Margin và cầm cố là các dịch vụ song song và NĐT có thể lựa chọn cả 2 dịch vụ này - Ảnh: Hoài Nam

Margin và cầm cố là các dịch vụ song song và NĐT có thể lựa chọn cả 2 dịch vụ này - Ảnh: Hoài Nam

Thêm góc nhìn về margin

(ĐTCK-online) Hướng dẫn về margin mà UBCK đang hoàn chỉnh, nên làm rõ rằng UBCK chỉ hướng dẫn CTCK, chứ không phải cho mọi tổ chức khác “đòi giữ” chứng khoán của NĐT để cho vay.

>> Margin: góc nhìn từ cơ quan quản lý và thị trường

Với mong muốn văn bản hướng dẫn giao dịch ký quỹ (margin) sau khi Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) ban hành sẽ được các CTCK và NĐT hào hứng đón nhận, Báo ĐTCK đã liên tục truyền tải ý kiến đa chiều của các thành viên thị trường. Trong số này, ĐTCK trao đổi với ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc môi giới - giao dịch, CTCK Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHBS).

 

Ông bình luận gì về ý kiến lo ngại dự thảo margin đang có “khoảng trống” về quản lý dòng vốn chảy từ ngân hàng tới NĐT thông qua CTCK với tư cách là chủ thể hỗ trợ phong toả chứng khoán?

Cầm cố là nghiệp vụ truyền thống của các ngân hàng, theo đó khách hàng có quyền đem tài sản do mình sở hữu giao cho ngân hàng để được vay tiền. Những thứ tài sản đó có nhiều loại, trong đó có chứng khoán. Tuy nhiên, cầm cố chứng khoán không có nghĩa là phải nằm dưới sự kiểm soát của UBCK. Với NĐT, cầm cố vẫn là dịch vụ của ngân hàng, còn CTCK cung cấp margin. Nghĩa là, ngân hàng và CTCK là các đơn vị cung cấp dịch vụ cho vay những nhóm ngành khác nhau.

 

Nhưng đang có quan điểm, nếu quy định về margin thiếu bao quát và không chặt che, sẽ dễ dẫn đến tình trạng các CTCK né cung cấp margin, mà dẫn vốn gián tiếp cho NĐT thông qua ngân hàng. Làm thế nào để ngăn ngừa nguy cơ lách luật này, thưa ông?

Đối với hướng dẫn về margin mà UBCK đang hoàn chỉnh, nên làm rõ rằng UBCK chỉ hướng dẫn CTCK, chứ không phải cho mọi tổ chức khác “đòi giữ” chứng khoán của NĐT để cho vay, chẳng hạn như ngân hàng. Thực tế, cầm cố là dịch vụ cổ xưa của ngân hàng, nên tất nhiên cơ quan quản lý ngân hàng đã có hướng dẫn về vấn đề này. Nay có cần hướng dẫn thêm việc cầm cố chứng khoán, thì văn bản này không mấy thay đổi so với nghiệp vụ cầm cố nói chung của các ngân hàng. Dịch vụ cầm cố và margin có 2 điểm cơ bản khác nhau, nên mới cần UBCK hướng dẫn margin.

Thứ nhất là độ rủi ro. Margin là tiền cho vay dựa trên số chứng khoán được mua ngày T nhưng T+4 mới về, còn cầm cố là cho vay dựa trên số chứng khoán sẵn có trong tài khoản ngay ngày T. Với margin, CTCK có thể cho vay ngay cả khi NĐT chỉ có tiền, ví dụ NĐT có 700 triệu đồng, CTCK cho vay thêm 300 triệu là NĐT mua được 1 tỷ đồng chứng khoán. Nhưng điều này đối với ngân hàng thường là không thể (có thể ngân hàng nào đó cho cầm cố chứng khoán chờ về tài khoản, nhưng rất ít). NĐT phải có chứng khoán thì ngân hàng mới định giá số chứng khoán đó theo thị giá và có chiết khấu vài chục phần trăm rồi mới quyết cho vay bao nhiêu tiền. Margin có độ rủi ro cao hơn cầm cố của ngân hàng, do đó đòi hỏi có mức bù rủi ro và phương án xử lý khác nhau.

Thứ hai là tính chủ động trong bán chứng khoán. Điều này thì quá rõ, bởi không ai ngoài CTCK chủ động trong việc này. Ngân hàng có muốn bán chứng khoán để thu nợ cũng chỉ có cách phát lệnh qua CTCK. Vì chủ động quá nên có thời kỳ CTCK rất lỏng trong định giá rủi ro và mức cho vay, cụ thể là sẵn sàng cho vay mức 3:7 (NĐT có 3, CTCK cho vay 7), trong khi ngân hàng chỉ dám cho vay 7:3.

 

Dịch vụ cho NĐT chậm nộp tiền T+2 có thể là cầu nối dẫn đến CTCK gián tiếp cung cấp vốn cho NĐT thông qua ngân hàng. Theo ông, điều này có dẫn đến nguy cơ lách luật margin?

Dịch vụ chậm nộp tiền T+2 được CTCK triển khai là để cho NĐT chậm nộp tiền mua tối đa 2 ngày tính từ thời điểm khớp lệnh, chứ không phải là mục đích cho vay. Nói cách khác, cho vay chỉ là phương án dự phòng.

Ví dụ: một NĐT có tiền tiết kiệm bên ngân hàng nhưng muốn đặt mua chứng khoán. Anh ta nói rằng, nếu khớp lệnh thì sẽ chuyển tiền tiết kiệm qua, còn không khớp thì cứ để sổ bên ngân hàng, đỡ phải rút tiền trước hạn. Tất nhiên, đây là lý do hợp lý để CTCK cho chậm tiền. Có nhiều lý do khác cũng hợp lý, nhưng để phòng NĐT lật kèo thanh toán đúng hạn, CTCK hoặc là phối hợp với ngân hàng để kiểm soát được sổ tiết kiệm của NĐT, hoặc phong tỏa thêm chứng khoán trên tài khoản của khách hàng. Qua T+3, nếu NĐT chưa nộp tiền, CTCK sẽ phải ứng tiền thanh toán bù trừ và sau đó tìm cách thu nợ từ sổ tiết kiệm hoặc bán chứng khoán của NĐT. Tựu chung là thu nợ ngay từ T+3.

Như vậy, margin và cầm cố (cả chậm tiền T+2) là các dịch vụ song song, NĐT có 3 trong 1 lựa chọn cùng lúc: thích ngân hàng thì đem cầm cố, ưa môi giới thì xài margin, có tiền vẫn có thể chậm nộp. Chậm tiền T+2 theo như Điều 4 Công văn số 2327 của UBCK thì phải tạm dừng, còn margin thì chỉ cần hướng dẫn CTCK là ổn.