Thêm nhiệt cho lộ trình cải cách

Thêm nhiệt cho lộ trình cải cách

(ĐTCK) ADB dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 5,2% trong năm 2013 và 5,6% trong năm 2014.

Thêm nhiệt cho lộ trình cải cách ảnh 1

Tại buổi Họp báo Báo cáo triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2013 được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức hôm qua (9/4), ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế quốc gia của ADB cho biết, ông đã tiếp xúc với khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài và tinh thần chung là họ đều không có ý định dừng đầu tư tại Việt Nam. Đặc biệt, trong đó các nhà đầu tư Nhật Bản đang đẩy mạnh việc tìm kiếm cơ hội đầu tư dài hạn ở Việt Nam .

“Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài nhờ có quy mô dân số trong độ tuổi lao động dồi dào và chi phí lao động thấp. Điều này được minh chứng bởi xu hướng gia tăng của FDI trong 10 năm qua”, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam nhận định. Tuy nhiên, cũng theo ông Tomoyuki Kimura, khi thời điểm hội nhập hoàn toàn vào ASEAN năm 2015 đang đến gần, Việt Nam sẽ phải đối mặt với cạnh tranh gia tăng để giành nguồn vốn FDI trong khu vực Đông Nam Á. Khả năng duy trì cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại mức 7 - 8% của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào việc thực hiện thành công các cải cách về cơ cấu kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh một cách toàn diện hơn.

Nhận định trên của ông Tomoyuki Kimura được đưa ra trên nền những phân tích của ADO . Theo đó, lộ trình cải cách nền kinh tế tại Việt Nam dường như đang chậm lại. Cụ thể, đối với khu vực DNNN, Chính phủ đã cam kết sẽ ban hành lộ trình cải cách vào giữa năm 2013. Kế hoạch tái cơ cấu đã được phê duyệt cho 24 DNNN lớn, nhưng có vẻ như các bản kế hoạch này vẫn chưa được triển khai rốt ráo trên thực tế.

Bên cạnh đó, tiến trình cổ phần hóa đã đi chậm lại trong những năm gần đây. Một trong các mục tiêu được đề ra là thoái vốn ngoài ngành tại các DNNN đến năm 2015, trong khi rất nhiều DNNN đang gặp khó khăn với những khoản đầu tư vào các lĩnh vực không liên quan đến ngành kinh doanh cốt lõi của mình. Tuy nhiên, một phần do các yếu tố thị trường không thuận, kế hoạch này đang gặp phải thách thức lớn.

Đối với các vấn đề của ngành ngân hàng, ADO nhận định, tháng 10/2012, các NHTM báo cáo con số nợ xấu ước tính vào khoảng 4,8% tổng dư nợ, nhưng theo con số ước tính của NHNN, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng tính đến giữa năm 2012 vào khoảng 8,8% và giảm xuống còn 6,0% vào tháng 2/2013.

Theo các nhà phân tích độc lập ước tính, tỷ lệ nợ xấu tính theo chuẩn mực kế toán quốc tế có thể ở mức hai con số. Nợ xấu tăng là hệ quả của hoạt động cho vay tăng trưởng quá nhanh trong nhiều năm, sau đó là thắt chặt tín dụng trong năm 2011, tình hình kinh tế suy thoái, thị trường bất động sản đóng băng và kết quả hoạt động kinh doanh yếu kém của một số DNNN vay nợ quá nhiều.

Tháng 3/2012, Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch cải cách nhằm tăng cường hệ thống ngân hàng thông qua sáp nhập, tái cấp vốn, áp dụng các chuẩn mực an toàn quốc tế, và cải thiện công tác thanh tra, giám sát ngân hàng. Tuy nhiên, “tiến bộ trong việc tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng hay giải quyết nợ xấu rất hạn chế”, Báo cáo nhấn mạnh.

Tỷ lệ an toàn vốn của hệ thống ngân hàng giảm xuống còn 13,6% trong tháng 1/2013 so với 14,6% trong tháng 4/2012. Mặc dù tỷ lệ này vẫn cao hơn mức sàn 9% theo quy định của cơ quan quản lý, song trạng thái vốn của các ngân hàng có thể yếu hơn so với báo cáo nếu họ đánh giá chưa đầy đủ mức độ nợ xấu và không trích lập đủ dự phòng.

Tuy nhiên, báo cáo của các tổ chức định hạng tín nhiệm quốc tế đã cho thấy những tín hiệu khả quan nhất định. Vào tháng 9/2012, Moody hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ B1 xuống B2, với lý do là những yếu kém trong hệ thống ngân hàng và tăng trưởng kinh tế giảm. Trong khi đó, vào tháng 1/2013, Fitch đã xếp hạng tín nhiệm dài hạn cho Việt Nam là B + khi cho rằng Việt Nam có triển vọng ổn định.

“Mặc dù còn những quan ngại, những thành công và tiến bộ ban đầu có thể là động lực cho việc cải cách hơn nữa để Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài”, ông Tomoyuki nhấn mạnh.         

 

ADO 2013 dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 5,2% trong năm 2013 và 5,6% trong năm 2014 nếu đạt được tiến bộ trong việc củng cố lĩnh vực ngân hàng và sự phục hồi của các nền kinh tế lớn tạo động lực xuất khẩu trong năm 2014. Lạm phát trung bình năm dự kiến sẽ vào khoảng 7,5% tại thời điểm cuối năm 2013 trước khi tăng lên 8,2% trong năm 2014, thấp hơn so với dự báo trước đây do cầu nội địa thấp hơn dự báo. Mức dự báo này được đưa ra với giả định rằng, các điều kiện thời tiết thuận lợi cho sản xuất lương thực, tỷ giá tiền đồng tương đối ổn định và các kích thích chính sách được kiểm soát.