Thêm giải pháp thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển

(ĐTCK) “Để hỗ trợ cho thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) phát triển, minh bạch, hấp dẫn hơn trong thời gian tới, Bộ Tài chính đang triển khai nhiều giải pháp…”, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính cho biết khi trao đổi với ĐTCK.
Bà Phan Thị Thu Hiền

Bà Phan Thị Thu Hiền

Thị trường TPCP chuyên biệt đã vận hành được 5 năm, bên cạnh những thành tựu lớn mà thị trường đã biết, theo bà, điểm nào còn hạn chế?

Đó là quy mô và thanh khoản vẫn ở mức thấp so với thị trường TPCP của các nước trong khu vực. Các nhà tạo lập thị trường chưa có đủ công cụ và chức năng cần thiết để thúc đẩy thị trường phát triển. Sản phẩm trái phiếu chưa đa dạng, chủ yếu là trái phiếu lãi suất cố định, trả lãi hàng năm và trả gốc một lần khi đáo hạn.

Các sản phẩm khác như trái phiếu có lãi suất thả nổi, trái phiếu tương lai chưa được triển khai, nên NĐT chưa có điều kiện để lựa chọn khi xây dựng danh mục đầu tư. Kỳ hạn phát hành của trái phiếu tập trung ở các kỳ hạn ngắn dưới 5 năm, nên gây sức ép trả nợ sớm cho Chính phủ. Hệ thống cơ sở NĐT vẫn chủ yếu là các ngân hàng thương mại (NHTM), sự tham gia của các NĐT dài hạn và NĐT nước ngoài còn hạn chế. 

Các nhà tạo lập thị trường chưa có đủ công cụ cần thiết, bất cập này tại sao chưa được khắc phục, thưa bà?

Hệ thống thành viên đấu thầu TPCP bắt đầu triển khai từ khi Thông tư 17/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn phát hành TPCP tại thị trường trong nước được ban hành, trong đó quy định cụ thể các quyền lợi, nghĩa vụ của thành viên.

Năm 2013 là năm đầu tiên triển khai thí điểm hệ thống thành viên đấu thầu TPCP, với 36 thành viên, gồm 22 NHTM và 14 CTCK. Năm nay, Bộ Tài chính đã lựa chọn được 24 thành viên tích cực tham gia thị trường, với 17 NHTM và 7 CTCK.

Nhìn chung, các thành viên đấu thầu đều tham gia rất tích cực, nên góp phần phát triển thị trường. Tuy nhiên, hiện các quyền lợi và nghĩa vụ của thành viên đấu thầu TPCP vẫn chưa cân đối, vì chưa có hệ thống hỗ trợ thanh khoản cho thành viên do điều kiện về pháp lý, cơ sở hạ tầng chưa đủ để triển khai.

Để khắc phục tình trạng trên, qua đó khuyến khích các thành viên đấu thầu TPCP tham gia thị trường tích cực hơn, Bộ Tài chính đang nghiên cứu sửa đổi các quy định pháp lý theo hướng áp dụng các quyền lợi ưu tiên đối với các thành viên tham gia tích cực trên thị trường như: được ưu tiên lựa chọn làm tổ chức bảo lãnh chính; cho phép đăng ký mua thêm trái phiếu ngay sau mỗi phiên đấu thầu TPCP, các thành viên tham gia tích cực trên thị trường được phép mua thêm khối lượng TPCP ở một mức nhất định, tùy theo khối lượng trúng thầu của từng thành viên tại phiên đấu thầu đó…

Trong kế hoạch dài hạn, sẽ phát triển cơ chế hỗ trợ thanh khoản của KBNN cho các thành viên khi tham gia thị trường TPCP. 

Làm thế nào để thị trường trái phiếu không quá phụ thuộc vào nguồn vốn của hệ thống NHTM như hiện tại, thưa bà?

Việc các NHTM tham gia đầu tư và nắm giữ khối lượng lớn TPCP mang lại những lợi ích cho thị trường TPCP, cũng như nền kinh tế. Chức năng cơ bản của NHTM là trung gian tài chính nhằm giúp lưu chuyển dòng vốn từ tổ chức, cá nhân tiết kiệm tới các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng vốn.

Với chức năng đó, NHTM huy động vốn từ tổ chức, cá nhân để thực hiện cho vay và đầu tư (bao gồm đầu tư trái phiếu), giúp điều hòa vốn trên thị trường. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, các NHTM là NĐT chủ yếu trên thị trường TPCP. Chẳng hạn, tại Trung Quốc, hiện các NHTM chiếm khoảng 80% tổng khối lượng trái phiếu đang niêm yết.

Cùng với sự phát triển của thị trường vốn, đặc biệt là hệ thống NĐT có tổ chức, cơ cấu NĐT trên thị trường sẽ chuyển dịch theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào NHTM. Đây là quá trình lâu dài, thông thường ở các nước phải mất hàng chục năm để thực hiện.

Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp cùng các cơ quan chức năng, các tổ chức cung cấp dịch vụ thị trường triển khai các biện pháp để đa dạng hoá loại hình NĐT như: phát triển hệ thống quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ hưu trí tự nguyện, nhằm hình thành cơ sở NĐT vốn dài hạn trên thị trường. 

Thời gian qua, NĐT nước ngoài chủ yếu “lướt sóng” trên thị trường trái phiếu Việt Nam. Làm thế nào để thu hút họ tham gia đầu tư dài hạn?

Để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế vĩ mô cần ổn định, đặc biệt là về lạm phát, lãi suất và tỷ giá. Thị trường cũng cần được cải thiện về thanh khoản và minh bạch thông tin, để NĐT nước ngoài thuận lợi trong đánh giá cơ hội đầu tư. Niềm tin của các NĐT nước ngoài rất khó gây dựng, nên các chính sách điều hành cần ổn định lâu dài, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các NĐT…

Trên cơ sở các điều kiện trên, Bộ Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tìm các giải pháp hỗ trợ, đồng thời kiểm soát vốn gián tiếp vào TTCK, trái phiếu; phối hợp trong công tác phát hành TPCP và phát hành tín phiếu NHNN; tăng cường trao đổi thông tin về tình hình thanh khoản của hệ thống NHTM, tình hình thu/chi ngân sách nhà nước, dự kiến điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa để đáp ứng mục tiêu điều hành chính sách của hai cơ quan.

Bộ Tài chính có những định hướng lớn nào về hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý, nhằm hỗ trợ thị trường trái phiếu nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong giai đoạn phát triển tới?

Bám sát Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam đến năm 2020, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện hệ thống khuôn khổ pháp lý về quản lý nợ công gắn với quản lý ngân sách, quản lý ngân quỹ nói chung và thị trường TPCP nói riêng một cách đồng bộ.

Củng cố và cải thiện tính công khai của thị trường TPCP thông qua áp dụng các tiêu chuẩn thanh tra, giám sát và chế tài xử lý vi phạm theo thông lệ quốc tế; hỗ trợ cho quá trình phát triển đối với các sản phẩm mới nhằm phù hợp với yêu cầu đầu tư, quản lý rủi ro của NĐT. Tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống thành viên đấu thầu TPCP, với những chức năng tạo lập thị trường cơ bản trên thị trường sơ cấp.

Ngoài ra, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng về niêm yết giao dịch TPCP tại HNX, đăng ký lưu ký tại VSD, để tạo nền tảng cho sự phát triển của thị trường cả về quy mô và sản phẩm mới. Đồng thời, tập trung triển khai các giải pháp nhằm đa dạng hoá các loại hình NĐT, đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường TPCP, đặc biệt là đẩy mạnh thu hút NĐT nước ngoài thông qua cải cách các chính sách về thuế, phí giao dịch.

Phát triển hệ thống quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ hưu trí tự nguyện nhằm hình thành cơ sở NĐT vốn dài hạn trên thị trường. bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với NHNN thực hiện các biện pháp điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững.

5 năm qua, tổng khối lượng phát hành TPCP đạt trên 654.000 tỷ đồng. Hoạt động phát hành được chuẩn hóa với lịch biểu, kỳ hạn phát được công bố đều đặn. Trên thị trường thứ cấp, khối lượng giao dịch liên tục tăng, bình quân trong những tháng đầu năm 2014 đạt 2.400 tỷ đồng/phiên, cao gấp 8 lần so với năm 2009. Hạ tầng thông tin, hệ thống công nghệ về đấu thầu và giao dịch tại HNX, hệ thống đăng ký, lưu ký tại VSD liên tục được nâng cấp…

Tin bài liên quan