Phóng tay cho thuê đất công
Như Báo Đầu tư số 11, ra ngày 25/1/2019 đưa tin, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã ký Kết luận thanh tra số 144/KL - BGTVT về công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản và quản lý đầu tư, xây dựng tại VATM.
Kết luận thanh tra số 144 đã phác thảo tương đối rõ “chân dung” của VATM - đơn vị cung cấp dịch vụ công ích bảo đảm hoạt động bay tại các cảng hàng không và các vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý, bao gồm cả những góc khuất ít được động chạm tới tại doanh nghiệp này.
Ngoài các tồn tại liên quan đến công tác thực hiện kế hoạch dài hạn, trung hạn, hàng năm, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, việc quản lý sử dụng vốn, đất đai tại VATM cũng bộc lộ nhiều hạn chế cần sớm được chỉnh sửa.
Cụ thể, tại thời điểm Thanh tra Bộ GTVT vào cuộc (tháng 9/2018), Công ty mẹ VATM được giao quản lý, sử dụng 55 lô đất, với diện tích khoảng 502.503 m2. Công ty TNHH Kỹ thuật quản lý bay (Attech) - công ty con của VATM, quản lý sử dụng 29 khu đất với tổng diện tích là 102.695 m2, trong đó có nhiều lô đất ở vị trí đắc địa ngay trung tâm TP.HCM.
Thanh tra Bộ GTVT xác định, VATM có sai sót trong việc cho thuê tài sản trên một phần diện tích của 7 lô đất với mục đích không liên quan gì đến ngành nghề kinh doanh chính như sân tennis, kinh doanh nhà hàng ăn uống, thuê xưởng sửa chữa ô tô... Nổi cộm trong số này là việc sử dụng khu vực đất dự phòng phía sau tiếp giáp mặt đường Thăng Long và đường Phan Thúc Duyện (19.000 m2) tại phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM có sử dụng kết hợp cho thuê để làm sân bóng đá, liên doanh garage ô tô và làm căng tin.
Kết luận Thanh tra số 144/KL - BGTVT xác định, VATM đã sử dụng không đúng mục đích sử dụng đất được ký tại Hợp đồng thuê đất giữa VATM và UBND TP.HCM, đồng thời “việt vị” rất sâu nhiều quy định của pháp luật về quản lý đất đai như: khoản 1, Điều 6, Luật Đất đai 2013: “Nguyên tắc sử dụng đất: đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất”, chưa đúng khoản 3, Điều 12, Luật Đất đai 2013: “Những hành vi bị nghiêm cấm: không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích”.
Theo VATM báo cáo, số tiền đơn vị cho thuê các lô đất từ ngày 1/1/2012 đến ngày 30/6/2018 là 86,083 tỷ đồng; số tiền chưa nộp ngân sách nhà nước là 17,175 tỷ đồng.
Việc quản lý đất đai tại công ty con - Attech cũng lộn xộn không kém đơn vị mẹ. Thanh tra Bộ GTVT cho biết, Attech được giao quản lý, sử dụng đất đai đối với đất thuê của Nhà nước có trả tiền hàng năm tại lô đất địa chỉ 58 - Trường Sơn, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM với diện tích 1.264 m2; mục đích sử dụng là đất thương mại, dịch vụ (văn phòng làm việc, khu trưng bày sản phẩm và kinh doanh vật tư thiết bị hàng không); thời hạn thuê với Nhà nước đến 30/8/2060.
Tuy nhiên, năm 2015, Công ty lại cho Công ty cổ phần Sóng Việt thuê để làm nơi tập kết xe ô tô (theo Hợp đồng số 88/2015/HĐTM ngày 1/9/2015 giữa Attech và Công ty Sóng Việt), giá cho thuê tối thiểu 28 triệu đồng/tháng, với diện tích 1.264 m2, tổng giá trị tiền cho thuê đến khi thanh lý hợp đồng là 308 triệu đồng; số tiền chưa nộp ngân sách nhà nước là 92,4 triệu đồng (khoản trích quỹ đầu tư phát triển là 30%).
Tại Kết luận số 144, Bộ GTVT đã yêu cầu VATM chấm dứt việc sử dụng đất chưa phù hợp với theo quy định, đồng thời thu hồi nộp ngân sách nhà nước 17,267 tỷ đồng cho thuê đất không đúng quy định, trong đó VATM phải nộp 17,175 tỷ đồng và Công ty Attech là 92,4 triệu đồng.
Ý thức tuân thủ thấp
Bên cạnh các nội dung thanh tra, rà soát việc sử dụng vốn, tài sản tại VATM, Kết luận số 144 cũng làm rõ một số nội dung tố cáo theo đơn thư đối với lãnh đạo tại Tổng công ty này.
Theo đó, từ tháng 4/2018 đến 7/2018, Bộ GTVT nhận được một số đơn tố cáo lãnh đạo VATM với 7 nội dung: không báo cáo các vụ việc uy hiếp an toàn bay; vi phạm chế độ bảo dưỡng lớn tài sản, thiết bị ở Trung tâm quản lý không lưu chính là ACC/HAN và ACC/HCM; đùn đẩy trách nhiệm của lãnh đạo VATM trong việc không thành lập Ban quản lý dự án theo tinh thần các nghị quyết và chỉ đạo của Bộ GTVT; việc cho thuê đất sai nguyên tắc tại 22 - Trần Quốc Hoàn, TP.HCM và tại phố Nguyễn Sơn, Hà Nội; cải tạo bể bơi thành nhà hai tầng trong Trung tâm Văn hóa hàng không không đúng thẩm quyền và xây dựng nhà không có giấy phép, mất 15 tỷ đồng đã chuyển cho nhà thầu xây dựng; ông Phạm Việt Dũng (Tổng giám đốc, sau đó là Chủ tịch HĐTV VATM) chỉ đạo ông Hồ Sỹ Tùng, Phó giám đốc Công ty Quản lý bay Miền Bắc đấu thầu kéo dài vi phạm Luật Đấu thầu, tìm mọi cách để loại các nhà thầu khác có đủ năng lực, sau đó chọn công ty do anh vợ ông Dũng làm giám đốc trúng thầu tại Dự án Camera giám sát các cơ sở điều hành bay; ông Dũng cho bạn may toàn bộ trang phục của VATM với chất lượng vải, số lượng quần áo không đảm bảo.
Mặc dù tại Kết luận số 144, qua xác minh, Bộ GTVT khẳng định hầu hết nội dung tố cáo liên quan đến việc vi phạm quy định về đấu thầu, che dấu thông tin an toàn bay, vi phạm chế độ bảo dưỡng thiết bị là không chính xác hoặc chưa đủ cơ sở, nhưng vẫn còn một số nội dung tố cáo được ghi nhận là “có một phần cơ sở”.
Cụ thể, Bộ GTVT khẳng định, nội dung tố cáo liên quan đến việc Tổng công ty cho thuê 500 m2 đất tại đường Nguyễn Sơn một phần có cơ sở, bởi VATM chỉ được giao quản lý khu đất, không có hợp đồng thuê đất hoặc quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền.
Liên quan đến nội dung tố cáo lãnh đạo VATM không thực hiện các quy định của Chính phủ về quản lý các dự án đầu tư; không thực hiện văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT về việc thành lập Ban QLDA (Văn bản số 3118/BGTVT-QLDN ngày 24/3/2016, Văn bản số 11128/BGTVT-QLDN ngày 02/10/2017). Thậm chí do đấu đá nội bộ mà những nghị quyết của Đảng ủy về việc thành lập Ban QLDA, Tổng giám đốc Quản lý bay cũng coi thường không thực hiện (Nghị quyết số 64-NQ/ĐU ngày 18/8/2017, Nghị quyết số 98-NQ/ĐU ngày 30/5/2018), Kết luận thanh tra đánh giá là chưa đủ cơ sở.
Theo Bộ GTVT, hiện VATM đã triển khai các thủ tục thành lập Ban Quản lý chuyên ngành quản lý bay, tuy nhiên VATM đang trong giai đoạn xây dựng phương án cơ cấu lại Tổng công ty, trong phương án có nêu vấn đề thành lập Ban Quản lý dự án chuyên ngành quản lý bay. Ngày 28/2/2018, Bộ GTVT ban hành Quyết định số 402/QĐ-BGTVT về việc phê duyệt phương án cơ cấu lại Tổng công ty, trong phương án có nội dung phê duyệt kế hoạch sắp xếp các đơn vị thành viên của Tổng công ty giai đoạn 2017 - 2020 “Tổ chức sắp xếp lại các ban quản lý dự án của Tổng công ty theo hướng thành lập 1 ban quản lý dự án chuyên ngành trực thuộc Tổng công ty”.
Tuy nhiên, đến thời điểm xác minh, VATM vẫn chưa thành lập Ban quản lý dự án chuyên ngành quản lý bay, vẫn giao cho các đơn vị hạch toán phụ thuộc làm chủ đầu tư nhiều dự án của VATM là thực hiện chưa đúng quy định tại khoản 1, Điều 17 và khoản 1, Điều 21, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ; chưa thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT tại Văn bản số 3118/BGTVT-QLDN ngày 24/3/2016, Văn bản số 11128/BGTVT-QLDN ngày 2/10/2017; chưa thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy VATM tại Nghị quyết số 64-NQ/TVĐU ngày 18/8/2017, Nghị quyết số 98-NQ/TVĐU ngày 31/5/2018.
“Bộ GTVT yêu cầu VATM khẩn trương thành lập Ban quản lý dự án chuyên ngành quản lý bay; chấm dứt việc giao cho các đơn vị hạch toán phụ thuộc làm chủ đầu tư các dự án có tổng mức đầu tư từ 5 tỷ đồng trở lên theo quy định”, Kết luận số 144 nêu rõ.
VATM đầu tư 222 dự án với tổng mức đầu tư gần 6.100 tỷ đồng
VATM được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Tổng công ty Bảo đảm hoạt động bay Việt Nam theo mô hình công ty mẹ - công ty con, là Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ với 8 đơn vị trực thuộc và 1 công ty con.
Vốn điều lệ của VATM đến ngày 31/12/2018 là 3.138,401 tỷ đồng. Theo VATM báo cáo, từ năm 2012 đến tháng 12/2017, VATM đầu tư xây dựng 222 dự án bằng nguồn vốn của đơn vị với tổng mức đầu tư các dự án là 6.096 tỷ đồng.