Thêm một năm cam kết ổn định tỷ giá

Thêm một năm cam kết ổn định tỷ giá

(ĐTCK) Một năm yên ả của tỷ giá qua đi, nhiều yếu tố vĩ mô thuận lợi đang cho thấy, khả năng tỷ giá tiếp tục ổn định trong năm nay.

Dự báo này càng được củng cố khi người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cam kết sẽ tiếp tục chính sách điều hành tỷ giá ổn định.

Thêm một năm cam kết ổn định tỷ giá ảnh 1

Áp lực lên tỷ giá: không đáng ngại

Trong khi nguồn cung ngoại tệ vẫn tăng, do kiều hối về nước vẫn đạt khoảng 9,5 tỷ USD trong năm qua, xuất khẩu tăng khá, thì cầu ngoại tệ lại giảm. Với tỷ giá được duy trì ổn định trong cả năm qua, lãi suất huy động ngoại tệ không cao, mức lãi suất tối đa 2%/năm của tiết kiệm bằng ngoại tệ trở nên kém hấp dẫn hẳn so với lãi suất tiết kiệm bằng VND (8%/năm kỳ hạn dưới 1 năm và xấp xỉ 12%/năm đối với kỳ hạn trên 1 năm). Người gửi tiết kiệm không muốn gửi USD như trước, mà có xu hướng chuyển từ tiết kiệm bằng USD sang VND. Mặt khác, các DN xuất khẩu không còn “găm” ngoại tệ do kỳ vọng tỷ giá tăng không còn và tình hình tài chính khó khăn đòi hỏi phải xoay nhanh vòng vốn, nên nguồn ngoại tệ DN thu về sẽ được bán lại cho các ngân hàng thương mại.

Còn với tín dụng bằng ngoại tệ, Thống đốc NHNN cho rằng, không đáng lo ngại vì khi cho vay ngoại tệ, các ngân hàng đã có sự chọn lọc khách hàng kỹ lưỡng và chủ yếu ưu tiên cho DN xuất khẩu có nguồn thu bằng USD. 

Mới đây, NHNN đã dự thảo Đề án Chống đô la hóa; trong đó, có vấn đề hạn chế tín dụng ngoại tệ đối với các nhà nhập khẩu. Theo Tổng giám đốc Eximbank, ông Trương Văn Phước, tăng trưởng tín dụng là một nhân tố tác động đến tỷ giá hối đoái. Với nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Việt Nam , việc xuất siêu trong năm qua có ý nghĩa rất tích cực với tỷ giá. Nhờ thặng dư cán cân thương mại bù đắp, dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng lên. Đồng thời, việc NHNN hạn chế cho vay ngoại tệ đối với nhà nhập khẩu, sẽ giảm tải áp lực về cầu ngoại tệ, nhất là sự tịnh tiến về cầu này trong tương lại, tạo áp lực lên tỷ giá. Còn nhà xuất khẩu tiếp tục được vay ngoại tệ và sau đó bán nguồn thu ngoại tệ cho ngân hàng… cùng với việc chênh lệch lãi suất tiền đồng – ngoại tệ còn cao sẽ giúp cho tỷ giá ổn định.

“Tuy nhiên, ổn định không có nghĩa là cố định. Theo tôi, tỷ giá trong năm nay sẽ theo chiều hướng ổn định, dao động trong biên độ 1 - 2%”, ông Phước nói.

 

Sẽ duy trì chính sách ổn định tỷ giá

Tỷ giá hối đoái giao dịch mua – bán tại các NHTM cuối năm 2012 đã giảm 0,84% so với hồi đầu năm. Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, tỷ giá trên thị trường tự do giảm và liên tục chênh lệch âm so với tỷ giá giao dịch trong hệ thống NHTM. Tình trạng đầu cơ, nắm giữ ngoại tệ cũng giảm hẳn. Tại địa bàn TP. HCM, theo NHNN Chi nhánh TP. HCM, vốn huy động bằng ngoại tệ năm qua đã giảm đến 15,3% so với một năm trước đó, trong khi tiền gửi VND tăng 19,2%.

Theo ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN TP.HCM, đây là kết quả gắn liền với cơ chế chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt của NHNN và trật tự thị trường được đảm bảo bằng chính hiệu quả hoạt động kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động thị trường ngoại hối.

“Đặc biệt, chính sách quản lý vàng miếng của NHNN đã và đang phát huy tác động tích cực; trong đó, loại bỏ tác động tiêu cực từ mối liên hệ vàng – ngoại tệ là vấn đề tồn tại trong nhiều năm trước”, ông Lâm cho biết.

Để góp phần bình ổn tỷ giá, NHNN cho biết, sẽ tiếp tục tích cực trong việc chấn chỉnh việc niêm yết giá bán và mua ngoại tệ trái phép. Tỷ giá hối đoái trong tầm kiểm soát của NHNN khi cán cân thương mại thặng dư lần đầu tiên trong vòng hơn 10 năm. Theo dự báo của một thành viên trong Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, với lạm phát dự báo cả năm nay được kiểm soát ở mức kỳ vọng 6,8 -7%, tỷ giá trong 2013 khó biến động, thị trường ngoại tệ ổn định.

NHNN đã chủ động đưa ra những cam kết mạnh mẽ về ổn định tỷ giá hối đoái, để thể hiện quyết tâm của cơ quan điều hành, ổn định tâm lý thị trường và định hình kỳ vọng về tỷ giá của người dân. Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, định hướng chung của NHNN là tiếp tục giữ ổn định tỷ giá, điều hành có sự linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường, tình hình cung cầu ngoại tệ, góp phần nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa trong nước, khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập siêu, tiếp tục cải thiện cán cân thanh toán quốc tế , giữ ổn định giá trị đồng Việt Nam, nhằm hỗ trợ phát triển bền vững và chống đô - la hóa nền kinh tế.