Thái Lan đã trở thành quốc gia châu Á đầu tiên ngừng sử dụng vắc xin Oxford-AstraZeneca

Thái Lan đã trở thành quốc gia châu Á đầu tiên ngừng sử dụng vắc xin Oxford-AstraZeneca

Thêm nhiều quốc gia đình chỉ tiêm vắc xin AstraZeneca

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vắc xin Covid-19 do AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển hiện đã bị đình chỉ ở một số quốc gia trên khắp châu Âu và châu Á sau các báo cáo về cục máu đông ở một số người được tiêm chủng.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia đã bảo vệ việc sử dụng loại vắc xin này và vẫn tiếp tục các chiến dịch tiêm chủng.

Hôm thứ Sáu (12/3), Thái Lan đã trở thành quốc gia châu Á đầu tiên ngừng sử dụng vắc xin AstraZeneca vì lo ngại an toàn, ngay sau khi Đan Mạch thông báo tạm dừng triển khai trên toàn quốc trong hai tuần sau khi có báo cáo về cục máu đông và một trường hợp tử vong.

Tương tự, 7 quốc gia khác gồm Na Uy, Iceland, Bulgaria, Luxembourg, Estonia, Lithuania và Latvia cũng đã đình chỉ sử dụng vắc xin này.

Trong khi đó, Áo và Ý cho biết họ sẽ ngừng sử dụng một số lô vắc xin nhất định như một biện pháp phòng ngừa.

Hôm thứ Năm (11/3), cơ quan dược phẩm của Châu Âu (EMA) nhấn mạnh vào rằng không có dấu hiệu nào cho thấy mũi tiêm gây ra cục máu đông, đồng thời cho rằng cơ quan này tin rằng lợi ích của vắc xin “tiếp tục lớn hơn nguy cơ”.

EMA thừa nhận một số quốc gia thành viên đã tạm dừng việc sử dụng vắc xin Oxford-AstraZeneca nhưng cho biết việc tiêm chủng có thể tiếp tục được thực hiện trong khi cuộc điều tra về các trường hợp đông máu đang diễn ra.

Tính đến thứ Tư (10/3), khoảng 5 triệu người ở Châu Âu đã được tiêm ngừa vắc xin Oxford-AstraZeneca. Trong số đó có 30 trường hợp bị “biến cố huyết khối tắc mạch” đã được báo cáo. Những trường hợp này đề cập đến các cục máu đông hình thành trong mạch máu và ngăn chặn dòng chảy của máu.

Tại sao các quốc gia đang tạm dừng các chiến dịch tiêm chủng?

Bộ Y tế Thái Lan hôm thứ Sáu (12/3) thông báo sẽ tạm thời hoãn việc sử dụng vắcxin Oxford-AstraZeneca. Báo cáo của Thái Lan mô tả loại vắc xin này là “vắc xin tốt” nhưng họ muốn tạm dừng để điều tra về vấn đề an toàn sau quyết định tạm dừng của Đan Mạch.

Soren Brostrom, Giám đốc Ủy ban Y tế Quốc gia Đan Mạch cho biết: “Điều quan trọng cần nhấn mạnh là chúng tôi đã không phải không sử dụng vắc xin AstraZeneca, nhưng chúng tôi đang tạm dừng tiêm vắc xin. Có bằng chứng tốt cho thấy vắc xin vừa an toàn vừa hiệu quả. Nhưng cả chúng tôi và Cơ quan Dược phẩm Đan Mạch đều phải phản ứng với các báo cáo về các tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra, cả từ Đan Mạch và các nước châu Âu khác”.

Mặt khác, nhiều quốc gia có thu nhập cao vẫn tiếp tục triển khai vắc xin Oxford-AstraZeneca trước những lo ngại về tính an toàn.

Anh, Pháp, Úc, Canada và Mexico là một trong số các quốc gia đã cố gắng trấn an người dân về lợi ích của việc chủng ngừa và cho biết họ sẽ tiếp tục các chiến dịch tiêm chủng tương ứng.

Các chuyên gia nói gì?

EMA cho biết “hiện tại không có dấu hiệu nào cho thấy việc tiêm chủng đã gây ra những tình trạng này vì những tác dụng này không được liệt kê là tác dụng phụ với vắc xin này”.

EMA cũng lưu ý rằng dữ liệu có sẵn cho đến nay cho thấy số lượng cục máu đông ở những người được tiêm chủng không cao hơn so với số lượng các cục máu đông trong dân số nói chung.

Tiến sĩ Phil Bryan, người đứng đầu về an toàn vắc xin tại Cơ quan quản lý các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và thuốc của Anh cho biết: “Các báo cáo về cục máu đông nhận được cho đến nay không lớn hơn số lượng sẽ xảy ra tự nhiên trong dân số được tiêm chủng”.

“Sự an toàn của công chúng sẽ luôn được đặt lên hàng đầu. Chúng tôi đang xem xét chặt chẽ vấn đề này nhưng bằng chứng hiện có không xác nhận rằng vắc xin là nguyên nhân. Mọi người vẫn nên đi tiêm vắc xin khi được yêu cầu”, ông nói.

Stephen Evans, giáo sư dược lý học tại Trường Vệ sinh & Y học Nhiệt đới London cho biết: “Vấn đề với các báo cáo tự phát về các phản ứng bất lợi nghi ngờ đối với vắc xin là trở ngại rất lớn trong việc phân biệt tác động nhân quả với sự trùng hợp ngẫu nhiên”.

“Điều này đặc biệt đúng khi chúng ta biết rằng bệnh Covid-19 có liên quan rất chặt chẽ với quá trình đông máu và đã có hàng trăm, hàng nghìn trường hợp tử vong vì đông máu do hậu quả của Covid-19. Điều đầu tiên cần làm là hoàn toàn chắc chắn rằng các cục máu đông không phải do nguyên nhân nào khác, bao gồm cả Covid-19”, ông Evans nói thêm.

Tin bài liên quan