định mới dừng ở Dự thảo, Thông tư hướng dẫn chưa có thì nên chăng không bắt buộc các hộ dân xuất trình loại giấy chứng nhận mua bảo hiểm bắt buộc này. Bởi thực tế, công tác xây dựng bị gián đoạn khi bên thanh tra yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận chủ đầu tư đã mua bảo hiểm công trình bắt buộc.

Tin bài liên quan