Với nhiều quy định chặt chẽ, việc các DNNN nợ như chúa chổm được ky vọng sẽ giảm thiểu

Với nhiều quy định chặt chẽ, việc các DNNN nợ như chúa chổm được ky vọng sẽ giảm thiểu

Thêm “tai, mắt” giám sát hiệu quả vốn nhà nước

(ĐTCK) Nghị định 99 được kỳ vọng sẽ mở ra giai đoạn mới trong việc quản lý, giám sát việc sử dụng vốn nhà nước.

Sau hơn 2 năm soạn thảo và lấy ý kiến đóng góp, Nghị định 99/2012/NĐ-CP về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào DN đã được ban hành. Khung pháp lý này được kỳ vọng sẽ mở ra giai đoạn mới trong việc quản lý, giám sát việc sử dụng vốn nhà nước, để chấn chỉnh tình hình kém hiệu quả, dàn trải và mất kiểm soát như thời gian trước đây.

Quy định được chú ý nhất trong Nghị định là người đại diện vốn nhà nước phải báo cáo định kỳ hoặc đột xuất tình hình đầu tư, tài chính, hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, kết quả kinh doanh của DN. Báo cáo để các cơ quan có liên quan như Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, UBND các tỉnh, thành phố thực hiện giám sát, kiểm tra và thanh tra.

Đi kèm với Nghị định này, sẽ có những quy định về chế độ quản lý tài chính, phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ, chế độ quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn, chế độ báo cáo và công khai tài chính, cơ chế giám sát, kiểm tra thực hiện.

Tuy nhiên, Nghị định mới vẫn để ngỏ nhiều vấn đề từng được tranh luận khá gay gắt thời gian qua. Thứ nhất, đó là việc nên hay không kéo dài tình trạng có nhiều đầu mối quản lý vốn nhà nước. Các thông lệ quản trị hiện đại trên thế giới hiện theo xu hướng thu gọn và tập trung các đầu mối quản lý vốn, trong khi tại Việt Nam đang có rất nhiều đầu mối quản lý như Chính phủ, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, SCIC, các tập đoàn, tổng công ty.

Thứ hai, thị trường vẫn chưa thấy được sự tách bạch và quan điểm rõ ràng giữa chức năng kinh doanh và phục vụ mục đích xã hội khi sử dụng vốn nhà nước. Nếu như đồng vốn của Nhà nước được đổ vào kinh doanh, thì đầu tiên nó phải theo các quy luật kinh doanh, mục đích của nó phải là lợi nhuận. Tuy nhiên, trong Nghị định mới, mục đích lợi nhuận với mục đích xã hội chưa được quy định rõ ràng. Ngoài ra, việc các bộ, UBND tỉnh, thành phố vừa có tư cách chủ sở hữu, vừa là người ban hành các quy định, khung pháp lý chi phối hoạt động của DN và xã hội từng dẫn đến nhiều hệ lụy, dẫn đến quản lý nhà nước bị méo mó, thiên vị DNNN. Vậy nhưng, việc tách chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện vốn nhà nước cũng chưa được thực hiện.

Dẫu vậy, Nghị định mới cũng nhen lên hy vọng về một cơ chế công bố thông tin minh bạch hơn. Vốn nhà nước có người đại diện quản lý, nhưng thực sự đó là vốn của toàn dân. Bởi vậy, người dân và xã hội mong rằng, sẽ có cơ chế để buộc các DN sử dụng vốn nhà nước công bố, công khai sức khỏe tài chính và tình hình đầu tư, tình hình hoạt động. Có thêm tai, thêm mắt, chắc chắn việc giám sát sử dụng vốn sẽ tốt hơn. Hiện nay, công chúng chỉ tiếp cận được báo cáo tài chính một cách rất hạn hẹp của những DNNN cổ phần hóa, thậm chí ngay cả khi DN đã trở thành công ty đại chúng như Tổng công ty Thép, Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex, Tổng công ty Sông Hồng thì thông tin về kết quả hoạt động của họ theo quý hoặc bán niên cũng hết sức nghèo nàn.

Với một loạt quy định chặt chẽ và chế độ công bố thông tin minh bạch hơn, những cú sốc như Vinashin, Vinalines hay việc các DNNN nợ như chúa chổm được kỳ vọng sẽ giảm thiểu hoặc chí ít cũng được bắt bệnh sớm để bốc thuốc chữa.