Thêm sức mạnh cho dòng tiền trên thị trường chứng khoán

Thêm sức mạnh cho dòng tiền trên thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thông tư 121/2020/TT-BTC, có hiệu lực từ 15/2, được kỳ vọng sẽ tạo thêm sức mạnh tài chính cho công ty chứng khoán, xa hơn là tạo sức mạnh cho dòng tiền trên thị trường chứng khoán.

Lành mạnh hóa tài chính công ty chứng khoán

Cụ thể, Thông tư quy định về hạn chế vay nợ của công ty chứng khoán như sau: Tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán không được vượt quá 5 lần. Giá trị tổng nợ theo quy định này không bao gồm các khoản: tiền gửi giao dịch chứng khoán của khách hàng; quỹ khen thưởng phúc lợi; dự phòng trợ cấp mất việc làm; dự phòng bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư.

Đối với hạn chế cho vay, Thông tư nêu rõ: Trừ trường hợp quy định tại Khoản 1, Điều 86, Luật Chứng khoán, công ty chứng khoán không được cho vay tiền, chứng khoán dưới mọi hình thức. Công ty chứng khoán không được dùng tiền, tài sản của công ty hoặc của khách hàng để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán cho bên thứ ba.

Công ty chứng khoán không được cho vay dưới bất kỳ hình thức nào đối với chủ sở hữu, cổ đông lớn, thành viên ban kiểm soát, thành viên hội đồng quản trị, thành viên hội đồng thành viên, thành viên ban giám đốc, kế toán trưởng, các chức danh quản lý khác do hội đồng quản trị công ty chứng khoán bổ nhiệm và người có liên quan của những đối tượng nêu trên.

Ngoài ra, công ty chứng khoán không được mua, góp vốn mua bất động sản, trừ trường hợp để sử dụng làm trụ sở chính, chi nhánh, phòng giao dịch phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ của công ty chứng khoán. Công ty chứng khoán mua, đầu tư vào bất động sản theo quy định nêu trên và tài sản cố định theo nguyên tắc giá trị còn lại của tài sản cố định và bất động sản không được vượt quá 50% giá trị tổng tài sản của công ty chứng khoán.

Ngoài ra, Thông tư quy định, tổng giá trị đầu tư vào các trái phiếu doanh nghiệp của công ty chứng khoán không được vượt quá 70% vốn chủ sở hữu…

Tác động ra sao đến thị trường?

Có hiệu lực kể từ ngày 15/2/2021, Thông tư 121/2020/TT-BTC sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của các công ty chứng khoán và gián tiếp ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán.

Thứ nhất, công ty chứng khoán không được dùng tiền, tài sản của công ty hoặc của khách hàng để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán cho bên thứ ba. Quy định này sẽ ảnh hưởng trực tiếp cho các hoạt động cho vay margin nhưng cầm cố thêm tài sản khác, vay top up vượt tỷ lệ 50% margin quy định, từ đó góp phần lành mạnh hóa thị trường.

Thứ hai, công ty chứng khoán không được mua, góp vốn mua bất động sản, trừ trường hợp để sử dụng làm trụ sở chính, chi nhánh, phòng giao dịch phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ. Với quy định này, công ty chứng khoán sẽ không thể nhận thế chấp các tài sản của khách hàng để thực hiện cho nghĩa vụ gia hạn margin hoặc chưa thu xếp được tiền nộp giữ tỷ lệ margin.

Thứ ba, công ty chứng khoán không được trực tiếp hoặc ủy thác cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện: đầu tư quá 20% tổng số cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đang lưu hành của một tổ chức niêm yết; đầu tư quá 15% tổng số cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đang lưu hành của một tổ chức chưa niêm yết (không áp dụng đối với chứng chỉ quỹ thành viên, quỹ hoán đổi danh mục và quỹ mở); đầu tư quá 70% vốn chủ sở hữu vào cổ phiếu, phần vốn góp và dự án kinh doanh, trong đó không được đầu tư quá 20% vốn chủ sở hữu vào cổ phiếu chưa niêm yết, phần vốn góp và dự án kinh doanh.

Quy định này không khác nhiều so với quy định hiện tại, nên không ảnh hưởng nhiều đến công ty chứng khoán.

Nhìn nhận một cách toàn cục, có thể thấy, các quy định mới theo hướng siết lại các hoạt động vượt chuẩn margin của các công ty chứng khoán, với mục tiêu lành mạnh hóa thị trường trong dài hạn.

Tỷ lệ tổng nợ được vay trên vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán được nới từ 2 lần lên 5 lần.

Ở một khía cạnh khác, việc giãn tỷ lệ tổng nợ được vay trên vốn chủ sở hữu từ 2 lần lên 5 lần là tăng dư địa cho công ty chứng khoán mở rộng quy mô hoạt động chủ chốt.

Thông thường, công ty chứng khoán vay tiền từ ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu và dùng tiền đó để cho vay margin, tài trợ hoạt động, đầu tư cổ phiếu và trái phiếu, mua bất động sản làm trụ sở hoặc chi nhánh phòng giao dịch, nhưng hiện nay, tiền vay của công ty chứng khoán chủ yếu tài trợ cho margin.

Chưa kể, tiền vay là một kênh dẫn vốn gián tiếp từ ngân hàng sang công ty chứng khoán để đưa vào thị trường chứng khoán, hiện nhiều công ty chứng khoán có ngân hàng mẹ tài trợ vốn vay ngắn hạn…

Vì vậy, khi dư địa vay được tăng lên, dòng tiền có thể đổ vào thị trường chứng khoán qua hình thức margin, nếu công ty chứng khoán còn dư địa tăng margin khi chưa chạm trần tỷ lệ giới hạn an toàn theo quy chế chung hoặc qua sản phẩm tài chính nào đó.

Tin bài liên quan